Khổng Minh Gia Cát Lượng là một trung thần nhà Thục Hán, đó là điều ai cũng biết. Trước khi Lưu Bị chết, thấy con trưởng Lưu Thiện tuổi còn nhỏ, năng lực kém cỏi nên truyền gọi Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm đến “thác cô” (gửi gắm con côi), coi họ là đại thần thác cô. Thế nhưng chí hướng của Gia Cát Lượng là khôi phục nhà Hán, Bắc phạt Trung nguyên, ông thẳng tay loại bỏ mọi trở ngại để đạt được mục tiêu đó.
Chính vì vậy, ông độc chiếm đại quyền, bài xích thế lực phản đối Bắc phạt, trở thành “quyền thần” của Thục Hán, nhiều khi đưa ra quyết sách không theo ý Hậu chủ Lưu Thiện.
Thế nhưng, khi Gia Cát Lượng chết, con trai Gia Cát Chiêm của ông mới 8 tuổi, tuổi nhỏ yếu ớt. Xưa nay trong lịch sử Trung Quốc, phần lớn các đại thần thác cô sau khi chết gia tộc đều không an toàn. Gia Cát Lượng biết được tình thế của mình nên đã để lại cho con “Cẩm nang diệu kế”, khiến Lưu Thiện không dám trả thù, mà còn phải nuôi dưỡng con trai ông.
“Cẩm nang diệu kế” đó là gì? Trong thời gian là “quyền thần”, đương nhiên khi đó quốc gia cần một người văn võ song toàn, có tầm mắt chiến lược đại cục nắm giữ triều chính.
Nhưng khi Lưu Bị chết thì Lưu Thiện đã 17 tuổi, tuy Trần Thọ trong “Tam Quốc chí” đánh giá về ông vua này “không hề có chủ kiến và năng lực” nhưng dù là một người “rất bình thường” như thế chăng nữa thì dưới sự chèn ép trong suốt thời gian dài của Gia Cát Lượng, không thể không đem lòng oán hận.
Nếu quả thực Lưu Thiện không oán hận thì không có chuyện sau khi Gia Cát Lượng chết, trăm họ tới tấp xin lập miếu thờ, nhưng Lưu Thiện trì hoãn dây dưa không cho, chuyện đó kéo dài tới 29 năm. Nếu Lưu Thiện biết ơn Gia Cát Lượng thì tất hết sức tôn vinh; qua đó có thể thấy Lưu Thiện rất oán hận ông.
Trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dâng biểu lên Hậu chủ Lưu Thiện, trong đó viết ông để lại cho con tài sản gồm 800 gốc dâu và 15 sào đất, công khai biểu bạch với triều đình bản thân tận trung báo quốc, minh bạch gia sản mình để lại cho con chỉ đủ duy trì cuộc sống bình thường, sau khi ông chết, con trai Gia Cát Chiêm không phải là mối đe dọa đối với Hậu chủ.
Đó quả là “Cẩm nang diệu kế”. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện không những không dám trả thù con trai ông, mà còn phải cung ứng, nuôi dưỡng Gia Cát Chiêm đến khi trưởng thành.
Khi còn sống, Gia Cát Lượng đề bạt rất nhiều người như Tưởng Uyển, Phí Vĩ, Vương Bình, Khương Duy… Các môn sinh của ông có mặt khắp chốn triều đình. Những người này sau khi ông chết đều có địa vị cao, danh tiếng của Gia Cát Lượng trong dân gian cũng rất tốt.
Từ việc dân chúng nhiều lần xin được lập miếu thờ ông có thể thấy: Nếu Lưu Thiện định trả thù một đứa bé thì không những bị coi là thất đức mà còn bị các quan trong triều phản đối, hậu quả ắt rất nghiêm trọng.
Vì thế, Lưu Thiện không những không trả thù, mà còn làm ra vẻ đấng “minh quân”, tận tình nuôi dưỡng, bảo vệ để Gia Cát Chiêm thuận lợi lớn lên và trưởng thành, không gặp trở ngại gì. Về sau Lưu Thiện còn gả con gái cho Chiêm, khiến Chiêm không ngừng thăng tiến trong đường chức tước.
Gia Cát Lượng liệu chuyện như thần, trong dân gian lưu truyền câu chuyện về ông chết rồi vẫn cứu sống hậu duệ. Chuyện rằng, trước khi chết, Gia Cát Lượng có để lại lời căn dặn người nhà: “Sau khi ta chết, một người trong số các ngươi sẽ gặp họa sát thân. Đến khi đó, hãy dỡ ngôi nhà đang ở, dưới chân tường có một gói giấy, sẽ có cách cứu mạng”.
Sau khi Gia Cát Lượng chết, Tư Mã Viêm – cháu nội Tư Mã Ý – chiếm được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế nhà Tấn (Tấn Vũ Đế). Tư Mã Viêm biết trong triều có một viên tướng là hậu duệ của Gia Cát Lượng nên muốn hại chết.
Một hôm, Viêm tìm cớ để định tội chết cho người cháu Gia Cát Lượng. Trước điện vàng, hoàng đế hỏi: “Tổ phụ ngươi trước khi chết có dặn gì không?” Viên tướng nọ liền nói hết những điều mình nghe kể lại. Viêm nghe xong, truyền cho quân đến dỡ nhà Gia Cát, tìm được bọc giấy, giở ra thì thấy bên trong có một bức thư, ngoài viết 4 chữ “Gặp Đế thì mở”. Lính dâng thư lên, Viêm mở ra thấy trong có mấy chữ “Đọc xong lùi ngay ba bước”.
Viêm bất giác giật mình đi lùi ba bước, vừa đứng lại thì một viên ngói ngọc rơi xuống khiến chiếc ghế ông vừa ngồi gẫy vụn. Hoàng đế giật mình, sợ toát mồ hôi, nhìn lá thư thì thấy phía sau có dòng chữ “Ta vừa cứu mạng ngươi; ngươi giữ mạng cháu ta”. Tư Mã Viêm xem xong thư, trong lòng thán phục tài “thần cơ diệu toán” của Gia Cát Lượng, truyền phục hồi chức vụ cho viên tướng ấy.
Tại chân núi Định Quân ở huyện Miễn, Thiểm Tây có ngôi mộ Gia Cát Lượng, đó là ngôi mộ thật của ông. Tháng 2 năm 234, Gia Cát Lượng đem đại quân 10 vạn người Bắc phạt Tào Ngụy lần thứ 5, do “tích lao thành tật”, qua đời vì bệnh trong doanh trại ở Ngũ Trượng Nguyên.
Theo di nguyện trước đó của Gia Cát Lượng, thi hài đem về táng dưới chân núi Định Quân để thể hiện ý chí “hưng phục Hán thất, thống nhất thiên hạ”. Sau hơn 1700 năm, trong khi các khu lăng mộ đế vương khác “10 mộ 9 bị đào” thì mộ ông chưa một lần bị đào trộm, nguyên vẹn không hư hại, quả là điều khiến người ta lấy làm lạ.
Qua nghiên cứu, các sử gia và giới khảo cổ cho rằng có mấy nguyên nhân sau: Thứ nhất, bởi Gia Cát Lượng sùng bái mai táng đơn giản. Khi sống, ông đã căn dặn mọi người: Sau khi ta chết “liệm dĩ thời phục, vô táng kim ngân” (mặc quần áo thường ngày, không chôn theo vàng bạc). Vì vậy trong mộ ông không có lắm thứ đắt tiền nên các đạo chích bao đời không ngó ngàng tới.
Thứ hai, thời phong kiến các đế vương khanh tướng đều lo xây mộ khi đang sống, có người thậm chí bỏ ra cả chục năm để xây sinh phần, mang tất cả những thứ đáng giá nhất đi theo xuống mộ; nhưng Gia Cát Lượng thì khác.
Ông chết trong khi đi đánh trận, hoàn cảnh không cho phép, nhưng thực ra ông cũng không lo việc xây sửa lăng mộ cho mình khi đang sống. Huống hồ ông chết vào tháng nóng nhất, thi thể ông đưa về đến núi Định Quân hẳn đã phân hủy. Thực tế tình cảnh mai táng ông lúc đó khiến các đạo chích cũng cụt hứng.
Thứ ba, quan trọng nhất, là sức hút bởi nhân cách của Gia Cát Lượng. Cả đời ông liêm khiết phụng công, vì chính quyền Thục Hán cống hiến tinh lực cả đời. “Cúc cung tận tụy, đến chết không lo cho bản thân” là “danh thiếp tinh thần” của Gia Cát Lượng. Trần Thọ đã đánh giá về ông trong “Tam Quốc chí”: “Kẻ phạm pháp, dù là người thân cũng phạt; người biết hối tội, dù nặng mấy cũng tha”.
Khi mai táng Gia Cát Lượng ở núi Định Quân, trăm họ địa phương không ai không khóc, diễn ra tình cảnh cảm động cả vạn người đội đất đắp mộ cho ông; để ông được yên nghỉ, tất cả dân chúng từ bỏ việc vào rừng chặt cây lấy củi.
Trải qua hàng ngàn năm, mộ Gia Cát Lượng vẫn bảo tồn nguyên vẹn, đó là minh chứng của lòng người. Đối lập hẳn với tình cảnh các đế vương khi sống hưởng tận vinh hoa, sau khi chết ra sức hậu táng, nhưng rốt cục chịu cảnh phơi xương chốn đất hoang.
Đám đạo mộ cũng là người, khi mà lương tri của họ hãy chưa cạn hết thì không bao giờ đụng chạm đến thần tượng trong tâm khảm trăm họ…/.