Dân Việt

Vụ án Nhật Cường và hàng loạt đại án được "điểm tên" tại HĐND Hà Nội

Hoàng Thành 07/12/2021 14:28 GMT+7
Trong năm 2021, TAND TP.Hà Nội đã xét xử hàng loạt "đại án", trong đó có các vụ án tham nhũng liên quan đến Nhật Cường, Phan Văn Anh Vũ, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng...

Sáng 7/12, tại Kỳ họp thứ ba HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã báo cáo kết quả công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022 của TAND hai cấp TP.Hà Nội.

Ông Chính cho biết, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác triệu tập đương sự gặp nhiều khó khăn, nhiều đương sự xin hoãn phiên tòa làm việc với lý do ở vùng dịch hoặc thuộc diện bị cách ly.

Nhiều thời điểm, TAND hai cấp TP.Hà Nội phải tạm dừng việc triệu tập đương sự, việc tổ chức xét xử để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của T.Ư và TP.

Nhiều vụ án tham nhũng lớn được xét xử kịp thời

Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, TAND hai cấp TP.Hà Nội đã giải quyết được hơn 27.500 vụ việc, trong đó có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại T.Ư và TP khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Vụ án Nhật Cường và hàng loạt đại án được "điểm tên" tại HĐND Hà Nội - Ảnh 1.

Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo kết quả công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022 của TAND hai cấp TP.Hà Nội, sáng 7/12. Ảnh: Xuân Hải.

Cụ thể, vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ;

Vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí PVTrans và Ngân hàng Oceanbank; Vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO);

Vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco);

Vụ án "Buôn luận, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Cường. Và gần đây là vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh bị truy tố về tội "Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ".

Vụ án Nhật Cường và hàng loạt đại án được "điểm tên" tại HĐND Hà Nội - Ảnh 2.

Hình ảnh xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh bị truy tố về tội "Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ". Ảnh: Phạm Hiệp.

"Các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra các trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng...

Đặc biệt, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, một số bị cáo lúc đầu không nhận tội nhưng sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, vận động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Duy Linh đã thay đổi thái độ từ chối tội sang thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo Nguyễn Duy Linh đã vận động gia đình bị cáo khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt là 5 tỷ đồng", ông Chính khẳng định.

Một số Thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn những vụ án dễ để làm trước

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND hai cấp TP.Hà Nội cũng thẳng thắn nêu ra một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn một số vụ án quá hạn, án tạm đình chỉ kéo dài, đặc biệt trong lĩnh vực án hành chính.

Vụ án Nhật Cường và hàng loạt đại án được "điểm tên" tại HĐND Hà Nội - Ảnh 3.

Quang cảnh Kỳ họp thứ ba HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, sáng 7/12. Ảnh: Xuân Hải.

Bên cạnh nguyên nhân là do dịch Covid-19, TAND TP.Hà Nội cho rằng trong những năm gần dây, số lượng án mà TAND hai cấp TP.Hà Nội phải giải quyết ngày càng tăng, bình quân mỗi năm tăng 8%.

Ngoài ra, có nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm, được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm, hay những vụ án có quy mô lớn, số người tham gia tố tụng rất lớn đồi hỏi phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu, giải quyết... trong khi đó biên chế cán bộ không tăng mà phải giảm 10% dẫn đến quá tải công việc đối với các thẩm phán, cán bộ trong đơn vị, mặc dù lãnh đạo TAND hai cấp TP.Hà Nội đã tiến hành rất nhiều giải pháp khắc phục.

Đáng chú ý, về nguyên nhân chủ quan, ông Chính chỉ ra rằng do biên chế ít, số lượng án nhiều, trình độ Thẩm phán còn chưa đồng đều, một số Thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn những án dễ để làm trước.

Bên cạnh đó, một số đồng chí lãnh đạo đơn vị vẫn còn chưa sát sao trong công tác quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số vụ án phức tạp bị để lâu, kéo dài.

Trước tình hình đó, lãnh đạo TAND TP.Hà Nội kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và TAND Tối cao khi phân bổ biên chế cho TAND hai cấp TP.Hà Nội cần tính toán đến yếu tố đặc thù của Thủ đô Hà Nội... để phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp cho đơn vị.

Trong năm 2022, TAND hai cấp TP.Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án; khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá hạn, án tạm đình chỉ không đúng căn cứ pháp luật; tập trung giải quyết tốt các vụ án, đặc biệt là các vụ án trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng, án về an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thủ đô.