Tôi sinh ra ở một làng quê chiêm trũng trước thuộc tỉnh Hà Tây, giờ là ngoại thành Hà Nội. Làng tôi cũng như nhiều vùng quê khác, kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, trông vào cây lúa con lợn. Bố mẹ tôi ham làm, đi nhận ruộng khắp nơi để cấy cày, cao điểm nhất lên đến gần 2 mẫu Bắc Bộ. Ruộng nhiều là thế nhưng nhiều lúc gạo cũng chẳng có mà ăn, vì thóc thu hoạch được còn phải trả thuế sản lượng, đầu tư mua giống lợn hoặc đóng tiền học cho con nên giáp hạt thiếu ăn là chuyện bình thường.
Nhiều lần chuẩn bị đi nấu cơm, mở chum gạo ra chỉ còn nửa bát gạo dập vụn, tôi chẳng biết nấu cơm thế nào. Thế là mẹ tôi mới bảo tôi chạy ra đầu ngõ, mua của nhà ông Kêng 500 đồng tóp mỡ về mẹ nấu món đặc sản cho mà ăn. Tóp mỡ nhà ông Kêng đắt khách lắm, không đặt trước hay ra sớm thì chẳng còn mà mua. Tôi nhớ thường có 2 loại tóp là tóp rối của mỡ bèo nhèo và tóp miếng của mỡ thăn, tóp rối còn ngon hơn tóp thăn nhiều vì ngậm nhiều mỡ. 500 đồng thường được một bát vơi vơi vì ông bán 700 đồng bát đầy nhưng nhiều hôm thấy tôi mua ông cho luôn cả bát.
Tôi hí hửng mang bát tóp mỡ về nhà, trên bếp rơm mẹ tôi đang nấu nồi cháo với nửa bát gạo còn lại. Nồi cháo sôi ùng ục, mẹ tôi thả tóp mỡ vào. Hồi đó, tôi ngây thơ đến nỗi nghĩ mẹ thật giỏi, tại sao lại có thể nấu được cả nồi cháo đầy với nửa bát gạo, trong khi đó mọi lần tôi nấu 3 bát gạo mới chỉ được lưng nồi cơm.
Cháo đã chín, bố đã đi làm về. Gia đình chúng tôi lại quây quần ngay trong bếp, thật ấm áp. Mẹ tôi cứ lặp đi lặp lại với anh em tôi đây là món đặc sản chứ không phải món thường đâu, lại còn nói ăn thỏa thích chục bát cũng được, nhà mình không phải nhà nghèo. Cũng phải công nhận rằng món cháo tóp mỡ ngon tuyệt cú mèo, tôi cứ húp chùn chụt hết bát này qua bát khác, nhai nhanh nhách miếng tóp mỡ.
Chúng tôi là trẻ con, không phải lao động chỉ có việc chơi nên chẳng cảm nhận mấy được cái đói giữa buổi, chỉ có bố mẹ tôi đi làm đồng áng mới hiểu cái cảm giác "ăn bát cháo chạy ba quãng đồng" thôi. Nhưng dẫu sao, đó vẫn là món ăn hảo hạng để vượt qua những ngày hết gạo, sạch tiền mà vẫn nịnh được lũ nhóc như anh em tôi ăn no nê, vui vẻ.
Mèn mén chứ không phải cám lợn
Món thứ hai mà tôi không thể quên được đó chính là mèn mén. Món này thì là đặc sản thật nhưng là đặc sản của người H'mông chứ không phải người Kinh. Tôi nhớ, ngày xưa nhà tôi lúc nào cũng nuôi lợn, ít thì một đôi nhiều thì con gì đó, tiếng lợn kêu éc éc đã chiếm giữ một phần thanh âm tuổi thơ của tôi.
Tôi không rõ nuôi lợn có lãi nhiều không nhưng cả làng ai cũng nuôi, đến giờ ăn là chúng kêu inh ỏi cả làng. Rau lợn, bèo, khoai nước ngày xưa khá sẵn, chỉ cần tìm đến các ao hồ rồi lội xuống mang về, còn thóc thì cấy riêng một ít giống Quy 5 cho lợn, giống nay cho năng suất lớn nhưng ăn không ngon nên còn gọi là gạo lợn. Một thứ không thể thiếu khác trong nồi cám lợn là cám gạo hoặc cám ngô, cám ngô, vì cám mới tăng độ béo cho lợn, thiếu cám thì lợn mãi gầy.
Những ngày chum gạo sạch trơn, hàng xóm thì đã vay đến vài lượt chẳng còn mặt mũi nào mang rá sang nữa thì mẹ tôi lại bảo: "hôm nay nhà mình ăn đặc sản". Mẹ vào lấy cám ngô cho lợn ăn mọi hôm, phân tích cho anh em tôi hiểu rằng, đây vốn dĩ là ngô hạt được nghiền ra, trước nó giống như bắp ngô chúng ta hay ăn thôi, chứ không phải là ăn cám lợn, nghe chưa.
Rồi mẹ sục lấy bát ngô cho vào nồi cơm, cho nước vào hệt như nấu cơm, và đưa vào bếp rơm thơm nồng. Nồi ngô chín khục khặc, mẹ mở vung ra và cho lửa nhỏ lại, đun đến bao giờ ngô chuyển sang dạng sền sệt thì mẹ tôi cho thêm ít mỡ và muối vào. Nếm vừa miệng thì có thể ăn được.
Cả nhà lại quây quần ngay trong bếp, ngày đông giá lạnh cầm bát mèn mén lên ấm tay, ấm mặt ấm cả lòng, lại thêm mùi rơm thơm phức, khói bếp đung đưa, mọi ưa phiền đã dừng lại sau cánh cửa. Bố tôi tắm tắc khen ngon vì trước kia bố tôi có một thời gian sống trên vùng núi và đã được thưởng thức món mèn mén, còn mẹ tôi vẫn luôn hãnh diện vì hôm nay chiêu đãi cả nhà một món đặc sản. Mẹ tôi còn dặn, sau này các con lớn lên có dịp đến thăm nhà người H'mông sẽ tin là mẹ nói thật, khách quý lắm họ mới mời mèn mén cho ăn.
Bỏ qua mọi sự nghi ngờ là món "cám lợn", anh em chúng tôi lại hoan hỉ ăn tới ăn lui mấy bát mà không hề biết chán, có hôm còn gạo, chúng tôi lại ỉ ôi "mẹ ơi, làm mèn mén cho chúng con ăn đi".
Chè bầu lào, món chè không mùa
Quê tôi không gọi là quả bí ngô mà gọi là quả bầu lào, tức quả bầu tròn để phân biệt với quả bầu dài. Còn quả bí thì chỉ dùng chỉ bí xanh bắc giàn, tôi cũng chẳng hiểu tại sao cho dù bây giờ đã nhiều lần tìm kiếm thông tin trên mạng "quả bầu lào là gì?".
Tuổi thơ chắc chắn ai cũng thích món chè. Nói đến chè là nói đến một thứ quà giải nhiệt mùa hè hoặc thứ ăn nhâm nhi mùa đông như chè bưởi, nhưng có một thứ chè đã chèo lái gia đình tôi qua những ngày hết gạo, đó là chè bầu lào.
Bầu lào rất dễ trồng và năng suất rất tốt. Chỉ cần vài dây bầu, cắm ở chỗ đất thừa thẹo là có thể cho thu mấy chục cân quả to đùng, giống bầu này để già rồi bỏ vào gầm giường thì ăn được đến cả năm.
Cứ sau mỗi vụ su hào cuối đông, bố mẹ tôi lại thâm canh thêm ruộng bầu lào. Đến lúc thu hoạch phải mang cả xe thồ vào chở quả về, quả to già xếp xuống dưới còn quả non thì lên trên để ăn trước. Làng tôi nhà nào cũng trồng ít nhiều thứ quả này nên chẳng bán được cho ai, chỉ ráng mà ăn cho hết. Mẹ tôi thường tiếc nên ngày nào cũng chế thành món ăn cho gia đình như bầu lào luộc, xào... mà nhiều nhất là chè bầu lào, món này dễ nịnh bọn trẻ con vì dẫu sao nó ngọt lừ.
Mẹ tôi chọn quả bầu già đanh, gọt vỏ rồi sắt khúc, ngâm nước. Chè thì phải có mật, mẹ tôi thường mua cả cân mật mía về để nấu chè dần.
Thay vì ăn chơi, ăn bời, mẹ tôi thiết kế vào bữa ăn chính, tôi thường chén được 2 3 bát ô-tô, no căng bụng mà vẫn thòm thèm. Mẹ tôi vẫn điệp khúc cũ, thế bảo đây là đặc sản các con đã tin chưa, lần này thì tôi tin thật, vì tôi ăn thả phanh, ăn no nê, ăn xong vẫn thèm.
Giờ, tuổi thơ đã đi qua, tuổi chạm ngõ trung niên, thưởng thức bao món ăn lạ lẫm thì tôi vẫn luôn nhớ về 3 món ăn đặc sản của mẹ những ngày chum gạo trắng trơn. Tôi tin chắc rằng mẹ tôi không nói dối tôi, vì đó quả thực là các món đặc sản nên mới chiếm trọn trong ký ức tôi lâu như vậy.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.