Doanh nghiệp cao su chạy đua để nắm bắt cơ hội kinh doanh còn lại trong năm
Đồng Nai: Nhờ bí quyết này, nhiều doanh nghiệp ngành cao su vẫn tăng trưởng, giá cao su tăng nên lợi nhuận khá
Trần Khánh
Thứ năm, ngày 04/11/2021 14:25 PM (GMT+7)
Ngành khai thác, chế biến cao su Đồng Nai đang nỗ lực tăng tốc sau bình thường hóa. Nhiều đơn vị hướng đến mục tiêu đạt và vượt kế hoạch nhưng cũng có doanh nghiệp phải chạy đua để nắm bắt các cơ hội kinh doanh còn lại trong năm.
Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) hiện có gần 4.200 lao động. Trong đó gần 3.900 người là công nhân khai thác mủ.
Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Donaruco cho biết, tính từ đợt dịch lần thứ tư bùng phát đến nay, Tổng Công ty có tổng cộng 537 lao động sống trong các khu vực phong tỏa cách ly tại địa phương.
Đã có gần 1.690ha cao su tại các nông trường Cẩm Đường, Cẩm Mỹ, Hàng Gòn, An Lộc, Túc Trưng không khai thác được do công nhân bị cách ly không đến vườn cây.
Sản lượng mủ cao su không khai thác được trong 21 ngày giãn cách dự kiến khoảng 320 tấn.
Ông Tuấn kể, trong đợt cao điểm bùng phát dịch, Tổng Công ty tổ chức tiêm phòng vaccine và tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.
Môi trường lao động của ngành cao su luôn đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, nhân viên văn phòng của Tổng Công ty vẫn làm việc online.
Còn công nhân khai thác mủ tại các nông trường thì ở hẳn lại vườn cây, không về nhà.
Biện pháp này nhằm hạn chế tiếp xúc mà vẫn bảo đảm sản lượng mủ khai thác.
9 tháng đầu năm, Tổng Công ty khai thác được tổng sản lượng trên 66% kế hoạch năm. Các lĩnh vực thu mua, chế biến xuất khẩu đều đạt các chỉ tiêu đề ra.
Trong lĩnh vực chế biến, nhà máy Xuân Lập là nhà máy chế biến cao su có công suất lớn nhất của Donaruco.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện bình thường mới, không khí sản xuất trong nhà máy đã nhộn nhịp hẳn lên.
Suốt nhiều tháng qua, dù dịch bệnh căng thẳng nhưng nhờ kiểm soát dịch chặt chẽ, nhà máy vẫn duy trì được hoạt động 100% công suất.
Anh Phan Quốc Thông, công nhân của nhà máy cho biết, sức khỏe và đời sống của người lao động được quan tâm. Tiền lương bình quân hàng tháng của công nhân vẫn đảm bảo từ 13-14 triệu đồng/người/tháng
Ông Nguyễn Hữu Chánh, Quản đốc nhà máy Xuân Lập cho biết, năm 2021, nhà máy được giao nhiệm vụ chế biến hơn 26.000 tấn sản phẩm, chiếm 2/3 sản lượng chế biến của Tổng công ty.
"Hiện các dây chuyền chế biến mủ đông của nhà máy đang chạy hết công suất để cùng Tổng công ty hoàn thành mục tiêu cuối năm", ông Chánh nói.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, tính đến giữa tháng 10/2021, Tổng Công ty đã ký hợp đồng giao bán hơn 33.4000 tấn sản phẩm sao su, đạt tỷ lệ 99% kế hoạch năm.
Giá bán sản phẩm cao su bình quân hơn 41 triệu đồng/tấn, tăng 10 triệu đồng/tấn so năm 2020.
Từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, Donaruco đang ở giai đoạn thi đua nước rút để đạt và vượt kế hoạch cả năm.
Ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp tự tin trong năm 2021 này sẽ vượt khoảng 4% kế hoạch sản xuất kinh doanh
Nắm bắt cơ hội kinh doanh còn lại trong năm
Tại huyện Long Thành, Công ty TNHH Nam Long là doanh nghiệp chuyên sản xuất găng tay cao su, có sản lượng thuộc tốp đầu Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu của công ty sử dụng 90% nguyên liệu tự nhiên từ cao su Đồng Nai.
Trong ngành cao su, nhiều doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Sản phẩm găng tay của Nam Long là sản phẩm cuối cùng cho ngành hàng tiêu dùng.
Dây chuyền chế biến găng tay cao su của công ty Nam Long. Ảnh: Trần Khánh
Năm 2018, công ty đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất, nâng số lượng lên 4 chuyền, đạt tổng công suất 30 triệu đôi găng tay 1 năm.
Trong mùa dịch năm 2020, Công ty Nam Long vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất bằng việc đầu tư thêm một dây chuyền với công suất lên 10 triệu đôi nữa.
Hiện công ty đạt tổng công suất 40 triệu đôi găng tay cao su mỗi năm với 280 lao động làm việc trong các dây chuyền.
Ông Lê Bạch Long – Giám đốc Công ty cho biết, cũng như nhiều ngành nghề khác, Nam Long cũng không tránh khỏi những tổn thất do dịch Covid-19. Thế nhưng công ty vẫn cố gắng triển khai các kịch bản ứng thích hợp.
Trong thời gian còn thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã chủ động sản xuất 3 tại chỗ, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.
Dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, công ty vẫn tiếp tục đầu tư vào nhà máy sản xuất. Vừa qua Nam Long đã đầu tư một hệ thống lò hơi mới.
Đồng thời, tận dụng khoảng thời gian này, công ty đã tập huấn kỹ thuật mới cho đội ngũ kỹ sư công nhân nhằm chuẩn bị cho kế hoạch sau giản cách.
Từ tháng 12/ 2021 đến tháng 3/2022 là mùa lạnh ở các tỉnh Bắc cũng như các nước nhập khẩu sản phẩm găng tay.
"Công ty cố gắng trong tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành để phục vụ nhu cầu cho thị trường", ông Long nói.
Ông Long tâm sự, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021. Thời điểm nới lỏng giãn cách có đã trễ nhịp thị trường, cơ hội đã phần nào qua đi.
"Tuy nhiên khi dịch bệnh đang dần kiểm soát, doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với những bước đi thần tốc; sẵn sàng đón lấy các cơ hội kinh doanh còn lại trong năm", ông Long chia sẻ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.