Nhắc đến những món bánh đặc sản Bắc Kạn nổi tiếng thì bánh Pẻng Phạ chính là một đại diện tiêu biểu. Bánh Pẻng Phạ còn có tên gọi khác là "bánh gấc mặt trời". Bánh có hình tròn, giống bánh trôi. Những viên bánh to bằng quả nhãn lồng. Mặc dù vẻ ngoài không lộng lẫy hay kiêu kỳ nhưng đây lại là một trong những món bánh truyền thống của người Tày.
Bánh Pẻng Phạ được bình chọn đứng đầu danh sách 100 món đặc sản của Việt Nam
Biết đến loại bánh này từ thời còn nhỏ, trong các dịp lễ tết của người dân địa phương và nhận thấy được những đặc điểm có một không hai ở những vùng khác, chị Hoàng Thị Điểm đã bắt đầu làm và sản xuất bánh gấc mặt trời từ năm 2013, đến nay đã trải qua 8 năm làm bánh. Nguyên liệu làm bánh hoàn toàn được sử dụng do chính gia đình chị Hoàng Thị Điểm trồng. Điển hình, mỗi năm gia đình chị sản xuất và cho thu hoạch khoảng 2 tạ gấc, cho đong đá để sử dụng dần trong quá trình làm bánh.
Để tạo nên thương hiệu riêng, không như những loại bánh khác làm theo lí thuyết, chị Điểm phần nhiều làm theo kinh nghiệm. Trong khâu quan trọng nhất, thả bánh bào mật mía, chị Điểm đã căn độ sôi mật mía vừa đủ ở tầm 70 độ C để thả bánh. Do đó, bánh hút được mật vào trong, ăn có mùi thơm hòa quyện giữa mùi mật mía và mùi thính. Nhờ kinh nghiệm lâu năm, sản phẩm của gia đình chị đã được chứng nhận OCOP.
Loại bánh này độc đáo từ nguyên liệu đến cách làm ra nó. Chính sự gắn bó mật thiết của bánh với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày đã khiến chiếc bánh trở nên đặc biệt và được nhiều người biết đến.
Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp xay mịn, nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát rồi thêm một chút rượu trắng cho dậy mùi. Sau khi nhào thật kỹ cho bột dẻo và mịn có thể vê thành những viên cỡ quả nhãn. Đường mía sau khi được nấu tan chảy rồi đun sôi thành chất dịch sền sệt, cho bánh vào ngập đường rồi vớt ra lăn ngay với bột áo. Bánh này lấy gốc là bánh trời có xuất xứ từ Ba Bể. Tuy nhiên, điểm khác biệt làm nên Bánh trời Pẻng Phạ không giống bánh ở Ba Bể là có thêm gấc. Khi cho thêm gấc vào bánh sẽ lên màu vàng rất đẹp, có nhiều chất dinh dưỡng hơn và bánh mềm được lâu hơn. Không phải ngẫu nhiên mà món bánh pẻng phạ lại đứng đầu danh sách 100 món đặc sản của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay, chị Hoàng Thị Điểm cho biết: "Đạt sản phẩm OCOP là bước ngoặt lớn đối với gia đình tôi. Không chỉ khẳng định được thương hiệu bánh gấc mặt trời là một sản phẩm an toàn, có kiểm nghiệm, khiến khách hàng an tâm khi mua mà đây còn là cơ hội để tôi có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, với bà con tại địa phương và hướng sản phẩm tiến sâu vào các chuỗi cửa hàng đặc sản cũng như các hệ thống siêu thị trên toàn quốc".
Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp xay mịn, nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát rồi thêm một chút rượu trắng cho dậy mùi.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch, "bánh gấc mặt trời" không chỉ là món ăn truyền thống trong đời sống người Tày mà trở thành ẩm thực đặc sản, phục vụ du khách khi đến Bắc Kạn. Bánh có thể để tới 1 tháng nếu bảo quản tốt và hiện tại đang có thị trường trên toàn quốc. Nhất là việc bán bánh trên nền tảng số như Facebook, Zalo,... là những thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm.
Ai đã từng một lần thưởng thức bánh Pẻng Phạ - "bánh gấc mặt trời", chắc hẳn không thể quên hương vị đặc trưng của nó. Lại được thưởng thức món bánh dân dã ấy giữa cảnh sắc tự nhiên của đất trời, giữa sự dung dị hồn hậu của đồng bào dân tộc Tày, mới hay, vì sao người ta xếp hạng đứng đầu trong thế giới bao la của nghệ thuật ẩm thực Việt.