Cà Mau: Nuôi cua biển kiểu mới, con nào cũng to bự, đẹp như mơ, nông dân hốt bạc

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 10/12/2021 14:15 PM (GMT+7)
Áp dụng cách nuôi cua biển kiểu mới, nhiều nông dân ở Cà Mau đã thu được những lứa cua đẹp như mơ. Cua đẹp, chất lượng giúp bà con bán được giá cao.
Bình luận 0

Nuôi cua biển kiểu mới

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản. Trong nhiều năm qua nghề nuôi thủy sản ở Cà Mau luôn phát triển mạnh cả về diện tích và năng suất nuôi.

Cà Mau: Nuôi cua biển kiểu mới, con nào cũng đẹp như mơ, nông dân hốt bạc - Ảnh 2.

Nông dân áp dụng cách nuôi cua biển kiểu mới cho hiệu quả cao. Ảnh: Chúc Ly.

Trên địa bàn huyện Thới Bình, phần lớn diện tích nuôi thủy sản như tôm, cua được người dân nuôi theo hình thức quảng canh, quản canh cải tiến… Tuy nhiên hiện tại phần lớn nông dân còn nuôi tự phát, dựa vào kinh nghiệm và tổ chức sản xuất chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến khó quản lý về môi trường và dịch bệnh.

Từ thực tế này, được sự đồng ý và hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh, Phòng NNPTNT huyện Thới Bình kết hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án: Xây dựng mô hình nuôi cua biển thương phẩm quảng canh cải tiến hai giai đoạn.

Theo đó, vào năm 2019, 23 hộ dân ở ấp 6, xã Tân Lộc Bắc đã tham gia thực hiện mô hình với diện tích 25ha (mỗi hộ có diện tích từ 5.000 đến 20.000m2). Nông dân sẽ được tiếp cận cách nuôi cua thương phẩm khác so với trước đây.

Cụ thể, dự án đặt mục tiêu, bà con sẽ thả cua giống với mật độ thả ương giai đoạn 1 là 200 con/m2, thời gian ương 20 -  25 ngày, tỷ lệ sống ước đạt 50%. Sau đó, thả nuôi thương phẩm ở vuông tôm giai đoạn 2 là 0,5 con/m2, năng suất đạt trung bình 400 – 500 kg/ha/vụ, kích cỡ cua thương phẩm từ 3 - 4 con/kg, sau thời gian nuôi 4 tháng.

Theo nhiều hộ dân tham gia dự án, ở giai đoạn 1, cua giống được ương từ 15 – 25 ngày. Trong quá trình ương, cua giống được cho ăn bằng cá tạp hấp hoặc luộc chín rồi tán nhuyễn, liều lượng cho ăn 0,2– 0,5 kg/1000 con giống (tùy vào điều kiện phát triển của động vật phù du có trong ao ương), mỗi ngày tăng từ 5 – 10% lượng thức ăn.

Ở giai đoạn 2, sau thời gian ương, nông dân tiến hành mở ao ương cho cua di chuyển ra ngoài vuông nuôi. 

Định kỳ 10 - 15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định và làm sạch môi trường nước trong vuông nuôi. Khoảng 15 ngày/lần sử dụng phân sinh học, phân hữu cơ (tùy vào lượng thức ăn tự nhiên có trong vuông nuôi) để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi.

Cà Mau: Nuôi cua biển kiểu mới, con nào cũng đẹp như mơ, nông dân hốt bạc - Ảnh 3.

Con cua trong mô hình nuôi cua biển kiểu mới - nuôi cua hai giai đoạn, cho kích cỡ khá đồng đều, cua đẹp, chất lượng. Ảnh: Chúc Ly.

Trong 2 giai đoạn này, nông dân cần lưu ý hàng ngày kiểm tra trạng thái hoạt động, sức khỏe của cua. 

Sau  khi chuyển ra vuông nuôi các hộ nuôi tiếp tục theo dõi các yếu tố môi trường và chăm sóc cho cua ăn bằng thức ăn là cá tạp cắt nhỏ rải đều quanh vuông. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường của vuông nuôi.

Ở giai đoạn 60 ngày tuổi, nông dân tiến hành kiểm tra trọng lượng cua, nhằm đánh giá mức tăng trưởng của cua nuôi.

Dự án bước đầu mang lại hiệu quả khả quan khi năng suất cua nuôi bình quân đạt 524,7 kg/ha/vụ. Trong khi đó, đối với các mô hình nuôi cua biển quảng canh truyền thống thì năng suất bình quân chỉ đạt từ 150 – 200 kg/ha/vụ nuôi. 

Đặc biệt, mô hình nuôi cua biển thương phẩm quảng canh cải tiến hai giai đoạn cho lợi nhuận bình quân đạt hơn 71,6 triệu đồng/ha/vụ nuôi.

Nhân rộng cách nuôi cua biển kiểu mới

Từ dự án của tại xã Tân Lộc Bắc, Phòng NNPTNT đã nhân rộng mô hình ở xã Thới Bình và Hồ Thị Kỷ. Hàng chục nông dân đã đăng ký tham gia nuôi cua biển kiểu mới.

Theo ông Nguyễn Trung Liệt, ngụ ấp 8, xã Thới Bình, được Phòng NNPTNT huyện giới thiệu mô hình nuôi cua 2 giai đoạn, nên ông đăng ký tham gia. Ông quyết định thả nuôi 16.000 con cua giống trên 1ha ao nuôi (6.000 con/ha). Sau 70 ngày nuôi, cua phát triển rất tốt, đạt từ 8 - 10 con/kg.

Cà Mau: Nuôi cua biển kiểu mới, con nào cũng đẹp như mơ, nông dân hốt bạc - Ảnh 4.

Ông Dương Bé Em (ngụ ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ) thu hoạch cua biển. Ảnh: Chúc Ly.

"So với mô hình nuôi cua truyền thống thì mô hình nuôi cua 2 giai đoạn hiệu quả hơn, tỷ lệ thành công cũng cao hơn. Gia đình tôi sẽ gắn bó với cách nuôi cua biển kiểu mới lâu dài", ông Liệt chia sẻ.

Trong khi đó, chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết ông Dương Bé Em (ngụ ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ), cho hay: "Gia đình ông có 15 công (mỗi công gần 1.300m2) đất nuôi tôm kết hợp cua. Khi áp dụng hình thức nuôi cua 2 giai đoạn, tôi thả thử nghiệm khoảng 10.000 con giống/vụ cua thay vì 4.000-5.000 con như trước".

Theo ông Em, sau thời gian áp dụng đúng quy trình nuôi cua hai giai đoạn, ông nhận thấy sức sống con cua cao hơn trước rất nhiều. 

Nếu trước đây nông dân thả cua thường chỉ bắt lại chưa tới 10% thì nay nâng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, nhờ quan tâm môi trường, cua được gièo trước khi thả ra vuông và bổ sung thức ăn, giúp cua đều, đẹp hơn. Điều này giúp nông dân bán được cua với giá cao, tỷ lệ cua dạt thấp.

"Sau khi áp dụng nuôi 2 vụ, tôi thu lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/vụ. Mỗi năm tôi có thể nuôi khoảng 3 vụ. Do đặc điểm của cách nuôi cua ở vuông tôm là thu hoạch tỉa, nên tôi có cua bán quanh năm. Nếu rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, cua gạch có giá 500-600 nghìn đồng/kg. Nông dân sống khỏe với cách nuôi cua biển kiểu mới này", ông Em cho biết.

Theo nhiều nông dân áp dụng mô hình, về cơ bản hình thức nuôi cua hai giai đoạn không khó. Quan trọng nhất là nông dân quan tâm đầu tư vào mô hình, thay vì cứ thả giống mà không quan tâm các yếu tố khác như trước. Trong đó, việc tạo thức ăn tự nhiên và bổ sung thức ăn cho con cua là rất quan trọng.

Cà Mau: Nuôi cua biển kiểu mới, con nào cũng đẹp như mơ, nông dân hốt bạc - Ảnh 5.

Theo ông Bé Em, nuôi cua biển kiểu mới giúp nông dân thu được cua đẹp, bán được giá cao. Ảnh: Chúc Ly.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), thông tin: "Xây dựng mô hình nuôi cua biển quảng canh cải tiến hai giai đoạn nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm để góp phần phát triển ngành hàng cua của tỉnh. Bên cạnh đó, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, sử dụng đất có hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân".

"Đặc biệt, thông qua mô hình đã tạo thêm sự đa dạng các hình thức nuôi để giúp cho nông dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp cho các hộ nuôi cua tại địa phương có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, chăm sóc cua nuôi", ông Phúc nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem