Ông Lục Văn Đoàn (thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) trồng 0,5 ha cà phê. Do vườn cà phê đã già cỗi, những năm trước, ông Đoàn có thu nhập không đáng kể.
Năm 2018, được sự hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp, ông Đoàn mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê "già khú đế", trồng lại cà phê giống mới. Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, ông Đoàn cũng thay đổi luôn cách trồng, chăm sóc cây cà phê...
Theo đó, thay vì trồng cà phê theo lối cũ, ông Đoàn cải tạo đất, dùng phân chuồng bỏ vào mỗi hố theo đúng hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê. Trong vườn cà phê, ông Đoàn trồng thêm các loại cây che bóng, chắn gió.
Cỏ ở dưới vườn cà phê, ông Đoàn cũng không phát sạch như trước mà để một thảm cỏ tự nhiên với độ cao vừa phải. Quá trình chăm sóc cà phê, ông Đoàn cũng hoàn toàn không sử dụng thuốc diệt cỏ, hạn chế tối đa việc bón phân hóa học cho cây cà phê.
"Với cách chăm sóc mới này, vườn cà phê của tôi phát triển tốt, chi phí lại giảm hơn rất nhiều. Năm nay vườn cà phê bắt đầu cho thu trái bói nhưng năng suất cà phê đạt rất cao, hơn gấp 1,5 lần so với vườn cà phê già cỗi trước đây. Phương pháp canh tác cà phê mới này tôi thấy vừa hiệu quả vừa giảm được rất nhiều chi phí so với trước đây"- ông Đoàn nói.
Trước đây, ông Nguyễn Quang Triều (thôn Xuân Trang, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cũng có vườn cà phê già cỗi, năng suất rất thấp. Năm 2018, gia đình ông Triều được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Nông hỗ trợ tái canh vườn cà phê...
Được sự hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, đưa giống cà phê mới vào trồng, vườn cà phê của ông Triều cũng phát triển rất tốt. "Năm nay, chỉ với 5 sào cà phê, tôi thu về được hơn 2 tấn cà phê nhân. So với vườn cà phê gà cỗi trước đây, năng suất cà phê giống mới cao hơn 1,5 lần. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vườn cà phê có năng suất cao như thế"- ông Triều nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút (Đắk Nông), việc tái canh cà phê đã giúp năng suất cà phê tăng trung bình 0,6 tấn/ha. Năng suất cà phê tăng giúp nông dân nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, ổn định đời sống kinh tế.
Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp huyện đang hướng nông dân đến cái đích xa hơn đó là phát triển cà phê theo hướng bền vững, từng bước nâng cao chất lượng hạt cà phê, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cà phê thế giới.
"Kết quả của việc tái canh cà phê rất khả quan. Tuy nhiên, nhiều nông dân gặp khó khăn do thiếu vốn. Nhiều hộ gia đình chỉ có thu nhập duy nhất từ vườn cà phê nên nếu phá bỏ đi để trồng lại thì trong 3-5, họ không có thu nhập. Chính vì vậy mà nhiều nông dân vẫn chưa mạnh dạn tái canh cà phê"- một cán bộ nông nghiệp huyện Cư Jút nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cũng nhận định, chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến nay đã giúp năng suất cà phê trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà việc tái canh cà phê chưa đạt tiến độ mong muốn.
Tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông chỉ mới tái canh được hơn 20.500 ha cà phê. So với tiến độ đề ra, diện tích tái canh này chỉ đạt gần 70% kế hoạch. Ngoài nguyên nhân nông dân thiếu vốn, các địa phương chưa chủ động về nhu cầu sử dụng giống cà phê, do chưa nắm bắt được nhu cầu tái canh cà phê...
Bên cạnh đó, nhiều người nông dân vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ quy trình tái canh cà phê. Do đó, nông dân không mạnh dạn, chủ động phá bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng mới…
"Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê cho nông dân. Dự kiến đến năm 2025, toàn bộ diện tích trồng cà phê già cỗi ở tỉnh Đắk Nông sẽ được trồng mới"- lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết.