Dân Việt

Bí quyết gì giúp nông sản Hải Dương bay tới tấp sang Âu, Mỹ?

Thi Ngọc 10/12/2021 08:50 GMT+7
Chiều ngày 9/12, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức triển lãm, kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP tại Hải Dương.

Xúc tiến thương mại là cần thiết và hiệu quả

Xác định công tác xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP giữa tỉnh Hải Dương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tăng cường giao thương, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Theo đó, chiều ngày 9/12, Sở NNPTNT tỉnh đã tổ chức hội nghị liên kết quảng bá và giới thiệu các sản phẩm, doanh nghiệp nông sản tiêu biểu như vải, ổi, na, nếp cái hoa vàng, hành tỏi, gà đồi Chí Linh, bột sắn dây, rươi, cáy, cá rô…

Hải Dương: Sở NNPTNT đẩy mạnh kết nối nông sản chủ lực, khát vọng “cất cánh” - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP tại Hải Dương. Ảnh: Thi Ngọc

Được biết, tỉnh cũng hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu như vải thiều Thanh Hà, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, cà rốt Đức Chính, ổi Liên Mạc Thanh Hà, bánh đậu xanh Hải Dương, rươi Tứ Kỳ, bưởi đào Lập Lễ, hành tỏi Kinh Môn, bánh gai Ninh Giang, rượu Phú Lộc, bánh đa Hội Yên…

Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh đã mang lại những kết quả đáng kể. 

Sở NNPTNT đã kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 150.000 tấn rau, quả; 1,8 triệu con gà đồi; hơn 4 triệu trứng gia cầm các loại; hơn 3.000 tấn thủy đặc sản…

Ngoài ra, tỉnh còn cử các cán bộ trực tiếp xuống giúp và thu mua cho bà con nông dân, hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa và tích cực tham gia đóng gói hàng hóa cứu trợ nhân dân vùng dịch bị cách ly.

Hải Dương: Sở NNPTNT đẩy mạnh kết nối nông sản chủ lực, khát vọng “cất cánh” - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NNPTNT và đại diện các tỉnh tại Lễ ký kết hợp tác, xúc tiến, tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương.

Đặc biệt phải kể đến hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021. Đây là năm đầu tiên vải thiều Hải Dương mở cửa thành công thêm nhiều thị trường mới như Thái Lan, Anh, Canada, Ý, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch và được bán trên 5 sàn thương mại điện tử như Sendo.vn, Voso.vn, VNSpost, Lazada, Alibaba…Nhiều doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu vải như Công ty Kim Chính, Công ty Toàn Cầu.

Hải Dương: Sở NNPTNT đẩy mạnh kết nối nông sản chủ lực, khát vọng “cất cánh” - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX sản xuất & kinh doanh thủy sản Xuyên Việt (giữa) đang giới thiệu sản phẩm với Giám đốc Sở NNPTNT Bùi Văn Thăng và Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Hoàng Văn Hồng. Ảnh: Thi Ngọc

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hải Dương khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh.

Năm 2021, ngành nông nghiệp Hải Dương không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, sáng tạo đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp gắn liền với kinh tế thị trường. 

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản đạt tiêu chuẩn cả trong nước và xuất khẩu. Do đó, sản xuất nông nghiệp Hải Dương tiếp tục tăng trưởng cao, sản lượng sản xuất ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020.

Đây cũng là năm ngành nông nghiệp tỉnh nhà có nhiều bước đột phá, đó là sản xuất cây vụ đông tăng 8,7%. Năng suất lúa bình quân cao nhất từ trước tới nay, sản phẩm vải, nhãn được mùa, được giá.

Sản phẩm chất lượng, đa dạng

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại đầu cầu Hà Nội đánh giá, Hải Dương là một trong những vùng cung cấp rất nhiều nông sản cho thị trường Hà Nội mà chủ yếu là các siêu thị. 

Hải Dương đã phát huy được các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Sản phẩm của Hải Dương rất chất lượng và luôn được đổi mới mẫu mã, bao bì. 

Bên cạnh đó, giao thông của Hải Dương rất thuận lợi nên khả năng cạnh tranh với các vùng khác là khá cao. 

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp trong việc đẩy mạnh bán hàng online, chứng tỏ Hải Dương rất nhanh nhạy với xu thế thị trường. 

Điều đó mở ra hướng đi vững chắc cho nông nghiệp Hải Dương, tránh được tình trạng được mùa mất giá...

Hải Dương: Sở NNPTNT đẩy mạnh kết nối nông sản chủ lực, khát vọng “cất cánh” - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Amei Việt Nam giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Công ty với Giám đốc Sở NNPTNT Bùi Văn Thăng. Ảnh: Thi Ngọc

Tại hội nghị, các nông sản của Hải Dương được trang trí, trưng bày rất phong phú, đa dạng. Các sản phẩm không chỉ chất lượng mà bao bì cũng được rất chú trọng... Rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến từ nông sản cũng tập trung về hội trường.

Đặc biệt, trong hội nghị, Sở NNPTNT đã xúc tiến thành công cho 6 cơ sở sản xuất nông nghiệp ký kết hợp đồng với 6 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản.

Hải Dương: Sở NNPTNT đẩy mạnh kết nối nông sản chủ lực, khát vọng “cất cánh” - Ảnh 5.

Rất nhiều sản phẩm chất lượng và mẫu mã đẹp được trưng bày tại Hội nghị. Ảnh:Thi Ngọc.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Amei Việt Nam, một trong những đơn vị xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam đánh giá cao vai trò của lãnh đạo địa phương và người nông dân trong việc đồng hành, kết hợp với doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm, đồng thời khẳng định thương hiệu cho nông sản Hải Dương.

"Với sự đồng hành của các cấp lãnh đạo địa phương và bà con nông dân, chúng tôi đã bước đầu tạo được một số vùng trồng với các sản phẩm chất lượng, xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ dẫn đến giá cả ổn định hơn" - ông Tiến chia sẻ.

"Trong thời gian tới, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các bên tham gia chương trình OCOP; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ vận hành chương trình OCOP và các chủ thể có sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình...

Đồng thời, tỉnh sẽ quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở những địa phương có lợi thế như vùng vải Thanh Hà, Chí Linh; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; hành tỏi, sắn dây Kinh Môn; ổi Thanh Hà; na Chí Linh...", Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương Bùi Văn Thăng thông tin thêm.