Dân Việt

Chuyên gia: Kim Jong-un đang đứng ở ngã rẽ quan trọng

Phương Đăng (theo AP) 13/12/2021 19:00 GMT+7
10 năm sau khi lên nắm quyền sau cái chết đột ngột của cha mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã xóa tan những nghi ngờ thuở ban đầu về việc ông quá non trẻ, quá thiếu kinh nghiệm để lãnh đạo Triều Tiên, AP dẫn lời các chuyên gia phân tích chính trị cho biết.
Chuyên gia: Kim Jong-un đang đứng ở ngã rẽ quan trọng - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh AP

Những dự đoán ban đầu của các nhà phân tích vào năm 2011 khi ông Kim Jong-un mới lên cầm quyền về viễn cảnh một "chế độ nhiếp chính hoặc một tập thể lãnh đạo và thậm chí nguy cơ đảo chính quân sự" có thể diễn ra ở Triều Tiên đã bị dập tắt hoàn toàn khi nhà lãnh đạo trẻ thành công trong việc củng cố quyền lực của mình. 

Tuy nhiên, AP dẫn lời các nhà quan sát cho biết, sau khi kỷ niệm một thập kỷ cầm quyền đầu tiên vào thứ Sáu tuần này, ông Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với thời khắc khó khăn nhất của mình, khi đại dịch Covid-19, các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đang ngày càng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế của Triều Tiên.

Nếu ông Kim không thể duy trì cam kết của mình để phát triển cả vũ khí hạt nhân lẫn nền kinh tế - điều mà nhiều chuyên gia coi là không thể - thì điều đó có thể gây rắc rối hoặc thậm chí làm suy giảm quyền lực của ông.

Tăng trưởng kinh tế mà ông đạt được trong vài năm qua thông qua cải cách thương mại và định hướng thị trường sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được thắt chặt đối với Triều Tiên kể từ năm 2016, do chính quyền Kim Jong-un tăng tốc theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa - được đánh giá là khá khiêm tốn. 

Sau khi gây chú ý trên toàn cầu với các hội nghị thượng đỉnh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và 2019 nhưng không đạt kết quả, ông Kim Jong-un hiện đang phải vật lộn giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là nền kinh tế đang suy giảm ngày càng tồi tệ hơn bởi việc đóng cửa biên giới để chống dịch.

Các cuộc đàm phán với Washington đã bế tắc trong hơn hai năm trong khi ông Kim Jong-un đang rất cần sự giảm nhẹ trừng phạt để thúc đẩy kinh tế. Còn chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như không vội vàng chấp nhận một thỏa thuận trừ khi ông Kim thể hiện sự sẵn sàng cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên - một “thanh kiếm quý giá” mà ông coi là bảo đảm lớn nhất cho an ninh Triều Tiên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấp dứt, các chuyên gia cho rằng, ông Kim dường như ngày càng khó đạt được các mục tiêu đã nêu ra đó là đồng thời vừa giữ được vũ khí hạt nhân vừa mang lại sự thịnh vượng cho người dân ncủa mình.  

Park Won Gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans ở Seoul cho biết cách Kim Jong-un xử lý nền kinh tế Triều Tiên Tiên trong những năm tới có thể quyết định sự ổn định lâu dài của chính quyền của ông.

“Chương trình vũ khí hạt nhân, nền kinh tế và sự ổn định của chế độ đều có mối liên hệ với nhau. Nếu vấn đề hạt nhân không được giải quyết, nền kinh tế không khá hơn, điều đó có thể mở ra khả năng bất ổn trong xã hội Triều Tiên", ông Park bình luận.

Ông Kim hiện rất cần được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ đứng đầu để xây dựng nền kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ "không từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, cho dù có thế nào đi nữa". Chính 2 điều này được cho là đang đẩy ông Kim Jong-un vào thế khó, khi ông đang đứng ở ngã rẽ quan trọng sau 1 thập kỷ cầm quyền.

“Tham vọng vũ khí hạt nhân đã khiến ông Kim rơi vào với mớ hỗn độn này, nhưng ông ấy lại đang duy trì một chính sách mâu thuẫn là thúc đẩy tham vọng ấy hơn nữa để thoát khỏi tình cảnh khó khăn này", Go Myong-hyun, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Seoul bình luận.

“Chế độ trừng phạt do Mỹ dẫn đầu sẽ vẫn tồn tại. Vào một thời điểm nào đó, ông Kim sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn về việc ông ấy sẽ giữ được vũ khí hạt nhân trong bao lâu nữa và có thể tình huống này sẽ sớm xảy ra”, ông Go nói thêm.