Thái Bình: Giá ớt lên vù vù, ra đồng là có tiền triệu
Thái Bình: Giá ớt lên vù vù, bí đỏ, ngô nếp cũng bán chạy, nông dân ra đồng là có tiền triệu
Thứ ba, ngày 26/01/2021 13:20 PM (GMT+7)
Thời điểm này, nông dân các địa phương trong địa bàn tỉnh Thái Bình đang tất bật thu hoạch cây vụ đông. Thời tiết cơ bản thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Không những thế, vụ đông này được đánh giá là vụ được mùa, được giá.
Sau 2 vụ liên tiếp chịu cảnh “được mùa, mất giá” nhưng vẫn kiên trì bám trụ, vụ đông năm nay, người trồng ớt ở xã An Ấp (Quỳnh Phụ) có một “mùa vàng” khi ớt cho năng suất khá, giá bán duy trì ở mức cao.
Ông Nguyễn Văn Sĩu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã An Ấp cho biết: Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng 190ha, trong đó ớt vẫn là cây trồng chủ lực với 80ha. Hiện đã là cuối vụ thu hoạch, giá thương lái đang thu mua 90.000 đồng/kg, có nhà thu tiền triệu mỗi ngày.
Thời tiết thuận lợi, cây ớt ít sâu bệnh, cho năng suất từ 3,5 - 4 tạ/sào, giá bán duy trì ở mức cao nên nông dân thu về khoảng 15 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi từ 8 - 10 triệu đồng/sào. Không chỉ ớt mà nhiều cây trồng khác cũng cho năng suất, giá bán cao, ước tính thu nhập từ sản xuất vụ đông năm nay đạt 200 triệu đồng/ha.
Theo nhiều nông dân, sở dĩ giá ớt tăng cao là do sau nhiều năm liên tục rớt giá nên nhiều nông dân trong vùng đã chuyển sang loại cây trồng khác trong khi lũ lụt xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã khiến nhiều diện tích trồng ớt bị thiệt hại dẫn tới thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này luôn tăng vào những tháng cuối năm nên đẩy giá lên cao.
Không chỉ cây ớt cho thu tiền triệu, qua khảo sát, giá rau màu vụ đông cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần so với năm trước, trong đó bí xanh 14.000 - 15.000 đồng/kg, ngô các loại 20.000 - 22.000 đồng/kg, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về xã Duyên Hải (Hưng Hà) thời điểm này, nông dân đang tích cực cày lật đất cho diện tích vụ đông thu hoạch xong.
Ông Nguyễn Xuân Luyến, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Duyên Hải cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế, vì vậy, thời gian qua, xã Duyên Hải đã vận động người dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp; tích cực đưa giống cây mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao và đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Chuyển đổi sản xuất theo phương châm “xuân muộn - mùa sớm” nhằm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông đồng thời đặt ra mục tiêu không để bỏ ruộng hoang, kể cả ở vụ đông.
HTX phối hợp với cán bộ các thôn vận động người dân mượn ruộng của những hộ không có nhu cầu sản xuất để gieo trồng với quy mô lớn. Với tinh thần đó, nhiều hộ dân đã gom ruộng gieo trồng với quy mô hàng mẫu, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.
Vụ đông này, toàn xã gieo trồng 235ha, trong đó 156ha cây bí đỏ thu quả non có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nông dân đã thu hoạch xong bí đỏ, với giá bán cao hơn 2 lần mọi năm, mang lại thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/sào, trừ chi phí thu lãi 4,5 - 5 triệu đồng/sào. Ngoài bí, ngô (ngô nếp, ngô ngọt) là cây trồng có diện tích lớn, cho thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/sào, nông dân rất phấn khởi.
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 36.828ha; trong đó ớt 1.140ha, ngô 6.195ha, khoai tây 1.245ha, còn lại là đậu đỗ, rau các loại. Khoảng 30.000ha cây trồng các loại đã cho thu hoạch.
Xác định tầm quan trọng của sản xuất vụ đông, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, trong đó tập trung vào cây trồng chủ lực, vùng chuyên canh quy mô lớn đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với chủ trương mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, sử dụng giống có phẩm cấp, chất lượng tốt gắn với đầu tư thâm canh, bảo đảm đúng khung thời vụ; khuyến khích thuê, mượn ruộng để sản xuất tập trung. Nhờ đó diện tích gieo trồng vượt 2,3% kế hoạch, cao hơn 1% so với năm 2019.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đôn đốc các địa phương thu hoạch cây vụ đông, chuyển trọng tâm sang sản xuất vụ xuân năm 2021. Từ những kết quả đạt được của vụ đông năm nay, các địa phương cần sớm phân tích các bài học kinh nghiệm thành công cũng như những tồn tại, hạn chế để có giải pháp chỉ đạo phù hợp cho phát triển sản xuất vụ đông nói riêng, nông sản hàng hóa nói chung, thực hiện được mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.