Bắc Kạn: Chế tạo ra loại gối thổ cẩm dược liệu, người phụ nữ đưa hai nét văn hóa của dân tộc Dao vươn xa

Chiến Hoàng-Lam Chi Thứ bảy, ngày 20/11/2021 05:31 AM (GMT+7)
Từ ý tưởng kết hợp giữa văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm của dân tộc Dao, chị Lý Thị Quyên (thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã cho ra đời những chiếc gối thổ cẩm dược liệu. Hiện nay, gối dược liệu mang nét đặc trưng văn hóa bản địa này được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao.
Bình luận 0

CLIP: Sản xuất gối thổ cẩm dược liệu ở HTX Thiên An (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn).

Y hẹn, chúng tôi tìm đến HTX Thiên An tại thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, gặp chị Lý Thị Quyên. Cạnh ngôi nhà 2 tầng khang trang của chị Quyên là một ngôi nhà cấp 4, phía trong có 1 phòng trưng bày sản phẩm, tầng âm được chị tận dụng làm nhà xưởng.

Gặp "Đại sứ văn hóa" của người Dao tại Bắc Kạn - Ảnh 2.

Gặp "Đại sứ văn hóa" của người Dao tại Bắc Kạn - Ảnh 3.

Xưởng sản xuất các sản phẩm liên quan đến thổ cẩm của HTX Thiên An.

Trong phòng trưng bày, giải thưởng, giấy khen, bằng khen nhiều không đếm xuể. Phía dưới những bằng khen, giấy khen ấy là tủ trưng bày các sản phẩm của HTX Thiên An được bài trí khá bắt mắt.

Trong trang phục truyền thống người Dao, chị Quyên nổi bật như một bông chuối rừng giữa đại ngàn. Chị bảo, mình là người Dao, cái mình có nhiều nhất là văn hóa của tộc người mình, có làm kinh tế hay làm gì thì cũng dựa vào đó mà làm thôi.

Gặp "Đại sứ văn hóa" của người Dao tại Bắc Kạn - Ảnh 2.

Phòng trưng bày sản phẩm của HTX Thiên An.

Chị Quyên cho biết, HTX Thiên An khi mới thành lập chủ yếu tập trung sản xuất sản phẩm chuối sấy. Tuy nhiên, do hạn chế về thiết bị máy móc nên sản phẩm không có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Năm 2018, HTX Thiên An chuyển sang sản xuất các sản phẩm thế mạnh của dân tộc Dao. Từ đó, HTX Thiên An đã tạo ra các sản phẩm thuốc tắm người Dao cùng sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu.

"Với sự kết hợp này, chúng tôi vừa có thể quảng bá sản phẩm, đồng thời quảng bá sâu rộng về văn hóa người Dao. Tập trung theo hướng đó, chúng tôi rất thuận lợi khi có một cộng đồng người Dao am hiểu về văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm", chị Quyên chia sẻ.

Theo chị Quyên, do bị hạn chế trong việc thương mại hóa sản phẩm, nên nghề dệt thổ cẩm và làm dược liệu của người Dao dần bị mai một. Qua sản phẩm thuốc tắm và gối thổ cẩm dược liệu, chị mong muốn có thể khôi phục những nghề truyền thống của người Dao. 

Cầm trên tay chiếc gối thổ cẩm dược liệu mới hoàn thiện, chị Quyên kể cho chúng tôi về ý tưởng kết hợp văn hóa dược liệu với văn hóa thổ cẩm để cho ra sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu.

Theo đó, trong một lớp tập huấn tại Bắc Kạn, thầy Hoàng Công (chuyên gia đào tạo về khởi nghiệp) và cô Kim Anh, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) có gợi ý cần tạo ra sản phẩm trên cơ sở tài nguyên văn hóa bản địa không đâu có được.

"Sau đó thầy Công cùng cô Kim Anh có đến tận Vi Hương quê tôi xem nguồn dược liệu cũng như thổ cẩm của người Dao. Thầy cô đã gợi ý kết hợp hai văn hóa đó để tạo thành sản phẩm đặc trưng nhất của người Dao. Khoảng 3 giờ sau khi thầy Hoàng Công và cô Kim Anh rời khỏi HTX, chúng tôi đã lên thiết kế cho mẫu gối thổ cẩm dược liệu của mình," chị Quyên chia sẻ.

Gặp "Đại sứ văn hóa" của người Dao tại Bắc Kạn - Ảnh 5.

Chị Lý Thị Quyên cầm trên tay chiếc gối thổ cẩm dược liệu mới được hoàn thiện.

1 tháng đầu tiên, HTX Thiên An đã làm ra 400 sản phẩm cho khách hàng khắp các miền Bắc - Trung - Nam trải nghiệm. Các phản hồi của khách hàng về sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu đều rất tích cực.

Gặp "Đại sứ văn hóa" của người Dao tại Bắc Kạn - Ảnh 7.

Để ra được sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu phải thực hiện rất nhiều công đoạn, chủ yếu làm thủ công.

Hiện tại, HTX Thiên An có khá nhiều sản phẩm như: Thuốc tắm của người Dao, thuốc xoa bóp, xông hơi, các sản phẩm ga, khăn trải bàn, quần áo liên quan đến văn hóa thổ cẩm... Trong đó, có 4 sản phẩm đã được gắn sao OCOP. Bên cạnh đó, HTX cũng đang có một số sản phẩm khác lập hồ sơ xét công nhận sản phẩm OCOP.

"Chúng tôi đã mang sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 và may mắn được giải 3 toàn quốc cho sản phẩm này", chị Quyên tự hào kể. 

Chị Lý Thị Chiên (người chuyên thiết kế trang phục cách tân của người Dao tại HTX Thiên An) cho biết, cái khó trong việc cải tiến là làm sao để những bộ trang phục truyền thống, khi cách tân có thể phù hợp với các lứa tuổi và được thị trường chấp nhận.

"Thông thường, chúng tôi sẽ phải tính toán để đưa thổ cẩm vào trong trang phục sao cho hợp lý, tôn được vẻ đẹp của trang phục đồng thời vẫn đảm bảo được tính truyền thống cùng với đó vẫn phải hiện đại", chị Chiên cho biết thêm.

Được biết, HTX Thiên An có 15 thành viên, và 30 thành viên liên kết, đều là dân tộc ít người và là người địa phương gồm thanh niên chưa có việc làm, bà mẹ đơn thân, người già… Thu nhập trung bình của các thành viên đều từ 3,5 - 6 triệu đồng/người.

Chị Lý Thị Thu (thôn Thủy Điện, xã Vi Hương) chia sẻ, tuy mới tập việc ở đây được 1 tháng nhưng chị cũng đã quen việc. Công việc ở đây nhàn hơn so với làm nông mà thu nhập cũng ổn định.

Gặp "Đại sứ văn hóa" của người Dao tại Bắc Kạn - Ảnh 8.

Chị Lý Thị Chiên, người phụ trách thiết kế các sản phẩm liên quan đến thổ cẩm của HTX.

"Công việc tại HTX được phân công theo nhóm văn hóa, nhóm chuyên về thổ cẩm, nhóm chuyên làm về dược liệu. Cái khó khăn của chúng tôi là không biết làm cách nào để thị trường biết được những độc đáo của văn hóa Dao được kết hợp trong các sản phẩm", Giám đốc HTX Thiên An băn khoăn.

Theo chị Quyên, chị có nghe việc Bắc Kạn vừa có một sàn thương mại điện tử, tuy nhiên chưa được tiếp cận. Chị Quyên mong muốn sẽ được tập huấn, đào tạo, tiếp cận sàn thương mại điện tử này để quảng bá sản phẩm của mình.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, HTX Thiên An đã chọn cho mình hướng đi rất riêng. Các sản phẩm của HTX đều có nét đặc trưng gắn với văn hóa bản địa, cụ thể là văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm của người Dao. 

"Hiện toàn huyện Bạch Thông có 13 sản phẩm OCOP, dự kiến năm nay sẽ có thêm 6 sản phẩm nữa được công nhận. Về HTX, trên địa bàn huyện có khoảng 29 HTX, các HTX điều hoạt động rất tốt, góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương; có thể kể đến các HTX như: Thiên An, Hợp Giang, Hương Ngàn, Đại Hà…", ông Hưng thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem