Cụ thể, trong đại án Nhật Cường, có 11 bị cáo kháng cáo sau phiên sơ thẩm.
Gồm: Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường; Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bán hàng; Nông Văn Lư, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple; Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng; Lê Hoài Phương, nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu (Trung Quốc); Nguyễn Bảo Trung (quận Đống Đa, Hà Nội); Ngô Đức Tùng (quận Long Biên, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng); Ngô Tuấn Sửu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn.
Ở phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc 10 năm tù về tội "Buôn lậu", 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là 14 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
9 bị cáo phạm tội "Buôn lậu" bị tuyên phạt mức án như sau: Trần Ngọc Ánh 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy 9 năm tù, Nguyễn Bảo Trung 8 năm tù, Nông Văn Lư 7 năm tù, Hoàng Văn Phong 6 năm tù, Ngô Đức Tùng 6 năm tù, Ngô Tuấn Sửu 5 năm tù, Lê Hoài Phương 4 năm tù.
Riêng bị cáo Phạm Văn Hiệp, ngoài bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "Buôn lậu", HĐXX còn tổng hợp với bản án cũ 3 năm tù nên bị cáo này phải thi hành hình phạt chung là 10 năm tù.
3 bị cáo bị buộc tội "Buôn lậu" trong vụ án còn phải liên đới nộp khoản tiền thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng, trong đó bị cáo Trần Ngọc Ánh phải nộp gần 70 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc 40 tỷ đồng, Đỗ Quốc Huy 30 tỷ đồng, Trần Tất Khoa và Ngô Tuấn Sửu cùng phải nộp 15 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội chỉ chấp nhận giảm án từ 8 năm tù xuống 7 năm tù cho bị cáo Nguyễn Bảo Chung (do bị cáo này đã nộp lại 2 tỷ đồng).
Với 10 người còn lại, đại diện Viện Kiểm sát xác định mức án sơ thẩm là phù hợp, không chấp nhận giảm án.
Sau nghị án, HĐXX nhận định, Công ty TNHH Nhật Cường tòa đã triệu tập công ty đến tòa hợp lệ nhưng công ty hiện không có người quản lý, không hoạt động nên HĐXX vẫn tiến hành xét xử mà vắng mặt người đại diện công ty này.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, riêng bị cáo Ngọc đề nghị xem xét lại về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Với bị cáo Trung, ở phiên tòa sơ thẩm bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Trung đã thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX xét thấy lời khai của bị cáo phù hợp với các lời khai của các bị cáo khác, các tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án.
HĐXX nhận định đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các đối tượng, các bị cáo, các đường dây vận chuyển, trong đó Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường là người điều hành, chỉ đạo; các bị cáo khác là người giúp sức hành vi phạm tội.
Các bị cáo buộc phải biết rõ nguồn gốc của hàng hóa, từ Tổng Giám đốc đến các bộ phận khác, mỗi bị cáo đều tham gia vào một hay nhiều giai đoạn trong quá trình Công ty Nhật Cường buôn lậu, để lại tính chất, mức độ hậu quả khác nhau.
Trần Ngọc Ánh được Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh, việc mua vào, bán ra hàng hóa. Ở vụ án, Ánh giữ vai trò chỉ sau Bùi Quang Huy.
Bị cáo Ngọc được Huy giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi thu chi toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường. Ngọc là đồng phạm, giúp sức tích cực cho Bùi Quang Huy buôn lậu.
Theo chỉ đạo của Huy, Ngọc còn cùng kế toán trưởng còn ghi chép số liệu liên quan trên 2 hệ thống sổ sách nhằm che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của công ty, hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Đỗ Quốc Huy được giao nhiệm vụ mua bán, phân phối hàng hóa. Huy cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm giúp sức.
Nông Văn Lư là lái xe biết rõ Huy đã tổ chức nhập lậu hàng hóa là điện thoại di động, các sản phẩm khác, Lư đã nhận hàng lậu từ 6 đường dây vận chuyển với tổng số 254.109 sản phẩm. Lư chịu trách nhiệm với hành vi buôn lậu số hàng trên.
Các bị cáo Khoa, Phương là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Bùi Quang Huy.
Với bị cáo Phong, bị cáo này cùng Ánh mua bán điện thoại mới. Phong đã tham gia cùng Ánh giao dịch mua của 5 nhà cung cấp hàng nhập lậu tổng hơn 14 ngàn sản phẩm.
Với anh ruột của Bùi Quang Huy là Bùi Quốc Việt, người này giúp em nhận hàng lậu, đưa hàng về kho của Công ty Nhật Cường. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác, mặc dù Việt chỉ thừa nhận nhận hàng 3 lần nhưng đủ căn cứ xác định 8 lần đi nhận hàng lậu, chịu trách nhiệm đồng phạm với hành vi buôn lậu…
Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngọc; tội danh Ngọc bị truy tố, xét xử là đúng quy định của pháp luật.
Hình phạt mà tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là tương xứng với vai trò, mức độ hành vi của từng người.
Xét kháng cáo của các bị cáo, HĐXX thấy rằng tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối cải, các bị cáo là nhân viên, hành vi đồng phạm giúp sức.
Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ với các bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo đã xuất trình một số tình tiết mới, tuy nhiên các bị cáo không có tình tiết đặc biệt nào để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Với bị cáo Trung, quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm không thừa nhận hành vi, nhưng ở phiên phúc thẩm đã thừa nhận vi phạm, ăn năn hối cải, tác động gia đình nộp số tiền 2 tỷ đồng, 200 nghìn đồng án phí.
Bị cáo này hoàn cảnh khó khăn, bị cáo này có tình tiết mới nên cần áp dụng cho bị cáo. Kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho Trung là có căn cứ, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trung, giảm một phần hình phạt cho bị cáo này.
Xét kháng cáo của các bị cáo về trách nhiệm dân sự, nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, HĐXX thấy Công ty Nhật Cường phải nộp 221 tỷ để sung công quỹ Nhà nước mà không buộc các bị cáo liên đới bồi thường, về nguyên tắc Huy và một số đồng phạm chủ chốt phải nộp tiền, tuy nhiên Huy và một số người khác đã bỏ trốn.
Công ty hoàn toàn là của Bùi Quang Huy nhưng Huy đã bỏ trốn, hành vi của các bị cáo đã thực hiện giúp sức cho Huy hưởng lợi số tiền bất chính, tòa sơ thẩm buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hành vi lập và quản lý điều hành 2 sổ sách kế toán của Huy do Ngọc và Hằng gây thiệt hại cho Nhà nước, do Huy bỏ trốn, tòa sơ thẩm buộc Hằng, Ngọc liên đới bồi thường số tiền gần 30 tỷ đồng theo mức độ lỗi là có căn cứ, đúng quy định.
HĐXX cũng thấy rằng không có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cũng như quan điểm của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nên giữ nguyên trách nhiệm dân sự.
Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội phù hợp với quan điểm của HĐXX nên HĐXX chấp nhận.
Từ các lẽ trên, HĐXX quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trung về giảm nhẹ hình phạt; không chấp nhận kháng cáo về trách nhiệm dân sự của bị cáo này.
HĐXX không chấp nhận quyết định kháng cáo của các bị cáo còn lại. HĐXX phúc thẩm cũng không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội.
HĐXX quyết định, giảm án cho bị cáo Nguyễn Bảo Trung từ 8 năm tù xuống 6 năm tù. Các bị cáo còn lại giữ nguyên mức án sơ thẩm.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường như sau: Ánh 69,5 tỷ đồng; Ngọc 40 tỷ; Huy 30 tỷ; Phong 10 tỷ; Lư 10 tỷ; Khoa 15 tỷ; Phương 5 tỷ; Sửu 15 tỷ; Tùng 10 tỷ; Hiệp 3 tỷ; Việt 2 tỷ; Dũng 1,5 tỷ; Trung 10 tỷ, cộng với 13 tỷ phải nộp khác, tổng phải nộp hơn 23 tỷ đồng.
HĐXX phúc thẩm cũng buộc 2 bị cáo Hằng, Ngọc liên đới bồi thường gần 30 tỷ thiệt hại cho Nhà nước, trong đó Ngọc 16 tỷ đồng.
Tòa phúc thẩm dành quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường của các bị cáo với Bùi Quang Huy ở vụ án khác.