Giá cà phê tăng mạnh, nông dân Tây Nguyên vẫn kêu lỗ sặc gạch: Vì sao có người lãi 40-50 triệu/ha?
Giá cà phê tăng mạnh, nông dân Tây Nguyên vẫn kêu lỗ "sặc gạch" (Bài 5): Canh tác tốt, lãi 40-50 triệu/ha
Duy Hậu
Thứ bảy, ngày 20/11/2021 13:00 PM (GMT+7)
Giá cà phê tăng nhưng nông dân vẫn kêu lỗ. Theo phân tích của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk nông dân vẫn có lãi nhưng ở mức thấp, thu nhập chưa cải thiện. Nông dân cần sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, liên kết sản xuất...để giảm chi phí.
Một số nông dân nhận định chủ quan, canh tác cà phê tốt vẫn lãi 40-50 triệu đồng/ha
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 20/11 hiện vẫn dao động xoay quanh mức 40 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Nông, dù giá cà phê tăng nhưng thu nhập của nông dân vẫn chưa cải thiện.
Ông Tuấn Anh đánh giá, nhìn chung tình niên vụ cà phê 2020-2021 của tỉnh Đắk Nông diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa sớm, đều…
Bên cạnh đó, nông dân làm cà phê trên địa bàn tỉnh cơ bản áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt.
Năng suất cà phê niên vụ này đạt và tăng hơn so với niên vụ trước khoảng 3%, dự kiến đạt 2,76 tấn/ha.
Tuy nhiên theo quan sát, năng suất trung bình có thể đạt khoảng 3 tấn/ha. Một số diện tích canh tác tốt, năng suất có thể lên đến 5-7 tấn/ha. Với giá cà phê bán hiện tại, mỗi ha cà phê lãi biến động từ 40-50 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, mức thu nhập như vậy là chưa cao. Tình trạng nhân công khan hiếm đã đẩy giá nhân công tăng cao. Nhiều gia đình, toàn bộ chi tiêu đều trông chờ vào cà phê.
Điều này buộc nông dân phải ứng trước, dẫn đến thu nhập cuối năm giảm đi. Bên cạnh đó, vật tư đầu vào, trong đó có phân bón bị đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch bệnh khiến giá tăng mạnh. Do đó, dù giá cà phê tăng nhưng thu nhập của nông dân chưa được cải thiện.
Vì các nguyên nhân trên mà giá cà phê tăng, nông dân kêu lỗ. Ngoài ra, việc nông dân trồng cà phê kêu lỗ trước hết có thể nói đây là nhận định chủ quan của một số nông dân.
Đặc biệt là những nông hộ trồng cà phê nhưng không có công lao động trực tiếp sản xuất, mọi hoạt động sản xuất đều thuê nhân công lao động bên ngoài. Bên cạnh đó, nông dân thường không có sự hạch toán kinh tế trong các khâu sản xuất.
Do đó khi họ nhìn thấy một số yếu tố biến động tăng thì đánh giá chủ quan không chính xác và cụ thể. Tuy nhiên, một số hộ nông dân có diện tích cà phê ít, trong khi giá cả vật tư phục vụ sản xuất năm 2021 tăng cao.
Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khó khăn về nhân công lao động, nhất là nhân công thu hái. Đối với các hộ nông dân này sau khi hạch toán chi phí thì gần như chỉ còn "lấy công làm lời", không đảm bảo chi phí trong một năm cho cả hộ gia đình.
Do đó, với thu nhập như nói trên thì cũng gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của hộ gia đình trong 1 năm.
Diện tích nhỏ lẻ, tiêu tốn nhiều vật tư, tưới tốn nước, năng suất thấp
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, cũng cho rằng, trên thực tế, chỉ những vùng không thuận lợi về thổ nhưỡng, năng suất cà phê thấp thì nông dân không có lời hoặc lỗ.
Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón, xăng dầu tăng mạnh so với năm 2020. Do đó, mức thu nhập của người nông dân bị ảnh hưởng.
Định mức kỹ thuật đầu tư cho một ha cà phê tại Đắk Lắk (bao gồm vật tư, phân bón, nhân công… tính theo giá tại thời điểm hiện tại) là hơn 108 triệu đồng. Năng suất cà phê bình quân của Đắk Lắk là 2,61 tấn/ha. Giá cà phê hiện tại ở Đắk Lắk hơn 41.000 đồng/kg.
Như vậy, nếu năng suất cà phê đạt mức bình quân, mỗi ha lỗ hơn 2 triệu đồng. Nếu năng suất 3 tấn/ha, mỗi ha nông dân lãi hơn 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước lệ. Trên thực tế nông dân trồng cà phê không thực hiện theo định mức kinh tế kỹ thuật trên, giảm những chi phí không cần thiết, tiết kiệm phân bón. Do đó, tổng mức đầu tư 1ha trồng cà phê thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, nhiều vùng có điều kiện sinh thái thổ nhưỡng tốt, giống tốt, thuận lợi về nguồn nước thì năng suất cà phê đều trên 3tấn/ha. Nhiều vùng năng suất cà phê lên đến 4 tấn/ha. Diện tích trồng cà phê cho năng suất dưới 2 tấn rất ít. Như vậy, với giá cà phê hiện tại, đa phần nông dân có lãi...
Ông Dương cũng cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng hơn 200.000 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, cần phải tái canh chiếm 1/3.
Đa phần nông dân có diện tích cà phê nhỏ lẻ. Số nông dân có diện tích trồng cà phê từ 2ha trở lên chỉ chiếm 7%. Số nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận chỉ đạt hơn 18,2%.
Nhìn chung, nông dân trồng cà phê đã được nâng cao trình độ canh tác, sản xuất cà phê có chứng nhận, quan tâm đến bảo vệ môi trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết trong sản xuất…
Bên cạnh đó, nông dân trồng cà phê vẫn còn hạn chế về kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản còn chưa tốt. Việc này dẫn đến bị tổn thất về sản lượng, phẩm chất và chất lượng cà phê chưa cao. Việc sản xuất theo quy mô nhỏ nên tiêu tốn nhiều tài nguyên nước và vật tư, phân bón, mức cơ giới hóa trong mọi khâu thấp, năng suất lao động thấp.
Sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, liên kết…để giảm chi phí
Để nông dân trồng cà phê có thể giảm bớt những khó khăn trước tình trạng giá vật tư, phân bón tăng cao, ông Phạm Tuấn Anh và ông Nguyễn Hoài Dương đều cùng đồng quan điểm.
Theo đó, nông dân cần phải sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm. Bón phân đúng nhu cầu, chủng loại, đúng phương pháp…hạn chế mức thấp nhất tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thất thoát vào môi trường.
Nông dân trồng cà phê cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường.
Khuyến khích nông dân trồng cà phê thành lập các hợp tác xã sản xuất cà phê liên kết theo chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ đầu vào (phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật…) thông qua ký kết với các công ty, doanh nghiệp lớn uy tín để giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành trong sản xuất, đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân đảm bảo nâng cao thu nhập cho nông dân.
Khuyến khích nông dân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang loại cây trồng tiềm năng, cây đặc sản, chủ lực theo từng vùng.
Về phía ngành nông nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất của nông dân để kịp thời chỉ đạo sản xuất sát với thực tế.
Ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc này nhằm kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa; phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng.
Tạo điều kiện kiện thuận lợi cho người trồng cà phê được hưởng các chính sách tín dụng của nhà nước, của các chương trình dự án và các nguồn khác trong sản xuất, tái canh và thương mại.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, thăm đồng thường xuyên, phát hiện sâu, bệnh hại sớm, xử lý kịp thời bằng các biện pháp thủ công, cơ giới hoặc sinh học, hạn chế mức thấp nhất và tiến đến không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên đồng ruộng.
"Trước khó khăn của nông dân trong đại dịch Covid-19, Sở NNPTNT tỉnh đã thành lập các tổ xuống địa bàn, nắm bắt việc thu hoạch cà phê. Các tổ đã hỗ trợ để giải quyết khâu nhân công thu hoạch cho nông dân. Tuy không triệt để nhưng việc này đã thể hiện sự quan tâm của ngành nông nghiệp đối với nông dân"- ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông cho biết.
"Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19 nên trong năm 2021 giá vật tư nông nghiệp tăng cao so với năm 2020. Giá phân bón tăng từ 30 – 50%, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10- 20%, giá công lao động tăng bình quân khoảng 25% so với năm 2020"- Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.