Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng đến mục tiêu tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
"Theo Chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sẽ có 5 chương trình phối hợp lớn giữa hai bên" - ông Thịnh nói.
Chương trình thứ nhất: Phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp
Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt đạt 15-20%.
Để đạt được mục tiêu này, hai bên phối hợp hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng các qui trình kỹ thuật, tiêu chuẩn GAP.
Định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng nhiều chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chủ lực hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Cơ quan đầu mối phối hợp thực hiện chương trình này phía Bộ NNPTNT là Cục Trồng trọt và phía Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là Ban Kinh tế.
Trong chương trình này, hai bên cũng phối hợp đăng ký và quản lý mã vùng trồng và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát vật tư nông nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với hiện nay (diện tích khoảng trên 500.000 ha).
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) và Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) được giao làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ này.
Đối với công tác bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm, hai bên cùng phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện các giải pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm và pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
100% các hộ dân ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.
Tham gia xây dựng và phát triển mô hình quản lý chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn với mục tiêu đạt trên 3.000 chuỗi vào năm 2025.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NNPTNT), Ban Xã hội (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) được giao làm đầu mối thực hiện.
Chương trình thứ 2: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp
Theo chương trình, hai bên sẽ phối hợp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, ưu tiên cán bộ Hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phấn đến năm 2025 có 50% số lượng Hội Nông dân cấp xã đều có cán bộ am hiểu nhiệm vụ và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã.
Trước mắt tập trung vận động, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021-2025 của Bộ NNPTNT.
Hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 1.000 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng", tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Cơ quan đầu mối phối hợp thực hiện chương trình phía Bộ NPPTNT là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là Ban Kinh tế.
Chương trình thứ 3: Phối hợp trong xây dựng nông thôn mới
Theo chương trình này, hai bên sẽ phối hợp đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường nông thôn.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 7.440 xã đạt tiêu chí về môi trường nông thôn (bằng 90% số xã).
Để đạt được mục tiêu này, hai bên đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động của hội viên, nông dân về tác động của môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch đến sức khoẻ con người và các hoạt động sản xuất.
Cơ quan đầu mối phối hợp phía Bộ NPPTNT là Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững
Đối với lĩnh vực phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn, hai bên đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, phát triển du lịch nông thôn, hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, sản phẩm O.COP gắn với chuyển đổi số, trong phát triển sản xuất, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các địa phương; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân.
Triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" gắn với Chương trình OCOP. Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương (Bộ NNPTNT; Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) là đầu mối thực hiện.
Chương trình thứ tư: Tổ chức hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, huấn luyện nông dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Ông Lê Đức Thịnh cho biết, thực hiện chương trình, hai bên sẽ phối hợp trong việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân theo nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu nông dân được tham gia đào tạo nghề nông nghiệp.
Tập trung dạy nghề và hỗ trợ lao động nông thôn tìm kiếm, kết nối việc làm thông qua Trung tâm hỗ trợ nông dân Trung ương Hội và các Trung tâm hỗ trợ nông dân ở các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động.
Cơ quan đầu mối phối hợp phía Bộ NNPTNT là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là Ban Xã hội.
Chương trình thứ 5: Phối hợp trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân, tổ chức các diễn đàn nông nghiệp và giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới
Theo chương trình này, hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, thông tin, tuyên truyền và phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và các chính sách đối với hội viên, nông dân.
Tuyên truyền gương tốt việc tốt, hội viên tiêu biểu, tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, kỹ thuật số, nâng cao trình độ sản xuất, tay nghề, kiến thức, năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng, giá trị gia tăng cao, hiệu quả, an toàn và bền vững.
Phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó mỗi năm, ở cấp trung ương phối hợp tổ chức ít nhất 1 hoạt động trên.
Phối hợp tổ chức các hoạt động như Hội thi "Nhà nông đua tài", "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông", chương trình "Tôn vinh nhà khoa học của nhà nông"; hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp tài ba…
Phối hợp tạo dựng, giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới: "Người nông dân tử tế - Người nông dân thông minh"
Cơ quan đầu mối phối hợp phía Bộ NNPTNT là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; phía Trung ương Hội nông dân Việt Nam là Ban Tuyên giáo.
Hội NDVN – Bộ NNPTNT: Ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn
Chiều nay, ngày 8/12, tại Hà Nội, Hội NDVN và Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ NNPTNT về "Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025".
Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN; đồng chí Lê Minh Hoan – Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cùng dự và chủ trì Hội nghị ký kết.
Cùng dự hội nghị còn có các Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị liên quan của Bộ NNPTNT; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Hội NDVN.
Dự hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo Sở NNPTNT và Hội ND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, nông nghiệp nước ta đã được đánh giá là "Trụ đỡ của nền kinh tế", nhất là khi đất nước có những biến động xã hội, nông nghiệp càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh của đất nước.
Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu quan điểm: Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới".
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không đi đến di cư quy mô lớn. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh".
Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm: "Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Nông dân là chủ thể, là trung tâm; nông thôn là nền tảng; nông nghiệp là động lực".
Tiếp cận những quan điểm đó để thấy rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam – với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam rất cần thiết phải tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong giai đoạn mới.
Để tránh hình thức, chương trình phối hợp xác định 5 nhóm nội dung rất cụ thể cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới. Đó là:
Một là, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó chú trọng: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đăng ký và quản lý mã vùng trồng và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát vật tư nông nghiệp. Công tác bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm.
Hai là, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ba là, phối hợp trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng: Thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn.
Bốn là, tổ chức hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, huấn luyện nông dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Năm là, phối hợp trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân, tổ chức các diễn đàn nông nghiệp và giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho biết: Lãnh đạo Bộ NNPTNT và T.Ư Hội NDVN cũng thống nhất giao nhiệm vụ cho 10 đơn vị đầu mối của hai Cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện từng nhóm nội dung, giải pháp trong chương trình phối hợp.
Chương trình phối hợp này bên cạnh việc xác định một số nội dung cụ thể mà các đơn vị chức năng của T.Ư triển khai thực hiện, cũng thể hiện sự chỉ đạo, dẫn dắt của Lãnh đạo Bộ NNPTNT và Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN để ngành NNPTNT và Hội ND các cấp xây dựng chương trình phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: "Với hệ thống tổ chức của Hội từ T.Ư tới thôn, xóm ấp bản, trên 10.000 cán bộ chuyên trách cấp xã, trên 3.200 cán bộ cấp huyện, gần 2.000 cán bộ Hội cấp tỉnh và T.Ư, đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân đang sinh hoạt tại hơn 95.000 chi hội, Hội NDVN cam kết cùng ngành NNPTNT phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình phối hợp này, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về phát triển một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn hiện đại như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra".
Trà Vinh: Ông giám đốc quanh năm lội ruộng, trồng lúa được Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen
Với sự dẫn dắt của ông Trần Văn Công (SN 1964) ở ấp Giồng Trôm, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Mỹ Châu ngày càng ăn nên làm ra. Vì vậy, nhiều năm liền, HTX nhận được nhiều Bằng khen, trong đó có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT.
Ông Trần Văn Công - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phú Mỹ Châu cho biết, doanh thu hàng năm của HTX từ 23-24 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 2 tỷ đồng, nếu tính trả lương cho cán bộ, lực lượng lao động sẽ còn hơn 200 - 300 triệu đồng.
Với những kết quả đạt được, nhiều năm qua, HTX Phú Mỹ Châu nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" và "Đã có thành tích tiêu biểu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh".
Riêng cá nhân ông Trần Văn Công còn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả năm 2018-2019.
Năm nay, ông Trần Văn Công vinh dự được Hội đồng chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".