Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM Hoàng Thị Mai, hồ sơ công nhận mật dừa nước của Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) - do anh Phan Minh Tiến làm Giám đốc - là sản phẩm OCOP đang chờ Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố xem xét.
Anh Tiến cho biết, anh sinh ra và lớn lên trên vùng đất duyên hải này. Tuổi thơ của anh gắn liền với cây dừa nước mọc ngút ngàn ở đây. Khi khai thác cây dừa nước, người dân địa phương chỉ lấy lá lợp mái nhà, lấy nước trái để uống và lấy cơm dừa để ăn.
Tuy nhiên, khi cầm tấm bằng cử nhân hóa và nhất là tìm hiểu cách chiết xuất lấy mật từ cuống dừa nước, anh Tiến đã quyết định khai thác triệt để loại cây này nhằm tăng giá trị kinh tế.
Nếu trước đây, sau khi cắt buồng dừa, người dân sẽ bỏ lại cuống dừa, thì nay anh Tiến sử dụng túi nylon bọc đầu các cuống dừa và dùng "kỹ thuật massage" để lấy mật. Cứ mỗi cuống dừa, anh lấy được 20 -30 lít mật. Mỗi tháng, anh đưa ra thị trường gần 300 lít mật dừa.
"Công ty đang hướng tới sản phẩm mật dừa nước Organic, nên xây vùng nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn này".
Anh Phan Minh Tiến
Công ty TNHH VIETNIPA đã nghiên cứu thành công và phát triển được 2 dòng sản phẩm, là: Mật dừa nước tinh chất và Mật dừa nước cô đặc. Với mật dừa nước tinh chất, đây là một dạng thức uống dinh dưỡng có chứa nhiều axit amin thiết yếu, vitamin, khoáng chất và các hợp chất chống oxy hóa tự nhiên. Sản phẩm này phù hợp cho người thường xuyên vận động, bồi dưỡng cơ thể khi mệt mỏi. Mật dừa nước cô đặc là chất làm ngọt tự nhiên thay thế cho đường tinh luyện, mật ong và các chất làm ngọt nhân tạo khác; phù hợp với người bệnh tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng.
Hai năm trước thị trường ít biết đến mật dừa nước công dụng ra sao, giờ đây, sản phẩm mật dừa nước của anh Tiến đã có mặt trên thị trường thông qua website của công ty, qua Facebook; trên sàn điện tử như Shopee, Lazada… Sản phẩm cũng đã vào hệ thống Megamarket. "Chỉ cần lên mạng gõ mật dừa nước Ông Sáu là có thể mua được sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử" - anh Tiến chia sẻ.
Anh Tiến tỏ ra khá tự tin về việc sản phẩm mật dừa nước sẽ trở thành sản phẩm OCOP TP.HCM. Bởi sản phẩm này mang tính bản địa cao, đặc sản vùng miền, tạo ra được đặc trưng của huyện Cần Giờ. Công ty cũng là đơn vị tiên phong khai thác mật dừa. Đây là lợi thế lớn khi tham gia Chương trình OCOP.
"Nếu được gắn sao OCOP, sẽ minh chứng sản phẩm đạt chất lượng, cũng như hình ảnh quảng cáo thương hiệu được mọi người biết đến nhiều hơn và cơ hội để giới thiệu sản phẩm đến mọi người cũng nhiều hơn" - anh Tiến bộc bạch.
Cũng theo anh Phan Minh Tiến, hiện huyện Cần Giờ còn 900ha dừa nước tự nhiên. 1ha dừa nước có thể khai thác 20 tấn mật/năm. Chưa kể, ở Nam bộ diện tích rừng dừa nước còn rất nhiều. Tuy nhiên, công ty vẫn đang quy hoạch vùng nguyên liệu dừa nước để tự chủ nguyên liệu sau này.