Mẹ tôi được sinh ra vào đầu thập niên 60, ở một vùng quê lam lũ, tảo tần quanh năm. Vùng quê nghèo mà mỗi khi nhắc tới, người ta thường dí dỏm đọc vài câu vè truyền miệng nổi tiếng: "Thái Bình có cái cầu Bo/Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi". Hơn nữa, ngày ấy, còn chiến tranh, người nông dân đi làm đồng không dám đội nón trắng, không dám cặp mái tóc bằng cái cặp ba lá vì sợ máy bay phát hiện thả bom, không có dép để xỏ thì làm sao dám mơ có xe đạp để đi.
Nghe mẹ tôi kể lại, lúc đó cả xóm chỉ có nhà nào thật giàu mới có một chiếc xe đạp nhãn hiệu Lanh-côn (Lincoln) của Pháp, nên bọn trẻ nhìn mà thèm, mà ước ao vì người ta có mà không dám đi nhiều. Thi thoảng, họ mang xe ra để đi chợ một tí rồi về lại lau chùi sạch bóng treo lên xà nhà, sợ để ở dưới con trẻ lấy ra nghịch thì hỏng.
Nhà ông bà ngoại tôi là một trong số ít những gia đình có điều kiện trong làng. Khi mẹ tôi vào học lớp 1, ông ngoại gom góp tiền sắm được một chiếc xe đạp nhãn hiệu Lanh-côn. Suốt ngày, mẹ và bác Lệnh (anh trai mẹ) chỉ nhìn ngắm chiếc xe, cùng lắm thì được chạm tay vào bàn đạp, quay vài vòng nghe tiếng xích guồng loạt xoạt rồi bánh xe đằng sau quay tít là thích lắm, chứ đâu có được trèo lên ngồi mà đạp.
Thế rồi cũng có hôm ông ngoại đi làm đồng, mẹ và bác Lệnh ở nhà lôi xe ra tập nhưng chẳng dám đem ra sân đâu, mà chỉ dắt từ đầu nhà (nhà đất ba gian) đến cuối nhà thôi.
Năm 1975 chiến tranh kết thúc, làng xóm cũng có thêm ít xe đạp và lũ trẻ con có nhiều đứa được mang xe ra tập ở sân hợp tác xã. Mẹ rủ rỉ, ngày ấy bọn trẻ con tầm tuổi mẹ giỏi lắm, đứa nào đứa ấy đều phóng xe vù vù như tay đua lão luyện, lắm khi có đứa phóng xe tít mù khiến cả xe lẫn người lao sầm xuống sông ướt sũng. Dù bị lao xuống sông, dù quần áo ướt nhẹp, nhưng nhìn lũ bạn như không hề hấn gì cả, chúng lôi xe lên và đi tiếp, lại cười tung toé, vang cả xóm làng. Còn các cụ già bỏm bẻm nhai trầu vừa cười hiền hậu vừa phàn nàn "đúng là lũ giặc".
Khi mẹ đi học cách nhà 8km, cả nhà nhường chiếc xe đạp lại cho mẹ. Ngày ấy, đường sá còn xấu lắm, có khi lúc đi đường lầy lội không đi xe được, mà dắt cũng không thể vì bùn đất bó chặt vào bánh xe. Rất may xe thời điểm bấy giờ là xe nhãn hiệu Lanh-côn nam có khung ngang, thế là một đoàn cùng nhau vác xe lên vai đi về.
Với mẹ, được đi học là thích rồi nên dù vất vả cũng không thấy ngại. Dù lội đường trơn không giày dép, đầu đội mũ nón đơn sơ, không có nhiều xe hiện đại như bây giờ mà sao vui xốn xang đến thế.
Thời gian trôi, mẹ tôi trưởng thành và có gia đình riêng. Sau khi lấy bố tôi, mẹ cũng chưa có xe ngay. Một vài năm sau cố gắng chắt chiu, mẹ cũng mua được một chiếc xe đạp vừa để đi lại, vừa là công cụ lao động, tức là khi đi thì để đi, còn cần làm thì buộc cọc đốc, tay ngai vào thành xe thồ phục vụ công việc của nhà nông như thồ lúa, thồ phân.
Cuộc sống mưu sinh đầy vất vả, chiếc xe đó lại cùng mẹ tôi rong ruổi khắp nơi. Lúc thì đi làm chăn bông dạo, làng tôi ngày ấy có nghề truyền thống là làm chăn bông, lúc lại kẽo kẹt bên mẹ đi bán bát đĩa rong. Xe không phanh, không gác-đờ-bu (thanh chắn bùn), không gác-đờ-xen (thanh che dây xích) nên khi đi đường mẹ thường lấy cái kẹp cặp vào ống quần sa tanh ống rộng để ống quần khỏi dắt vào xích. Và khi xe xuống dốc mẹ hay đút chân vào bánh trước làm phanh để xe không bị lao quá nhanh gây nguy hiểm.
Rồi gian khó cũng trôi qua, mẹ tôi mua được chiếc xe đạp khác đẹp hơn, dễ đi hơn. Hai chị em chúng tôi đi học cũng đã có xe đạp để tự đi. Tôi vẫn nhớ cảm giác háo hức khi được mẹ mua tặng xe đạp mới vào ngày thì đỗ vào cấp 3.
Giờ đây chị em tôi đã trưởng thành và mẹ cũng đã qua nhiều lần đổi xe. Năm ngoái, chị em tôi tặng mẹ một chiếc xe đạp điện màu đỏ đen rất đẹp. Nhưng dù có xe điện tiện nghi hơn, đi nhanh hơn, và mẹ cũng đỡ tốn sức hơn so với đạp xe đạp. Nhưng mẹ vẫn không bỏ được thói quen hàng ngày đi xe đạp. Mỗi lần về thăm mẹ, tôi đều hỏi: "Xe đạp điện mẹ cất đâu rồi, sao con ít thấy mẹ dùng". Mẹ tôi lại nhìn tôi cười trìu mến: "Mẹ đi xe đạp quen rồi, vì đó là thói quen, là ký ức đã khắc sâu vào tâm trí mẹ".
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!