Chúng tôi có dịp cùng cán bộ Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện Mang Yang Đông Gia Lai đến thăm mô hình nông trại của ông Nguyễn Văn Đua (ở thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa). Trang trại lợn lạnh của hộ ông Đua được xem là "điểm sáng" về chăn nuôi hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng hàng trăm con lợn giống, lợn thịt của ông vẫn phát triển tốt, lợi nhuận khá cao. Có thể nói, đây là trại lợn áp dụng công nghệ chuồng lạnh, chăn nuôi theo hướng sinh học lớn nhất nhì tại Gia Lai với lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Trước đây ông Đua chỉ trồng cà phê và hồ tiêu, nhưng diện tích chỉ có vài sào, năng suất lại bấp bênh nên thu nhập của gia đình rất thấp, đời sống khó khăn. Sau khi tiếp cận được vốn vay từ Agribank Mang Yang, ông Đua đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng trại lợn lạnh hàng tỷ đồng.
"Về mô hình phát triển nông nghiệp, chăn nuôi hộ ông Đua là khách hàng lớn nhất của Agribank Mang Yang. Chỉ sau 1 năm vay vốn đầu tư vào trại lợn lạnh, ông Đua đã tạo lập được khối tài trị giá nhiều tỷ đồng…".
Ông Lâm Văn Nhàn – Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank Mang Yang
Ông Đua nhớ lại: "Năm 2019 được Agribank Mang Yang cho vay vốn ưu đãi, tôi đã mạnh dạn vay gần 5 tỷ đồng xây dựng trại lợn lạnh. Trại có giàn lạnh, hệ thống phun sương tự động, giàn quạt hút mùi…
Sau khi có trại lạnh, từ đồng vốn còn dư của ngân hàng cùng nguồn vốn sẵn có của gia đình, tôi bắt tay ngay vào việc nuôi lợn khép kín, chăn nuôi theo hướng sinh học với quy mô hơn 100 con nái và 500 lợn thịt. Xây dựng trại lợn lạnh và chăn nuôi lợn theo hướng sinh học tốn kém hơn rất nhiều so với mô hình chăn nuôi lợn thông thường. Nhưng đổi lại giá bán lợn giống và lợn thịt cao hơn".
Từ vài sào đất rẫy khô cằn, đến nay ông Nguyễn Văn Đua đã sở hữu nông trại quy mô lớn gồm 6ha cà phê, hồ tiêu cùng hàng nghìn cây sầu riêng xen canh và trang trại lợn lạnh trị giá hàng tỷ đồng.
"Năm 2020, giá lợn giống lên đến 2,8 triệu đồng/con, tôi xuất 2.000 con, thu về 5,6 tỷ đồng. Giá lợn thịt cũng lên tới 70.000 đồng/kg, và với 1.200 con lợn thịt, gia đình tôi thu về 8,4 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi còn lãi 3,2 tỷ đồng từ trại lợn lạnh.
Riêng năm nay do dịch bệnh, giá lợn xuống chỉ còn 51.000 đồng/kg nhưng bù lại 3ha cà phê, 3ha tiêu của gia đình lại vừa được mùa, vừa được giá"- ông Đua cho biết.
Ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Tương tự ông Đua, nhờ nguồn vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện Mang Yang Đông Gia Lai, anh Nguyễn Văn Quý (thôn Linh Nham, xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang) đã sở hữu đàn dê Bo lai hàng trăm con. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Quý còn tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có điều kiện để phát triển chăn nuôi bằng cách cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho người dân quanh vùng.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Trần Trọng Toàn - Giám đốc Agribank Mang Yang cho biết: "Vừa qua, có giai đoạn giá cả một số mặt hàng nông sản thấp, kéo dài gây khó khăn cho các hộ dân cũng như cho chi nhánh trong việc đầu tư tín dụng. Tuy nhiên chi nhánh luôn tập trung nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để đưa nguồn vốn vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Từ nguồn vốn vay, nhiều nông dân đã đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Về phía chi nhánh, mặc dù dịch bệnh, song đơn vị vẫn đạt các chỉ tiêu được giao. Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục tập trung đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với định hướng phát triển kinh tế của địa phương".