Dân Việt

Thái Bình: Đang làm thợ mộc bỏ đi nuôi thứ chim bé như nắm tay ví như "con siêu đẻ", lãi ngay 200 triệu

Nguyễn Cường 14/12/2021 06:15 GMT+7
Vốn đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng, sau gần 2 tháng nuôi đã cho thu hoạch, lợi nhuận trung bình gần 200 triệu đồng/năm - đó là những gì anh Đào Đức Thưởng, thôn Dũng Tiến, xã Quỳnh Xá (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) thu được từ mô hình nuôi chim cút đẻ trứng hơn 7 năm qua.

Vốn đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng, sau gần 2 tháng nuôi đã cho thu hoạch, lợi nhuận trung bình gần 200 triệu đồng/năm - đó là những gì anh Đào Đức Thưởng, thôn Dũng Tiến, xã Quỳnh Xá (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) thu được từ mô hình nuôi chim cút đẻ trứng hơn 7 năm qua.

Thái Bình: Đang làm thợ mộc bỏ đi nuôi thứ chim bé như nắm tay ví như "con siêu đẻ", lãi ngay 200 triệu - Ảnh 1.

Bình quân mỗi ngày anh Đào Đức Thưởng (xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) thu hoạch khoảng 3.000 quả trứng chim cút, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Sau nhiều năm làm nghề mộc, năm 2014, qua sự giới thiệu của bạn bè về mô hình nuôi chim cút đẻ trứng, anh Thưởng quyết định bỏ vốn đầu tư chuồng trại, con giống. 

Với số tiền 40 triệu đồng vay của Quỹ Tín dụng nhân dân Quỳnh Xá cùng vốn liếng của gia đình, anh đầu tư xây dựng gian chuồng trên 40m2 với hơn 50 lồng nuôi khoảng 2.000 con chim cút đẻ trứng.

Anh Thưởng chia sẻ: So với các loại vật nuôi khác, chim cút đẻ trứng dễ nuôi, không vất vả, không tốn diện tích, kinh phí mua con giống ít. 

Chim cút thường sống ở nơi cao ráo, thoáng mát nên khi làm chuồng nuôi phải thiết kế theo kiểu lồng quây lưới, chia làm nhiều tầng; mỗi lồng khoảng 40 con, có hệ thống máng ăn và nước uống để tránh rơi vãi thức ăn; đáy lồng hơi dốc để khi chim cút đẻ trứng sẽ tự lăn ra khay dưới lồng.

Để giảm chi phí đầu tư cho hệ thống chuồng nuôi và máng nước tự động, với nghề mộc trong tay, anh Thưởng tự nghiên cứu và mua đồ lắp đặt lồng, tự làm máng nước. 

Vì thế chi phí đầu tư giảm hơn 1 nửa, giúp anh có điều kiện mở rộng chuồng nuôi. Năm 2017, với số vốn tích lũy được và kinh nghiệm nuôi chim cút đẻ trứng, anh quyết định mở thêm chuồng nuôi diện tích 50m2 với hơn 50 lồng và khoảng 2.000 con chim cút đẻ trứng.

Anh Thưởng cho biết: Để chim khỏe, đẻ trứng đều, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật cho ăn, nguồn nước uống, nhiệt độ, ánh sáng và thoáng khí của chuồng nuôi. Yêu cầu chuồng nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên vệ sinh. 

Nước uống cho chim cút phải là nước sạch. Đặc biệt là việc chăm sóc phòng, trừ dịch bệnh. Nếu chăm sóc tốt, chim sẽ đẻ trứng liên tục trong vòng 9 - 10 tháng, trung bình mỗi tháng một con chim cút đẻ 25 quả trứng. Hết thời gian thu trứng sẽ bán chim thịt.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá có thấp hơn so với những năm trước nhưng vẫn ở mức 450 - 550 đồng/quả. Mỗi ngày với 4.000 con đẻ trứng anh thu hoạch khoảng 3.000 quả, trừ chi phí trung bình mỗi ngày thu gần 500.000 đồng tiền lãi, nếu tính cả bán chim cút thịt thì mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng.

Thời gian tới, nếu nguồn thu nhập ổn định, anh Thưởng có ý định đầu tư mở rộng mô hình nuôi chim cút đẻ trứng và đầu tư hệ thống ấp nở để tự phục vụ cho gia đình. Anh mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi của ngân hàng để đầu tư và mở rộng thêm nhiều chuồng nuôi chim, tăng thu nhập cho gia đình.

Thành công từ mô hình nuôi chim cút đẻ trứng của anh Đào Đức Thưởng khẳng định, nếu có quyết tâm, mỗi người sẽ tìm được cho mình một cách làm riêng và sẽ thành công trên chính mảnh đất quê hương.