Sẽ có thêm những dự án lớn
Trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng 16.12, ông Hong Sun nói: Chuyến thăm đã đạt được những kết qủa tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội đã gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao nhất của Hàn Quốc như Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug và Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhưng ông lại có chuyến thăm Australia cùng thời gian đó.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký nhiều thoả thuận hợp tác và trao đổi nhiều chứng nhận đầu tư, trong đó có những dự án đầu tư rất lớn, như Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vật liệu thiết bị bán dẫn của Tập đoàn Amkor trị giá 1,6 tỉ USD hay Thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư các dự án mới của Tập đoàn Deawoo tại Việt Nam trị giá lên tới 2 tỉ USD.
Ông Hong Sun ghi nhận một dấu ấn đặc biệt là hai bên đã ký kết Hiệp định về bảo hiểm xã hội song phương. Hiệp định hướng đến mục tiêu tránh đóng BHXH hai lần và cách tính cộng gộp thời gian theo quy định của pháp luật mỗi nước để làm cơ sở hưởng chế độ hưu trí. Các quy định này sẽ tối ưu hóa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động Hàn Quốc khi đi làm việc tại Việt Nam.
Chuyến thăm cũng có nhiều dấu ấn quan trọng với các nhà đầu tư Hàn Quốc – ông Hong Sun nói. Trong chuyến thăm có 3 sự kiện lớn về kinh tế: Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Hàn; Toạ đàm bàn tròn của Chủ tịch Quốc hội với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc; và các cuộc gặp của Chủ tịch quốc hội với lãnh đạo các tập đoàn.
Phó Chủ tịch KORCHAM cho biết: Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mong mong muốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực năng lượng, sắp tới có những dự án năng lượng trị giá 3 -6 tỷ USD. Hai bên cũng nhất trí tập trung hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số. Việt Nam chưa có nền tảng số mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng có giới trẻ năng động, sẵn sàng phát triển phần mềm. Hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực này với nhiều kết quả tốt đẹp, chẳng hạn tạo ra một công ty hàng chục tỷ USD phát triển phần mềm và ứng dụng.
"Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm có thể dẫn đến những đầu tư mới vào Việt Nam" – ông Hong Sun nói.
Nếu đình trệ thì khủng hoảng còn nặng nề hơn
Ông Hong Sun cho rằng, điều quan trọng nhất với quan hệ kinh tế Việt – Hàn lúc này là việc mở cửa đường bay quốc tế.
"Nếu đường bay giữa hai nước cho phép đi lại thoải mái như trước đây thì nhiều doanh nghiệp sẽ vào Việt Nam. Chúng tôi đang tính toán và chờ đợi các bước đi của Chính phủ Việt Nam".
Ông nhắc tới việc đường bay với Seoul ban đầu dự định được nối lại vào 15/12, nhưng hiện nay các bộ ngành đã quyết định lùi đến 1/1/2021 để chờ đợi tiêu chí mới về hướng dẫn y tế với khách nhập cảnh.
"Chủ tịch Quốc hội đã thông báo việc Việt Nam thí điểm mở lại đường bay quốc tế với một số nước bao gồm Hàn Quốc. Nhiều doanh nhân và công dân Hàn Quốc, những người muốn đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm khi nào bắt đầu có chuyến đó. Phải có ngay thì mới tốt cho mọi người"
(Phó Chủ tịch KORCHAM Hong Sun)
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phân tích, du khách đã tiêm 2 mũi, đã kiểm tra PCR, bản thân họ cũng e ngại khi Việt Nam phát sinh nhiều ca bệnh mới, nhưng đó là tình hình chung của tất cả các nước, không chỉ của Việt Nam: "Virus không có biên giới. Nếu không có sự cởi mở, không có đối sách mới thì kinh tế Việt Nam và nhiều nước khác sẽ càng khó khăn hơn Đây là thời điểm để xem xét lại, tìm đối sách mới vừa an toàn vừa phát triển kinh tế".
Ông cho rằng, một quốc gia vừa có thể phòng chống dịch vừa có thể thoải mái đi lại: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nói chúng ta phải sống chung với Covid. Dù ở Hà Nội dịch đang gia tăng, nhưng chúng ta luôn cẩn thận duy trì 5k. Tỷ lệ được tiêm vaccine đã khá cao. Cần tiếp tục tiêm chủng và duy trì hoạt động kinh tế.
"Nếu đình trệ thì sau này hậu quả khủng hoảng kinh tế còn nặng nề hơn nữa. Đó là vấn đề chung của cả thế giới. Việt Nam hãy yên tâm tự tin mở cửa đón nhận các nhà đầu tư mới".
Doanh nhân Hàn Quốc nói thêm rằng, hiện nay rất nhiều hãng hàng không, các doanh nghiệp, các nhà hàng khách sạn đối mặt với khó khăn, muốn giải quyết thì cần FDI mới, hàng triệu lao động Việt Nam mới có thể tiếp tục làm việc.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương phấn đấu đến năm 2023 thương mại song phương sẽ đạt mốc 100 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng và đến năm 2030 phấn đấu đạt mục tiêu 150 tỷ USD. "Để đạt được mục tiêu đó, hai nước cần tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau, trong đó việc mở cửa đường bay, cấp visa đi lại thuận tiện rất quan trọng cho đầu tư".