Kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch Covid-19
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2021 là năm Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân.
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh chưa có tiền lệ để thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bình Dương đã đạt và vượt 22/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79% so với năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành lân cận. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,5% so với năm 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 690 triệu USD, tăng 14,7% so với năm 2020.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước giảm 4,3%; ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 42.700 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu ước đạt 18.500 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng.
Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp; thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tính đến ngày 15/11/2021, Bình Dương đã thu hút được 72.456 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 8,3% so với năm 2020); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 53.147 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 515.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2 tỷ 069 triệu USD (vượt 14,9% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD.
Song song đó, an sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được đảm bảo, đời sống người dân được ổn định. Giải quyết việc làm cho 17.697 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 80,5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dưới 1%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đạt 30,3m2/người.
Phấn đấu GRDP tăng từ 8 – 8,3% trong năm 2022
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2021 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực công nghiệp, dịch vụ gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.
Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, tăng chi phí, giảm đơn hàng nên phải thu hẹp quy mô hoặc tạm thời ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; công tác lập các quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ, chưa được khắc phục hiệu quả.
Người lao động mất việc, di chuyển tự phát về quê gây mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế - xã hội bước vào giai đoạn phục hồi.
Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng như năng lực điều trị bộc lộ hạn chế, nhân lực y tế phải chịu nhiều áp lực, thách thức trong điều trị các ca mắc Covid-19; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Dự báo tình hình thế giới và khu vực, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, UBND tỉnh Bình Dương xác định nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; điều hành thu – chi ngân sách nhà nước.
Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị… Phấn đấu năm 2022, GRDP tăng 8-8,3% so với năm 2021.
Về định hướng thời gian tới, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương chú trọng hơn nữa đến công tác phòng, chống dịch, không lơ là chủ quan. Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong công tác quản lý và điều trị F0. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và vốn đầu tư toàn xã hội.
Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm; rà soát các thủ tục hành chính về đầu tư công để cắt giảm một số thủ tục.
Bên cạnh đó, tìm giải pháp để đón người lao động quay trở lại Bình Dương làm việc. Nghiên cứu phương án để mở lại các trung tâm ngoại ngữ, trường mầm non, các cơ sở trông giữ trẻ để tạo điều kiện cho công nhân lao động được gửi con, yên tâm làm việc.