Không giống như dạy văn hóa, dạy nghề, đặc biệt dạy nghề nông nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn bắt buộc phải dạy theo hình thức "cầm tay chỉ việc", dạy thực hành. Theo quy định khối lượng thời gian thực hành trong đào tạo nghề chiếm 70%. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cả Trường trung cấp Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) gặp khó khăn.
Mặc dù dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều trường dạy nghề phải ngừng hoạt động đào tạo nhưng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo.
Cô Nguyễn Thu Trang - Giáo viên dạy môn Thú Y, hiện là giáo viên dạy lớp trung cấp Thú y K 6A cho biết lớp có 30 học sinh, 80-85% học sinh là người Hà Tĩnh, đã và đang đi làm. Số còn lại là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
"Dịch Covid-19 khiến việc dạy và học bị ngưng trệ, dù vậy nhà trường vẫn cố gắng triển khai dạy học online, qua đó tạo điều kiện, đảm bảo tiến độ học tập, tốt nghiệp, tìm việc làm cho học sinh, sinh viên và lao động", cô Trang nói.
Thực tế việc học online đáp ứng tốt cho công tác phòng dịch, giúp học sinh vừa học vừa làm gia tăng thu nhập, chương trình học không bị gián đoạn nhưng cũng gây nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên.
Khó khăn lớn nhất là các em không được thực hành, hướng dẫn trực tiếp kiểu "cầm tay chỉ việc". Chính bởi vậy các thầy cô phải quay video, chụp ảnh gửi các em, hướng dẫn các em thực hành qua mạng. Sau đó, các học sinh thực hành và quay clip gửi lại các thầy cô, các thầy cô xem và tiếp tục trao đổi, hướng dẫn thêm.
"Chúng tôi khuyến khích các em thực hành trên chính vật nuôi trong gia đình, có thể mua thêm về nuôi. Trong quá thực hành có thể giải phẫu con vật kiểm tra và điều trị bệnh. Sau đó học sinh có thể quay video để thầy cô kiểm tra và hướng dẫn thêm", cô Trang nói.
Để việc dạy nghề cho lao động nông thôn được hiệu quả, các thầy cô phải xây dựng giáo trình, giáo án phù hợp với từng đối tượng người học. Với học sinh đã có nghề, giáo trình chia sẻ có thể đơn giản hơn. Tuy nhiên với học sinh mới (năm 1) là người dân tộc thiểu số, chưa từng có kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc thú y thì cần dạy đầy đủ, chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời, các thầy cô cũng cần lựa chọn ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi hơn giúp người học tiếp thu nhanh, hiệu quả hơn.
Học sinh Nguyễn Quỳnh Trang, 28 tuổi (Hà Tĩnh), học sinh lớp Trung cấp thú Y 6A cho biết: "Dù học online nhưng các thầy cô vẫn truyền đạt nhiều kiến thức. Đặc biệt, chúng tôi vẫn được hướng dẫn thực hành cụ thể qua chính các vật nuôi trong gia đình, hàng xóm".
Trang dự định kết thúc lớp học này cô sẽ vay vốn tự mở cửa hàng bán thuốc thú y tại nơi cô sinh sống.
"Trong những năm qua, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã đào tạo được 604 lớp với tổng số 20.879 học viên, trong đó: đào tạo trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên được 579 lớp với tổng số 19.741 học viên; đào tạo hệ trung cấp được 25 lớp với 1.138 học sinh; tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp cho 792 học sinh".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lưu Đăng Khoa - Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nông dân Việt nam cho biết mặc dù gặp khó khăn nhưng nhà trường vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Các lớp dạy nghề trung cấp vẫn được duy trì. Riêng lớp sơ cấp, dạy nghề ngắn hạn 3 tháng cho nông dân đang phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Hiện nay chúng tôi vẫn thực hiện đào tạo online với các ngành đạo tạo hệ sơ cấp, trung cấp thường xuyên. Riêng với các lớp dạy nghề nông dân ở vùng sâu, vùng xa thì phải tạm dừng học tập, đợi khi hết dịch mới triển khai lại tiếp", ông Khoa nói.
Quan điểm của nhà trường là vẫn thực hiện đào tạo, với vùng không có dịch. Riêng với các vùng có dịch thì căn cứ tình hình thực tế để dạy học. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay một số tỉnh thành như: Tuyên Quang, Hà Tĩnh... đang yêu cầu giáo viên phải cách ly 7 ngày nếu tới dạy học vì thế việc dạy nghề cho nông dân ở các tỉnh thành này không triển khai được.
"Khó khăn nhất lúc này chính là đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con nông dân, vì bà con không quen công nghệ thông tin, không có thiết bị học online cũng không thể thực hành qua máy tính được", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường giảm nhiều. Năm nay, nhà trường phấn đấu đạt 80% kế hoạch tuyển sinh so với năm học 2020 - 2021 (tổng 10 lớp). Hiện tại nhà trường đã đào tạo được 3 lớp sơ cấp và 2 lớp trung cấp. Từ giờ tới cuối năm dự kiến nhà trường sẽ mở đào tạo thêm 5 lớp dạy nghề cả trung cấp, sơ cấp cho nông dân nhằm hoàn thành mục tiêu đào tạo.
Trước đó, năm học 2020-2021, nhà trường tuyển sinh được 13 lớp trình độ sơ cấp với 455 học sinh, học viên và 2 lớp trung cấp với 80 học sinh, học viên. Về kết quả đào tạo, theo thống kê bước đầu có 188 học sinh, học viên tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ tốt nghiệp loại đạt; 30% học sinh tốt nghiệp xuất sắc, Giỏi; Khá đạt 69,82%; Trung bình khá đạt 0,18%.
Trước mắt, nhà trường đào tạo lý thuyết bằng dạy online, đào tạo thực hành sau khi được dạy lại. Hiện nay nhà trường cũng chuẩn bị kế hoạch đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.