Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xin chúc mừng chị được giao nhiệm vụ Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao trong năm qua, dù điều đó cũng có nghĩa là khối lượng công việc của chị càng lớn hơn và nhiều thử thách phía trước hơn. Chị có thể tiết lộ, công việc của Người phát ngôn thay đổi thế nào trong thời Covid-19?
- Đúng là Covid-19 làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, từ sinh hoạt đến công việc. Nhưng nó cũng khiến chúng ta phải linh hoạt và thích ứng. Còn nhớ năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, chúng tôi đã đề xuất và lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhất trí để tổ chức họp báo trực tuyến ngay đợt giãn cách xã hội đầu tiên. Những trải nghiệm mới mẻ ngày nào giờ đây đã trở nên thường xuyên và đã "quen tay" đối với chúng tôi. Bộ Ngoại giao chưa hoãn hủy cuộc họp báo nào cho dù phải giãn cách toàn xã hội.
Do dịch bệnh, các nước thay đổi chính sách xuất nhập cảnh và đi lại nên phóng viên nước ngoài không vào được Việt Nam và ngay cả phóng viên tại Việt Nam cũng hạn chế di chuyển, đối với phóng viên nước ngoài có nhiều hãng còn yêu cầu làm việc tại nhà, tránh tối đa ra ngoài để hạn chế lây nhiễm. Vì vậy thông tin về Việt Nam hơn lúc nào hết phải do chúng ta chủ động cung cấp. Thông tin của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Bộ, Ngành cũng như trên báo chí Việt Nam, nhất là báo chí đối ngoại là kênh truy cập, tham khảo quan trọng cho báo chí cũng như công chúng bên ngoài.
Với nhận thức đó, chúng tôi nỗ lực duy trì các hình thức thông tin, từ họp báo trực tuyến, chủ động gửi thông cáo báo chí. Các cuộc họp chuyên môn hay trao đổi với các đối tác là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao các nước cũng được tiến hành trực tuyến.
Một năm rưỡi qua, nội dung quan tâm của dư luận cũng có nhiều thay đổi, hàm lượng nội dung về Covid-19 luôn chiếm 1/3 số câu hỏi đối với Người phát ngôn, liên quan đến bảo hộ công dân, chính sách xuất nhập cảnh, chính sách đối với người nước ngoài và bây giờ là vấn đề vận động ngoại giao vaccine.
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, công việc của chúng tôi cũng phải chuyển đổi nhanh chóng và thực chất. Có thể nói, cường độ làm việc cao hơn, bất kể giờ giấc khi phục vụ các cuộc họp trực tuyến, điện đàm liên tục của lãnh đạo cấp cao và của lãnh đạo Bộ để duy trì và thúc đẩy quan hệ đối ngoại đa phương và song phương, đẩy mạnh vận động ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine…
Chúng tôi cũng đã quen với việc theo dõi thông tin các chuyến bay đưa công dân ta từ nước ngoài về từ lúc bà con ra làm thủ tục ở sân bay cho đến lúc hạ cánh an toàn để thông tin cho báo chí kịp thời, rồi phối hợp xử lý thông tin trong các tình huống phát sinh làm sao để không thành khủng hoảng. Cho đến nay chúng ta đã tổ chức 800 chuyến bay đưa hơn 200 ngàn người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Đó là nỗ lực vô cùng lớn lao của các đồng nghiệp chúng tôi ở Cục Lãnh sự, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, nhất là các địa bàn trong tâm bão dịch bệnh. Chúng tôi đã cố gắng cùng các cơ quan báo chí ta truyền thông cho người dân trong và ngoài nước hiểu và hy vọng là sẽ có lúc các câu chuyện bếp núc, hậu trường sẽ được tiết lộ.
Thế rồi đi công tác nước ngoài trong điều kiện "bình thường mới" cũng rất khác, phải chuẩn bị hành trang rất đặc biệt: Có chuyến công tác 30 giờ ở nước bạn nhưng sau đó là 7 ngày cách li và 7 ngày theo dõi sức khỏe, là thử Covid 5 lần trong 8 ngày, là lên máy bay trong bộ đồ bảo hộ y tế, là nhìn thấy bạn bè đồng nghiệp mà chỉ vẫy tay từ xa…
Dịch bệnh diễn biến phức tạp đến mấy thì dòng chảy thông tin cũng không ngừng trệ. Công việc của tôi và các đồng nghiệp cứ thế nhiều thêm mỗi ngày và dần đi vào trạng thái "bình thường mới".
Phòng làm việc của Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đặt ở toà nhà của Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao trên đường Chu Văn An rợp bóng cây. Một bức ảnh ruộng bậc thang khổ lớn trên tường, một chậu cây cảnh chị mang theo khi chuyển từ Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài sang làm việc tại Vụ thông tin Báo chí – có lẽ là những thứ trang trí duy nhất trong căn phòng đầy sách vở, tài liệu, mà chị nói đó là những "điểm dừng" đầy xoa dịu giữa lúc làm việc căng thẳng. Một tập thiếp chúc mừng năm mới bằng nhiều thứ tiếng vẫn được giữ lại. Một vài lốc sữa, ít bánh kẹo, trà, chắc là để cho những lúc làm việc quá giờ vốn không hiếm hoi.
Chỉ riêng vai trò là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, dường như chị đã luôn ngồi "ghế nóng", bởi hình ảnh của Người phát ngôn được truyền đi khắp thế giới với những phát ngôn chính thức đại diện cho quốc gia. Chị có cảm thấy áp lực không?
- Nói là áp lực cũng đúng, đầu tiên là áp lực trước trách nhiệm của mình. Người phát ngôn với quy định chức năng nhiệm vụ là đưa ra lập trường chính thức của Việt Nam, mà có rất nhiều vấn đề vượt khỏi khuôn khổ Bộ Ngoại giao hay lĩnh vực đối ngoại, tôi phải nêu quan điểm, giải toả sự quan tâm của mọi người. Đã là lập trường chính thức trước tiên không được nói sai, không có cơ hội sửa sai khi đứng bục trả lời câu hỏi của phóng viên, đó là cơ hội duy nhất.
Thêm nữa là áp lực hình ảnh, có nhận xét hình ảnh người phát ngôn quá căng thẳng, trong khi bên ngoài mọi người nói trông chị trẻ thế, khác thế. Hình ảnh của người phát ngôn không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, bản lĩnh, mà mọi người còn kỳ vọng phải đẹp nữa, đó là những áp lực luôn đè lên vai tôi.
Để giải toả những áp lực đó, trước tiên tôi phải luôn làm tròn trách nhiệm. Tôi đọc rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều thông tin và phải "a lô" cho nhiều người. Vụ Báo chí có bộ phận "hậu thuẫn" cho Người phát ngôn, ngoài ra còn các vụ khác của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài và cả từ các bộ, ban, ngành, địa phương. Chúng tôi như cái phễu thông tin, thông tin từ nhiều nguồn, trong nước, quốc tế, trên các nền tảng mạng xã hội, thì chúng tôi phải hấp thụ thế nào, cập nhật thế nào, thể hiện quan điểm, lập trường, cách xử lý của Việt Nam, chủ trương chính sách của Việt Nam, kể cả trong những vấn đề ngoài khuôn khổ đối ngoại như bảo vệ môi trường, tôn giáo, những câu hỏi liên quan đến du lịch, dịch bệnh, an ninh – quốc phòng các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, người đồng tính, song tính và chuyển giới, sinh hoạt của phạm nhân người nước ngoài trong các trại giam…
Ngoài những câu chuyện chủ trương chính sách, tôi còn phải trang bị những kiến thức xã hội. Tôi không bao giờ muốn đi theo lối mòn. Tôi chia sẻ thật là trong mỗi phát biểu, mỗi câu trả lời, tôi đều đặt mình ở vị trí của báo chí, công chúng, họ muốn nghe ở mình cái gì nhất, có thể từ này ý này báo chí có thể "giật tít" đây thì phải tìm câu chữ để làm nổi thông điệp của mình. Tất nhiên có những vấn đề phải nói đi lại nhiều lần vì nguyên tắc, vì không thể thiếu trong các lập luận nhưng nếu có thêm thông tin cho phóng viên thì tôi luôn cố gắng đáp ứng.
Về hình ảnh tôi cũng cố gắng ngày một cải thiện hơn. Tôi nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè đồng nghiệp, cả những người không thân thiết, trực tiếp hay qua Facebook, rằng tôi đã bớt căng thẳng hơn, ngày càng có nhiều ảnh đẹp hơn. Mình phải nỗ lực lớn từ bản thân, áp lực lớn phải giải toả từ chính mình, nhưng cũng không thể không có đồng đội, sự hỗ trợ của lãnh đạo, những người đi trước, kể cả những cán bộ rất trẻ với cái nhìn rất mới mẻ để giúp mình tự hoàn thiện bản thân.
Ngoài ra còn áp lực về khối lượng, thời gian công việc, đó là thông tin thông tin 24/7, là múi giờ khác biệt. Ví dụ trong nhiệm kỳ Việt Nam là thành viên không thường trực HĐBA LHQ, trong đó có 2 tháng Chủ tịch HĐBA, buộc lòng chúng tôi phải chờ đợi tin tức, kết quả, để cung cấp cho phóng viên trong nước trong khi múi giờ Hà Nội và New York cách nhau 11-12 tiếng. Các phát biểu của lãnh đạo ta tại diễn đàn quốc tế phải phù hợp với giờ của nước chủ nhà, chúng tôi phải trực đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác.
Khối lượng công việc của chúng tôi rất lớn. Một năm phát ra khoảng 1.500 tin, nếu không có Covid-19 thì làm thủ tục cho 2000 – 3000 phóng viên nước ngoài, riêng năm APEC là 4.000 phóng viên, riêng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là 3000 phóng viên, phải giải quyết thủ tục trong thời gian ngắn, khối lượng lớn nhưng chúng tôi rất tự hào là đã hoàn thành được công việc đó, với chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu và được ghi nhận tích cực.
Có điều gì mà chị thấy mình có được khi là Người phát ngôn?
- Đấy là bản lĩnh. Người phát ngôn phải có bản lĩnh, không chỉ trong công việc, mà trong các mối quan hệ xã hội cũng vậy. Có nhiều vấn đề Người Phát ngôn được hỏi và phải trả lời thì phải có hiểu biết về mọi lĩnh vực xã hội, phải có những mối quan hệ xã hội nhất định mới xử lý được, mới làm tốt trách nhiệm Người phát ngôn. Bản lĩnh đứng trước câu hỏi khó, xử lý vấn đề vượt khuôn khổ Bộ Ngoại giao, bản lĩnh dám chịu trách nhiệm với câu trả lời của mình – tôi luôn ý thức về điều đó.
Ngoại giao là lĩnh vực rất sự tinh tế, nhạy cảm mà nhiều lúc người ngoài không hiểu hết. Vì thế các phóng viên theo dõi đối ngoại của Việt Nam đánh giá cao Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng bởi sự cởi mở của chị. Có câu hỏi nào "tế nhị", cần tìm hiểu thông tin, phóng viên có thể gọi trực tiếp và chị sẵn sàng chia sẻ để giải toả thắc mắc, để hai bên cùng hiểu nên xử lý thông tin đó ở mức độ nào là thích hợp. Hoặc chị cũng sẵn sàng giới thiệu, kết nối đúng người mà phóng viên cần phỏng vấn. Ngay cả lúc chị bận rộn nhất khi phải tham gia liên tiếp những cuộc họp về giải cứu người Việt mắc kẹt ở nước ngoài trong dịch Covid-19, phóng viên chúng tôi gọi điện, chị cũng vẫn nghe hoặc gọi lại.
Quan niệm làm việc của chị với phóng viên như thế nào ở nghề nghiệp, vị trí nhạy cảm này?
- Tôi luôn cởi mở với anh chị em phóng viên trong nước, nước ngoài, trợ lý các văn phòng báo chí nước ngoài. Tôi chưa từ chối số điện thoại của bất kỳ ai, chưa từ chối cuộc điện thoại nào từ phóng viên, nếu bận tôi sẽ nhắn tin và gọi lại. Phóng viên đã gọi điện là rất cần mình, thông tin có thể lấy từ nhiều nguồn, nhưng hỏi Người phát ngôn là phóng viên cần thông tin chính thức, chính xác, mà bản thân tôi mong muốn và thấy là nên làm như thế. Khi có chút lăn tăn cần giải thích, thì các bạn hãy làm điều đó từ trước khi lên bài, để đến khi lên rồi thì xử lý sẽ khó hơn.
Phóng viên, nói văn hoa hơn, không chỉ đối tác, mà chúng ta là đồng đội, sứ mệnh của chúng ta thong tin đến công chúng, đó là sứ mệnh chung. Là đồng đội phải chia sẻ, hỗ trợ, thậm chí có lúc phải hy sinh cho nhau. Tại sao tôi nói vậy? Vì có lúc tôi biết, thông tin đó nếu "giật tít" sẽ thu hút được nhiều người xem, nhiều "view" chỉ cần xác nhận của tôi để đưa lên, trích dẫn, nhưng khi tôi trao đổi rằng chưa phải lúc thích hợp thì mọi người sẽ tạm dừng. Tôi biết ơn những người đồng đội đó.
Có tình huống nào trong nghề mà chị thấy khó xử?
- Đấy là khi tôi phải nói không, phải từ chối. Đứng trước quan tâm của anh chị em nhưng chưa thể nói ngay được, có khi phải từ chối câu hỏi. Với báo chí nước ngoài cũng vậy, có những tình huống khó, những vấn đề tế nhị, thời điểm chưa phù hợp. Ví dụ khi có vấn đề trên báo nước ngoài không phù hợp, mình phải xử lý sao cho hài hòa, lợi ngoài thuận trong. Quan trọng là cảm hóa và chia sẻ, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Có câu hỏi nào với chị là nhạy cảm?
- Nhạy cảm hay không không phụ thuộc nội dung, mà là thời điểm đặt câu hỏi, lúc khác có thể trả lời, nhưng lúc này thì không. Tôi tôn trọng các phóng viên, vì họ đặt câu hỏi nghĩa là họ quan tâm tìm hiểu và đã có kế hoạch viết bài. Nhưng nếu vấn đề chưa phù hợp thời điểm, điều kiện chưa cho phép, tôi trao đổi thẳng thắn và các phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài thường trú ở đây, họ rất hiểu điều đó.
Thông tin ngày nay đã rất cởi mở, rộng rãi. Báo chí nước ngoài như người bạn lâu năm. Tôi làm lĩnh vực báo chí nước ngoài hơn 25 năm, có những anh phóng viên thường trú nhiều khoá, thậm chí cha họ đã từng làm thường trú ở đây, tuổi thơ của họ ở đây, họ như người bạn với tôi. Họ là đối tác quan trọng, hiệu quả, tại sao không cởi mở, thân thiện, biến họ thành bạn của chúng ta.
Phóng viên nước ngoài nhìn chung hợp tác trên cơ sở cởi mở, rõ ràng, họ quan niệm một số giá trị khác biệt, nhưng nếu chia sẻ thẳng thắn, nêu rõ giới hạn đỏ, nếu là phóng viên hãng lớn, có uy tín thì họ cũng đáp lại bằng sự cởi mở hoặc tôn trọng luật lệ (rule based). Quả thực, tôi không thấy lúng túng với những câu hỏi đó. Thông tin mình nhiều, đầy đủ, cởi mở, công khai, mình có chính nghĩa và chân lý, tôi có thể nêu lập trường chính thống của Việt Nam và có dẫn dụ, chứng minh để thuyết phục họ.
Tuy nhiên chị có biết nhiều khi công chúng cảm thấy thất vọng khi Người phát ngôn "quan ngại" về vấn đề nào đó mà họ rất quan tâm, chẳng hạn như tình hình Biển Đông?
- Cá nhân tôi không hay dùng từ này. Song cần hiểu cách dùng từ trong các vấn đề chính thức cần cân nhắc kỹ càng, đặt trong nhiều chiều, đối nội nhìn ra đối ngoại trông vào, phải nâng lên đặt xuống, phải tìm ngôn ngữ dễ hiểu, phải chính xác, không được sai.
Bản thân từ đó có nội hàm quan trọng. Có những vấn đề Việt Nam chỉ quan tâm theo dõi, không dính líu, trung dung hơn. Còn quan ngại là quan tâm và lo ngại, là sắc thái thể hiện thái độ của mình. Ngay cả phát biểu về Biển Đông thì Người phát ngôn cũng lên tiếng ở nhiều tầng nấc khác nhau, bối cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, nhưng nguyên tắc là thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam và bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chị có cảm xúc thế nào khi lên tiếng về Biển Đông và chủ quyền đất nước?
- Vấn đề chủ quyền không chỉ là lợi ích cốt lõi của quốc gia, mà còn rất thiêng liêng, chạm tới trái tim của mỗi người dân. Đó không chỉ liên quan đến vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc mà còn liên quan đến sinh kế của những người bình thường như các ngư dân ngoài biển. Nên khi phát biểu phải chặt chẽ, chính xác, có những khi lựa chọn thời điểm phù hợp. Cá nhân tôi khi phát biểu về chủ quyền thì đó là trách nhiệm rất lớn, vừa là tâm, vừa là trí nữa.
Chủ quyền không chỉ người dân trong nước mà cả người gốc Việt, dù xa đất nước bao nhiêu nhưng họ vẫn coi chủ quyền là thiêng liêng, là vấn đề của họ. Trong những năm qua có một số đoàn kiều bào thăm Trường Sa, sau khi họ đi các điểm đảo, nhà giàn, đã có nhiều thay đổi cơ bản cả về nhận thức lẫn hành động, những người đi về trở thành thông tin viên đến cho cộng đồng ở nước sở tại. Đó là nhân chứng sống động nhất.
Trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đã hình thành nhiều phong trào hướng về Trường Sa, vì biển đảo, và bà con tham gia, đóng góp rất tích cực. Quan trọng nhất là tình cảm bà con dành cho những người trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền. Tôi chứng kiến nhiều chị, nhiều cô đi thăm chiến sĩ, gia đình người dân sinh sống trên các đảo, họ đã ôm chiến sĩ vào lòng một cách rất tự nhiên, gọi các chiến sĩ là con. Các phóng viên người gốc Việt đi thăm Trường Sa cũng phản ánh chân thực cuộc sống nơi biển đảo, qua đó cộng đồng dù có mặc cảm điểm này điểm khác nhưng với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngày càng có niềm tin vào chúng ta. Không phải vì tôi nói hay, ngoài những phát ngôn chặt chẽ, đủ lập luận, có sức thuyết phục hơn thì có những cách tiếp cận, phương tiện khác để làm cho người dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và chung tay.
Công tác trong ngành ngoại giao hơn 20 năm, hầu hết thời gian ở Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng luôn quan tâm đến việc đưa hình ảnh Việt Nam mới đến với người Việt Nam ở xa Tổ Quốc hay người nước ngoài. Thời gian công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, chị đã làm luận án thạc sỹ truyền thông quốc tế về xây dựng hình ảnh Việt Nam mới. Một khảo sát của chị khi làm đề tài cho thấy, giới trẻ ở Anh rất hào hứng được đến Việt Nam khi họ biết tới những hình ảnh về một đất nước với thiên nhiên phong phú, ẩm thực nổi tiếng, con người thân thiện. Cũng vì thế mà qua công việc của mình là làm việc với giới báo chí, truyền thông nước ngoài, chị rất cố gắng và tạo điều kiện cho các nhà báo đi thăm Việt Nam, các nhà làm phim nước ngoài tới Việt Nam, hay đưa những sự kiện quốc tế tới Việt Nam – chẳng hạn như giải đua thuyền buồm không chuyên lớn nhất thế giới Clipper Race 2015 do Anh tổ chức tại Đà Nẵng. Những gì chị Hằng làm không chỉ từ công việc của một người làm ngoại giao, mà còn là của một người quan tâm và đam mê văn hoá, nghệ thuật, các giá trị sống.
Chị được đi nhiều nơi trên thế giới. Vùng đất nào chị muốn trở lại? Giá trị văn hóa nào mà chị ngưỡng mộ? Con người nào làm chị ấn tượng?
- Tôi có thể tự hào mình đi được 5 châu, nhiều nước, nhiều nền văn hoá khác nhau, gặp rất nhiều người. Mỗi dân tộc mỗi quốc gia có giá trị văn hoá rất quý giá, khi tiếp cận rồi mới thấy nó thú vị, kỳ diệu thật, và hiểu tại sao nó là giá trị của dân tộc đó. Tôi có 2 nhiệm kỳ công tác dài ở Nga và Anh. Cả 2 đất nước có những giá trị mà nhân loại phải thừa nhận.
Tôi gắn bó với nước Nga vì tiếng Nga là ngôn ngữ tôi học từ bé. Nước Nga của những áng thi ca và các tác phẩm nghệ thuật bất diệt. Tôi đã đọc hầu hết các tác giả Nga và Liên Xô, đi thăm các bảo tàng Tretchiacov và Hermitage nhiều lần. Nhưng nước Anh để lại trong tôi nhiều ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đó không chỉ là cái nôi của văn minh châu Âu mà còn là văn hóa đa sắc tộc, hiện đại nhưng cũng rất bản sắc.
Về mặt tình cảm, tôi gắn bó với nước Anh vì ở đó tôi đã gặp nhiều người, dù là người gốc Việt hay người Anh, mỗi người tôi gặp là một câu chuyện, một số phận, nhất là những phụ nữ gốc Việt, mà tôi thương quý, gần gũi, họ trở thành những người chị, người bạn, người em của của tôi. Tôi còn ấp ủ mình sẽ viết một cuốn sách gồm những câu chuyện về số phận những người phụ nữ mà mình gặp, đã chia sẻ trong cuộc đời.
Chồng sách trong phòng làm việc của chị không chỉ có sách về nghề nghiệp, về các lĩnh vực liên quan đến công việc của chị, mà có cả thơ nữa. Chị thích đọc thơ hay sao?
- Thật ra thì tôi thích đủ thứ. Công việc có say mê mới làm tốt được. Nhưng ngoài công việc ra thì tôi thích các hoạt động giúp mình cân bằng trong cuộc sống, làm mới lại cả tâm hồn, trí óc và thể chất. Tôi thích thể thao, văn hoá. Tôi chơi tennis, hàng ngày đi bơi, tham gia các hoạt động văn hoá, xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Hồi ở Nga, tôi đã đi các nhà hát nổi tiếng nhất ở Mátxcova, ở London đi xem hầu hết các vở nhạc kịch của sân khấu West End. Còn ở Việt Nam thì tôi rất thích đi xem những vở diễn đương đại, có tính sáng tạo như Ballet Kiều, nhạc kịch Những người khốn khổ, các chương trình của các tài năng trẻ… Bây giờ có lẽ bị văn hoá mạng hút mất thời gian, nhưng tôi thích đọc từ nhỏ, đọc rất nhiều, từ Ngõ hẻm dưới Ánh trăng, Bức thư người đàn bà không quen biết, Đồi gió hú, Hội chợ Phù hoa… đến hầu hết tác phẩm trong tủ sách Liên Xô của NXB Cầu vồng và thấy văn học tạo cho mình phông nền rất tốt. Bây giờ quỹ thời gian hẹp hơn nên tôi đọc có chọn lọc hơn. Tôi cũng rất thích thơ, có khi chỉ đọc trong vài phút rảnh rỗi, nhưng rất nhẹ nhàng và đầy cảm xúc…
Xin cảm ơn chị!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.