Hơn 65.000 tấn cam Hà Tĩnh đặc sản vào vụ chín vàng, "5 bên" phối hợp xúc tiến tiêu thụ

Thu Hà Thứ ba, ngày 23/11/2021 18:25 PM (GMT+7)
Chiều nay 23/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh.
Bình luận 0

Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh có: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban đơn vị Trung ương Hội.

Kết nối tiêu thụ đặc sản cam Hà Tĩnh

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.900 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600 ha; trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ đặc sản cam Hà Tĩnh - Ảnh 1.

UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh.

Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống đã kết nối với trên 1.611 hộ dân và 278 hợp tác xã/tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đến nay, sản lượng cam tiêu thụ đạt 13.000 - 14.000 tấn, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Coopmart, sàn thương mại điện tử.

Theo ông Sơn, những năm trước, lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh được tổ chức thành công với quy mô 80 – 100 gian hàng trưng bày. Lễ hội diễn ra trong 3 - 4 ngày, không chỉ giúp các nhà vườn quảng bá, tiêu thụ cam mà còn tạo không gian cho người dân, du khách tham quan mua sắm.

Năm nay, do điều kiện dịch bệnh Covid-19, hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối các doanh nghiệp, nhà vườn với các bộ, ngành Trung ương, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp phân phối lớn nhằm hỗ trợ quảng bá, mở rộng kênh phân phối cho bà con nhân dân.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, tập đưa ra nhiều giải pháp nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh.

Phát biểu tại điểm cầu T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định đánh giá cao việc UBND Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp tổ chức Hội nghị nhằm giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất về tiêu thụ nông sản của nông dân nói chung, người trồng cam nói riêng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ đặc sản cam Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định phát biểu tại điểm cầu Trung ương Hội. Ảnh: Thu Hà

"Đây cũng là mối quan tâm lớn của các cấp Hội Nông dân Việt Nam" -ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định: Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Hội là tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và việc làm cho nông dân trong đó có nội dung hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Theo đó, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ cức các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT; xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ đặc sản cam Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Tại điểm trực tiếp ở Trung tâm thương mại khách sạn BMC Hà Tĩnh có khu trưng bày, tháp cam của các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc…

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thông qua 52 Trung tâm hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố, 842 "Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân", 726 cửa hàng do Hội Nông dân trực tiếp và phối hợp tổ chức; thông qua hệ thống kết nối trực tiếp giữa Hội Nông dân các tỉnh, với cầu nối là Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội đã kết nối tiêu thụ trên 200.000 tấn nông sản cho nông dân, trong đó Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ tiêu thụ khoảng 400 tấn.

Hiện nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã giao Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội xây dựng các điểm kết nối, trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân từng vùng miền cũng như trong cả nước; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các điểm kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân cả trực tuyến và ngoại tuyến. Sau khi hệ thống đưa vào vận hành rất mong được hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh trong việc giới thiệu và kết nối các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, trong đó có cam Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Xuân Định cũng đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng nghị quyết và tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phấn đấu 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới. 

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tập trung nâng cao năng lực sản xuất an toàn cho nông dân, nhất là nâng cao kiến thức về kinh doanh, công nghệ thông tin, giúp nông dân tự tin quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, các hệ thống bán lẻ, tạo điều kiện cho Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm tốt vai trò cầu nối trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá: Với đặc thù về thổ nhưỡng và khí hậu, Hà Tĩnh là địa phương sản xuất cam lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 5 cả nước, vì vậy tỉnh cần hạn chế phát triển diện rộng, tập trung thâm canh ở những vùng sản xuất chất lượng cao; kịp thời tổng kết các mô hình, các đề tài nghiên cứu về giống để đánh giá, từ đó có định hướng phát triển những giống cam đặc sản ít hạt, không hạt và những giống chín sớm, giống chín muộn; tuyên truyền cho nông dân đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

 Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ: "Trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, Bộ Công Thương đã nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thông qua nhiều hình thức trực tuyến. Thông qua hội nghị này, sản phẩm cam Hà Tĩnh sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh trong quá trình sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi, các sàn thương mại điện tử".

Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnhđược tổ chức trực tiếp tại Trung tâm thương mại khách sạn BMC Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) và truyền trực tuyến qua phần mềm Zoom cloud Meeting đến điểm cầu Trung ương, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và huyện, thị trong tỉnh.

Tại hội nghị, sau khi thảo luận các nội dung, siêu thị Vinmart, Co.opmart Hà Tĩnh, sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cam trao đổi bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ sản phẩm cam Hà Tĩnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem