Dân Việt

Nữ nông dân đưa đặc sản Bắc Kạn đi muôn nơi

Luyên Nguyễn 20/12/2021 19:06 GMT+7
Tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với chăn nuôi hữu cơ, HTX Nhung Lũy đã đưa các đặc sản của Bắc Kạn đi khắp muôn nơi, góp phần thay đổi đời sống của hơn 100 hộ dân nơi đây.

Thành lập HTX để cùng nhau làm giàu

Chia sẻ về quá trình thành lập HTX Nhung Lũy, chị Đinh Tuyết Nhung - Giám đốc HTX cho biết: HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, Ba Bể) được thành lập từ một tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng với 10 thành viên, trong đó có 7 hộ nghèo.

Nữ nông dân đưa đặc sản tỉnh Bắc Kạn đi muôn nơi - Ảnh 1.

Sản phẩm của HTX Nhung Lũy kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng.

Chị Nhung chia sẻ: Năm 2014, nhìn thấy ưu thế về đất đai cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng đất Ba Bể, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hơn 250 con lợn thịt và hàng chục con lợn nái sinh sản.

Ngay từ đầu vợ chồng chị Nhung đã xác định chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chất lượng cao, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn, giá thịt lợn bấp bênh, không ổn định. Lúc đó, chị luôn trăn trở tìm một hướng đi riêng cho mình.

Chị Nhung nghĩ phải làm ra một loại sản phẩm gì đó để hạn chế tối đa sự phụ thuộc của thị trường, rồi chị chợt nhận thấy món lạp sườn gác bếp, thịt gác bếp, món ăn truyền thống của người dân địa phương có thể để được trong thời gian dài, mà các đặc sản này thường được làm quà biếu vào dịp cuối năm. Từ đó, chị Nhung có ý tưởng đưa sản phẩm này trở thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường.

Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, chị bắt tay vào làm những mẻ lạp sườn, thịt gác bếp đầu tiên, pha chế theo công thức, bí quyết của bà con địa phương tạo ra sản phẩm thơm ngon, hợp khẩu vị với đa số người tiêu dùng.

Từ mô hình này, năm 2018, chị Nhung đã quyết định thành lập HTX Nhung Lũy với 10 thành viên tham gia sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế và làm giàu. Và đến nay, HTX đã rất phát triển có 19 thành viên chính thức với mức thu nhập hàng tháng khoảng gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Nữ nông dân đưa đặc sản tỉnh Bắc Kạn đi muôn nơi - Ảnh 2.

Sản phẩm của HTX Nhung Lũy đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 năm 2020

Sản phẩm của HTX là các đặc sản truyền thống như: Lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, chè giảo cổ lam, mướp đắng rừng, móc mật khô.... Các sản phẩm được sản xuất bằng 100% nguyên liệu địa phương, được HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nên luôn có chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm lại mang đậm bản sắc của vùng quê Bắc Kạn.

Tham gia OCOP để nâng tầm sản phẩm

Tuy nhiên, là HTX nông nghiệp còn non trẻ các thành viên chưa có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chị Nhung cho biết: Những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, HTX gặp rất nhiều khó khăn như số lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao do sản xuất thủ công, chưa biết cách quảng bá sản phẩm trên diện rộng và chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng…

Nhưng nhận định khó khăn trên đều có thể điều chỉnh được, HTX đã mạnh dạn tìm người tư vấn, hướng dẫn, tích cực tham gia các cuộc xúc tiến thương mại triển lãm, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh...

Với sự giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành tỉnh, huyện và chính quyền địa phương, sự đoàn kết nỗ lực vươn lên của các thành viên, sản phẩm của HTX Nhung Lũy đã hoàn toàn thay đổi cả về chất lượng và hình thức: Có bao bì, nhãn mác, các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng...

Để có chỗ đứng trên thị trường, HTX cũng mạnh dạn đem các sản phẩm đặc sản lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nhờ luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng đảm bảo, năm 2020 hai sản phẩm là lạp sườn gác bếp và khẩu mẩy vùng cao của HTX Nhung Lũy đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Nữ nông dân đưa đặc sản tỉnh Bắc Kạn đi muôn nơi - Ảnh 3.

Từ khi được gắn thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX cũng đã được các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi biết đến nhiều hơn, giá trị được nâng lên rất nhiều

Cũng theo chị Nhung: Từ khi được gắn thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX cũng đã được các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi biết đến nhiều hơn, giá trị được nâng lên rất nhiều. Đến nay, HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với 8 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền, các đại lý siêu thị ở khắp các tỉnh thành trên cả nước...

Hiện, mô hình sản xuất theo chuỗi của HTX Nhung Lũy doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Không chỉ tâm huyết với sản phẩm mình làm ra, HTX còn thu hút người tiêu dùng bởi tinh thần bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thân thiện, dễ phân hủy.

Theo các thành viên, mục tiêu của HTX hướng đến là những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường nên dù sử dụng bao bì bằng túi giấy hay túi nylon phân hủy sinh học cao hơn nhiều so với loại túi nylon thông thường, nhưng ngược lại bảo vệ được môi trường nên cũng chấp nhận.

Với hướng đi đúng đắn từ liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản địa phương, HTX Nhung Lũy đang ngày càng hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, cho người lao động tại địa phương và giới thiệu các sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn với khách hàng cả nước.