Sáng 15/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với một số bộ, cơ quan và địa phương.
Theo Quyết định 1962/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3, kiểm tra 3 bộ, 5 cơ quan và 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.
Nhiều bộ, địa phương đề nghị cho phép kéo dài kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra, tính đến ngày 30/11/2021 giải ngân được gần 28 nghìn tỷ đồng (trên tổng số vốn được phân bổ kế hoạch năm 2021 là hơn 76 nghìn tỷ đồng), đạt tỷ lệ 36,48%.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, tỷ lệ giải ngân của thành phố tăng thêm được 10% trong 3 tháng gần đây. Nhưng đây là con số còn thấp, có nguyên nhân do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, khiến các dự án phải dừng.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Giá vật tư nguyên liệu, chi phí nhân công tăng. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 70% kế hoạch trong năm 2021, ông Võ Văn Hoan cho biết, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang hàng tuần làm việc với các ban quản lý dự án lớn để kiểm tra, đôn đốc tiến độ.
Nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai chủ yếu dành cho dự án sân bay Long Thành. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định, sẽ quyết tâm hoàn thành khối lượng còn lại để quý I/2022 bàn giao mặt bằng còn lại cho triển khai giai đoạn 1 của dự án đặc biệt quan trọng này.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương đề nghị cho phép kéo dài kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022.
Đối với kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, “việc chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước. Trường hợp bất khả kháng Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét quyết định”.
Chia sẻ khó khăn với các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân do dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các dự án ODA vướng do phải tuân thủ trình tự thủ tục, phụ thuộc thiết bị, chuyên gia nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, cùng các khó khăn này nhưng tỷ lệ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau.
“Có những nơi giải ngân rất tốt như ngành Giao thông vận tải giải ngân được hơn 82%. Nên phải thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm kiểm tra, giám sát" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chia sẻ với ngành Tài chính, sức ép cuối năm dồn về Kho bạc Nhà nước rất lớn khi các bộ, ngành, địa phương dồn giải ngân vốn vào cuối năm. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Sớm đưa vốn tới công trình
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chỉ còn hơn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021 trong khi câu chuyện về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chủ yếu liên quan đến xây dựng cơ bản thì cần nhiều thời gian.
Phó Thủ tướng chia sẻ với các địa phương, bộ, ngành về những khó khăn trong năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, năm đầu triển khai nghị quyết Đại hội Đảng XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác, liên tục giao ban với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tình hình. Các bộ, ngành, địa phương cũng phải làm việc sát sao với các chủ đầu tư, nhà thầu, giải quyết mọi khó khăn vướng mắc trong thực tế, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt được tỷ lệ cao nhất có thể.
Về nguyên nhân cũng như bài học cần rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác chuẩn bị dự án chưa được kỹ càng nên khi có quyết định phân bổ vốn thì mới triển khai, nên bị chậm. Phó Thủ tướng nêu rõ, quá trình chuẩn bị các dự án là hết sức quan trọng, cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án năm 2022.
Bên cạnh đó là năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu. Nhiều dự án đầu tư, nhà thầu đã được phân bổ vốn, có mặt bằng, có công trình đang triển khai nhưng chưa tiêu hết vốn. Do đó, việc chọn nhà thầu, kiểm tra tiến độ và xử lý vi phạm hợp đồng cần kiên quyết.
Theo Phó Thủ tướng, một vấn đề nữa là khâu nghiệm thu còn chậm, “nhiều khi dự án đã làm xong, khối lượng đạt hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, nhưng thủ tục nghiệm thu, chuyển sang kho bạc còn chậm”.
Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt quan trọng, gắn với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương để giải ngân dứt điểm, khánh thành các công trình.
Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân tới mức cao nhất. Các bộ cần rà soát, tháo gỡ khó khăn để các địa phương có đủ điều kiện giải ngân, triển khai dự án.
Các địa phương, bộ, ngành với vai trò chủ đầu tư, phải rà soát lại các dự án đầu tư đã được bố trí vốn, còn nhà thầu thì tập trung đôn đốc, động viên huy động thiết bị, con người để tổ chức thi công ngày đêm trên công trường. Các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của các công trình một cách kịp thời, xác định đây là tiền đề quan trọng để các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng dồn vào ngày cuối cùng của năm mới hoàn thiện hồ sơ.
Nhấn mạnh yêu cầu phấu đấu giải ngân ở mức cao nhất, tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm. “Quyết tâm để hoàn thành cao nhất kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, để sớm khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.