Dân Việt

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ít nhất nửa tỷ người rơi vào cảnh nghèo đói

Lê Phương (Aljazeera) 13/12/2021 17:12 GMT+7
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ y tế trên toàn cầu và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy ít nhất nửa tỷ người rơi vào cảnh nghèo đói - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ y tế trên toàn cầu. Ảnh: Shannon Stapleton/Reuters

Theo WB và WHO, hơn nửa tỷ người trên toàn cầu đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm ngoái vì phải tự chi trả chi phí y tế trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19.

Đại dịch đã làm gián đoạn các dịch vụ y tế trên toàn cầu và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930, khiến người dân không đủ tiền chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, một tuyên bố chung của hai tổ chức cho biết hôm Chủ nhật (12/12).

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Tất cả các chính phủ phải ngay lập tức tiếp tục đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đảm bảo mọi công dân có thể tiếp cận những dịch vụ y tế mà không sợ rào cản về tài chính". Tedros kêu gọi các chính phủ tăng cường tập trung vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe và đi theo hướng bao phủ sức khỏe toàn dân.

Trên toàn cầu, đại dịch đã làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, tỷ lệ tiêm chủng lần đầu tiên giảm sau 10 năm, với số ca tử vong do bệnh lao và sốt rét đang ngày càng tăng.

Juan Pablo Uribe, Giám đốc toàn cầu về sức khỏe, dinh dưỡng và dân số của Ngân hàng Thế giới, cho biết: "Trong một không gian tài khóa hạn chế, các chính phủ sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để bảo vệ người dân cũng như tăng ngân sách y tế".

Nền kinh tế kiệt quệ

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng 3, đại dịch đã đẩy 32 triệu người Ấn Độ ra khỏi tầng lớp trung lưu (những người kiếm được từ 10 đến 20 đô la một ngày). Người ta ước tính cuộc khủng hoảng đã làm tăng số người nghèo của Ấn Độ (những người có thu nhập từ 2 đô la trở xuống một ngày) lên 75 triệu người.

Trong khi đó, một báo cáo mới được Cơ quan Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố hôm thứ Năm (9/12) cho biết, ước tính có thêm 100 triệu trẻ em hiện đang sống trong tình trạng nghèo đói vì đại dịch, tăng 10% kể từ năm 2019.

Henrietta Fore, giám đốc điều hành của UNICEF, cho biết đại dịch đã làm gia tăng nghèo đói, kéo theo bất bình đẳng và đe dọa quyền của trẻ em. "Trong khi số trẻ em đói ăn, bỏ học, bị ngược đãi, sống trong cảnh nghèo đói hoặc bị ép buộc kết hôn ngày càng tăng thì số trẻ em được chăm sóc sức khỏe, tiêm vaccine, đầy đủ thức ăn cũng như các dịch vụ thiết yếu đang giảm dần. Chúng ta đang đi lùi!" Bà lo ngại.