Theo đó, giá cao su thiên nhiên thế giới ở cả 2 thị trường giao dịch kỳ hạn và giao ngay trong tuần vừa qua đều ghi nhận giảm so với tuần trước.
Trong nước, giá thu mua mủ nước của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tiếp tục điều chỉnh giảm từ 3-8 đồng/TSC.
Trong tuần thứ 2 của tháng 12, giá thu mua mủ ở khu vực Bình Thuận giữ ổn định; khu vực Bình Dương giá giảm nhẹ; còn khu vực Bình Phước, Bà Rịa giá giảm nhiều hơn.
Theo các chuyên gia thị trường, giá cả giao dịch ít nhất trong tuần tới và trong thời gian ngắn hạn sẽ vẫn chịu áp lực giảm.
Nguyên nhân chính là do các tác động của biến thể virus Omicron; tỷ giá đồng USD tăng; giá dầu thô giảm và các tác động từ Báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố vào ngày 10/12.
Ngoài ra, thông tin Trung Quốc tuyên bố dừng nhận hàng ở một số cảng biển khu vực phía Nam ít nhất 6 tuần cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới cũng gây ra tác động nhất định. Sau khi có thông tin trên, cước tàu biển tiếp tục nóng lên do lo ngại ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.
Việc tạm ngưng một số cảng biển ở phía Nam Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu cao su thiên nhiên vào Trung Quốc, cũng như quá cảnh tại Trung Quốc để đến các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn không có dấu hiệu giảm.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/12 cho thấy, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 661.000 tấn cao su thiên nhiên trong tháng 11 năm 2021.
Đây là diễn biến khác thường với xu hướng giá đang giảm. Các chuyên gia thị trường cho rằng: Điều này cũng cho thấy giá cao su đang chịu áp lực bởi các yếu tố khác, ngoài yếu tố cung cầu. Trong đó, tâm lý thị trường đang chịu tác động nhiều hơn.
Theo ông Trần Thanh Phụng - Phó Tổng giám đốc VRG, trong ngắn hạn giá cao su vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh giảm. Điều này gây ra chủ yếu bởi tâm lý thị trường.
Yếu tố cung cầu vẫn đang hỗ trợ tích cực cho giá cao su. Vì thế, dù chịu nhiều áp lực nhưng kịch bản giá cao su có xu hướng giảm sâu về mức thấp như trước đây là ít có khả năng.
Còn theo báo cáo mới đây của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 ước tính tăng 8,3% so với năm 2020 (lên hơn 14 triệu tấn).
Số liệu từ ANRPC cũng cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 192.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.
Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt. Nguyên nhân do phần lớn các trận mưa lũ bất thường đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Mặt khác, việc mở lại biên giới quốc tế, nối lại các hoạt động kinh tế của một số quốc gia sau Covid-19 đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi của ngành cao su.
Hiện tại, người lao động trong ngành cao su cả nước đang bước qua tháng cuối cùng của mùa thi đua nước rút. Tin vui hoàn thành kế hoạch năm của các nông trường, công ty, xí nghiệp vẫn đang dồn dập báo về.
Năm 2021, Tập đoàn VRG đã giao chỉ tiêu cho Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (Bình Phước) khai thác 11.700 tấn mủ cao su; trong đó thu mua 3.000 tấn.
Tính đến ngày 9/12, Cao su Lộc Ninh đã hoàn thành kế hoạch sản lượng, về đích trước kế hoạch 22 ngày.
Các chỉ tiêu khác trong năm được công ty thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Cao su Đồng Nai, năm 2021 ghi nhận giá mủ cao su tăng bình quân khoảng 10 triệu đồng/tấn so với năm 2020.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Cao su Đồng Nai nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Ông Tuấn cho biết, năm nay, Cao su Đồng Nai đặt kế hoạch khai thác 25.500 tấn mủ và phấn đấu sẽ vượt kế hoạch hơn 4%.