Thông tin mới nhất Công an phường Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang xác minh trình báo, đơn tố cáo của em P.L.K.N. (SN 2001; ngụ phường Quang Trung) - SV một trường đại học tại TP HCM, về việc bản thân và gia đình nhiều lần bị khủng bố, đe dọa liên quan đến khoản tiền vay lãi "cắt cổ".
Theo tố cáo, vì khó khăn nên nữ sinh viên vay 12 triệu đồng của một bạn học cũ (học cấp 2), lãi mẹ đẻ lãi con nữ sinh bị buộc phải trả hơn 300 triệu đồng. Gia đình nữ SV liên tục bị khủng bố, đòi nợ.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ việc trên đã có dấu hiệu của tội tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định tại điều 201 Bộ Luật hình sự 2015.
Theo luật sư Hòe, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Nếu bị khởi tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đối tượng cho nữ sinh viên Ng. vay tiền với lãi suất cắt cổ có thể bị xử phạt 3 năm tù giam.
"Cho vay là một giao dịch phổ biến trong đời sống xã hội, tuy nhiên nếu cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự nhằm thu lời bất chính, người cho vay có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật" – vị luật sư cho biết.
Phân tích về tội danh, luật sư Hòe cho biết, tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích của công dân.
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi nhằm thu lợi bất chính.
Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng thể hiện ở một trong các hành vi sau: Cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự, nếu lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên, tức là từ 100%/năm trở lên, hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30 triệu đồng trở lên.
Theo đơn trình bày, đầu năm 2021, N. vừa đi học vừa làm thêm ở nhà hàng bán gà rán tại TP HCM, nhưng dịch Covid-19 phức tạp nên thất nghiệp, chuyển chỗ trọ, gia đình ở quê chưa chuyển tiền kịp và cần chi tiêu sinh hoạt hàng ngày nên túng thiếu, phải vay mượn bạn bè.
Ngày 13/3/2021, N. vay của N.H.A. (bạn học cấp 2, cùng quê Bình Định) 12 triệu đồng (thực tế N. chỉ nhận 9,6 triệu vì lãi suất A. cho vay là 240.000 đồng/ngày). Nếu trong ngày, N. không trả lãi thì sau 19 giờ phải trả gấp đôi (480.000 đồng/ngày); trả lãi sau 24 giờ thì phải nhân 4 (tức 960.000 đồng/ngày).
Tháng 7 và tháng 8, N. về quê thì A. ép N. viết 6 giấy vay tiền để trả lãi khoản vay 12 triệu) với tổng nợ là 120 triệu.
Cụ thể, ngày 10/7, vay 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi 625.000 đồng/ngày (75%/tháng). Ngày 17/7, vay 10 triệu (thực nhận 8,5 triệu), lãi 250.000 đồng/ngày (75%/tháng).
Ngày 22/7, vay 15 triệu (thực nhận 11,25 triệu), lãi 325.000 đồng/ngày (65%/tháng). Ngày 28/7, vay 20 triệu (thực nhận 16,25 triệu), lãi 500.000 đồng/ngày (75%/tháng). Ngày 7/8, vay 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi 500.000 đồng/ngày (60%/tháng). Ngày 11/8, vay 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi 500.000 đồng/ngày (60%/tháng).
Trong tháng 7 và tháng 8, N. đã 35 lần trả tiền cho A. bằng hình thức chuyển vào tài khoản ngân hàng (có sao kê) với 168 triệu và một số lần trả bằng tiền mặt. Tháng 9, vì không có tiền trả nợ, N. mới báo cho gia đình biết. Sau đó, N. và mẹ là L.T.P.T. (SN 1979) làm đơn tố cáo gửi Công an TP Quy Nhơn và Công an phường Quang Trung.
Thời gian này, nhà chị T. thường xuyên bị tạt sơn, chất bẩn, mắm thối làm ảnh hưởng đến các nhà hàng xóm. A. cho nhiều người đến chửi bới, hăm dọa yêu cầu N. và gia đình trả tiền nợ là 125 triệu đồng (chưa tính hơn 168 triệu đồng mà N. đã trả cho A. qua tài khoản ngân hàng).