Ngày 15/12, Đoàn giám sát HĐND TP.Đà Nẵng đã có báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Tình hình hoạt động của các Ban quản lý dự án (BQLDA) trực thuộc UBND TP và việc triển khai các dự án động lực, trọng điểm gửi kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa 10.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, TP.Đà Nẵng có 76 dự án mang tính động lực, trọng điểm cần tập trung triển khai, tuy nhiên đến nay mới có 7 dự án và 1 dự án thành phần hoàn thành. Việc tiến độ thi công các dự án chậm, kéo dài nhiều năm làm tăng kinh phí, không phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo Đoàn giám sát HĐND TP.Đà Nẵng, BQLDA đã chưa chủ động, kịp thời đề xuất các hạng mục đầu tư có liên quan đến dự án đang triển khai như việc đề xuất xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án… Do vậy quá trình triển khai ảnh hưởng đến công tác giải tỏa đền bù và TĐC, như tại: đường vành đai phía Tây, đường ĐH 2, đường ĐT 601…. Công tác tổ chức đánh giá, lựa chọn nhà thầu còn xảy ra tình trạng khiếu kiện, hủy thầu.
Một số công trình việc đánh giá lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo năng lực thực sự, dẫn đến chậm trễ trong thi công hoặc phải điều chuyển khối lượng sang đơn vị khác, như: đường Vành đai phía Tây (nhà thầu CIENCO 1), đường ĐH 2 (nhà thầu Công ty CP xây dựng dịch vụ và thương mại 68), nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (nhà thầu CIENCO 4). Một số nhà thầu bỏ giá quá thấp, sau khi trúng thầu thì không đủ năng lực tài chính để thi công, làm chậm trễ tiến độ.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát HĐND TP.Đà Nẵng cho hay, việc giao nhiệm vụ, giao dự án cho các BQL còn có sự chồng chéo, chưa đồng đều, đôi khi chưa đúng chuyên ngành, dẫn đến tình trạng có BQLDA bị quá tải, có BQLDA lại không có nhiều việc làm, dẫn đến sự không cân đối với năng lực của đơn vị. Mặt khác, không phát huy được hết năng suất lao động của đội ngũ viên chức, người lao động đơn vị.
Đoàn giám sát HĐND TP.Đà Nẵng cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế, trong đó công tác công tác lập chủ trương đầu tư có nhiều điểm cần phải khắc phục. Chẳng hạn, công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xác định khái toán kinh phí đền bù, tái định cư bước lập chủ trương đầu tư dự án còn sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa sử dụng các cơ sở dữ liệu về đất đai, dân cư, đo đạc…
BQLDA chỉ mới phối hợp bằng văn bản hành chính đến quận huyện, chưa thực hiện kiểm tra hiện trường và tham chiếu các dữ liệu có liên quan dẫn đến khái toán kinh phí đền bù thiếu chính xác, không sát với thực tế, phát sinh tăng nhiều lần trong quá trình thực hiện dự án, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Trong đó có thể kể đến dự án tuyến đường Trục I Tây Bắc đoạn Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A tăng thêm 273 tỷ đồng so với 376 tỷ đồng ban đầu; tuyến đường vành đai phía Tây điều chỉnh lần 1 từ 85,6 tỷ đồng lên 244,5 tỷ đồng, điều chỉnh lần 2 lên 359 tỷ đồng. Đặc biệt, có dự án tăng tổng mức đầu tư lên đến hơn 20 lần, đó là dự án đường vành đai phía Tây 2 tăng 1.800 tỷ đồng so với 87 tỷ đồng dự kiến ban đầu.
Đoàn giám sát của HĐND TP.Đà Nẵng kiến nghị, các BQLDA và cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế còn tồn đọng.
UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức rà soát chấn chỉnh, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc phát sinh kinh phí đền bù lớn ở một số dự án dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đồng thời, công khai các đơn vị tư vấn, nhà thầu thiếu năng lực để xảy ra các sai sót, vi phạm trong thực hiện để có chế tài xử lý, thậm chí không được tham gia đấu thầu các dự án mới. Các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng, xử lý nghiêm những hành vi gây thất thoát, lãng phí…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.