Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, các làng nghề ven biển làm đặc sản ở Cà Mau hoạt động khá xôm tụ. Trong đó, nổi bật phải kể đến như các làng nghề làm khô cá biển, bánh phồng tôm, tôm khô, mắm tôm, mắm cá sơn…
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì các sản phẩm công nghiệp, đồ ngoài, giỏ quà Tết có xu hướng chuyển về các sản vật, đặc sản địa phương.
Tuy nhiên, theo các cơ sở, nhiều khách hàng vẫn còn e dè mua sắm, sản lượng dự báo sẽ giảm so với năm trước.
Nắm bắt điều này, các cơ sở sản xuất đặc sản tại các làng nghề ở Cà Mau thay vì tăng sản lượng ồ ạt ở thời điểm cuối năm thì ngay từ tháng 9 âm lịch đã có sự chuẩn bị nguồn hàng. Điều này vừa giảm áp lực về nhân công cho các cơ sở, vừa đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Chương – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) tôm khô Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), thông tin: "Năm nay, HTX giao nguồn hàng trải đều ở các tháng cho các đại lý, cơ sở tiêu thụ. Bên cạnh đó, ở những tháng cuối năm chúng tôi chuẩn bị sẵn hàng. Trong thời điểm cận Tết khách hàng đặt nhiều thêm thì HTX cũng có hàng để cung cấp. Trong trường hợp thiếu hàng cung cấp thì chỉ phải sản xuất thêm số lượng không lớn".
Cũng theo ông Chương, nhờ cách làm này mà HTX vẫn bán bình ổn giá ở 15 sản phẩm từ con tôm, trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong đó, giá tôm khô loại I vẫn được bán 1,4 triệu đồng/kg; bánh phồng tôm từ 220.000-280.000 đồng/kg, tùy loại.
"Thời điểm này chúng tôi vẫn bán giá tôm khô loại I bằng với giá từ đầu năm. Tuy nhiên, trong trường hợp gần cuối năm, giá tôm nguyên liệu tăng thì khả năng sẽ lên không nhiều, từ 1,5-1,6 triệu đồng/kg", ông Chương cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do tình hình thời tiết những tháng cuối năm diễn biến thất thường, nhiều diện tích tôm nuôi của bà con nông dân tại Cà Mau bị ảnh hưởng. Do đó, sản lượng tôm đất cuối năm không có nhiều; một số khác thì cỡ tôm còn nhỏ. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất tôm khô của các cơ sở.
Hiện giá tôm khô loại I tại các cơ sở được bán từ 1,4-1,5 triệu đồng/kg. Nhiều người nhận định giá tôm khô những ngày cận Tết có thể lên từ 1,6-1,8 triệu đồng/kg.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (chủ cơ sở mắm tôm Mỹ Hiền ở huyện Ngọc Hiển), chia sẻ: "Tết năm rồi, dù sản lượng giảm nhưng cơ sở bán ra khoảng 1.000kg mắm tôm/tháng. Năm nay, tình hình dịch vẫn căng thẳng nên có lẽ sản lượng không tăng. Bên cạnh đó, dù giá tôm nguyên liệu đang tăng nhưng cơ sở vẫn không tăng giá bán".
"Hiện 1 hũ mắm tôm (khoảng 1,2kg), tôi bán giá 120.000n đồng. Giá này được giữ nguyên từ đầu năm, đến Tết cũng sẽ không tăng. Tuy cơ sở sẽ không có lời nhiều, nhưng trong lúc dịch bệnh khó khăn, đây là cách để giữ chân và hỗ trợ khách hàng thân thiết. Giá tôm có lúc lên lúc xuống, tôi nghĩ nên giữ giá để ai cũng vui vẻ dịp Tết", chị Hiền chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho hay: "Tại địa phương các mặt hàng đặc sản phục vụ cho thị trường Tết khá đa dạng. Theo các cơ sở, sản lượng cung ứng cho thị trường Tết có thể giảm 20-30% so với năm trước. Trong đó, giá cả các mặt hàng không giảm và có thể tăng".
"Trong thời điểm kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, thay vì mua hàng trôi nổi. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các cơ sở, làng nghề truyền thống có tiếng ở địa phương tiêu thụ sản phẩm", ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, thực tế là hiện địa phương có nhiều sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận được nhiều khách hàng biết đến.
Điều này giúp cho việc tiêu thụ các đặc sản thuận lợi hơn các nơi khác. Các sản phẩm như bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, tôm khô Rạch Gốc, khô cá thòi lòi đất Mũi, đang có thị trường tiêu thụ khá ổn định.