Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp khó vì thiếu kinh phí
Thiếu kinh phí, nhiều địa phương gặp khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 02/12/2021 05:57 AM (GMT+7)
Mặc dù đã vào thời điểm cuối năm nhưng nhiều địa phương vẫn không thể hoàn thành mục tiêu chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, lý do chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiếu kinh phí.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thành có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đầu năm, tỉnh này đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn, tuy nhiên dù ở thời điểm đã là hết tháng 11/2021 thì tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành được mục tiêu.
Đại diện phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và nguồn kinh phí chậm. Vì thế, phần lớn số lao động được đào tạo nằm trong chương trình đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn 3 tháng. Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhưng không đáng kể, chủ yếu học lồng ghép với chương trình đào tạo nghề sơ cấp.
"Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất thiết thực nhưng càng về sau càng khó triển khai. Lý do chính là bởi quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, kinh phí hạn chế", đại diện phòng dạy nghề nói.
Theo báo cáo kiến nghị của Sở LĐTBXH tỉnh này, nhiều điểm trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã không còn phù hợp. Ví dụ như đơn giá đào tạo thấp; chương trình học chưa phù hợp, một số chương trình đào tạo ngắn ngày không đảm bảo chất lượng dạy...
Tương tự tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Thái Bình cũng gặp một số khó khăn trên. Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Hồng Giang - Trưởng phòng Dạy nghề sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình cho biết, khó khăn lớn nhất trong dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn là thiếu kinh phí.
"Năm 2021, Sở LĐTBXH cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp triển khai công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, công tác phối hợp gặp nhiều khó khăn. Bản thân nguồn kinh phí về cũng chậm", ông Giang nói.
Không có kinh phí nên toàn tỉnh không đào tạo được lớp dạy nghề nào cho lao động nông thôn. Tỉnh chỉ đào tạo được một số lớp dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề sơ cấp dưới 3 tháng. Một số huyện có ứng kinh phí trước để đào tạo nhưng không nhiều, kinh phí chỉ trên dưới 100 triệu nên hoạt động đào tạo nghề không đảm bảo mục tiêu. Các lớp dạy nghề ngắn hạn chủ yếu là đào tạo nghề lái xe.
1,3 triệu lao động được đào tạo nghề ngắn hạn
Đơn vị quản lý nhà nước về dạy nghề, tháng 8/2021 Tổng cục GDNN cũng đã tham mưu cho Bộ LĐTBXH có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 gửi các địa phương.
Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo nghề, bên cạnh đó đa dạng các ngành nghề cần dạy cho lao động nông thôn.
Văn bản cũng đề nghị địa phương công khai, minh bạch số liệu phân bổ kinh phí thực hiện nội dung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và bảo đảm đồng bộ giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện. Bộ LĐTBXH đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để có đủ nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021.
Tuy có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác triển khai nhưng thực tế vấn đề phân bổ ngân sách, kinh phí đào tạo nghề vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên cho biết đó đúng là thực tế mà các địa phương đang gặp phải trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Độ cho rằng nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và vấn đề thiếu hụt nguồn kinh phí hoặc kinh phí dạy nghề bị phân bổ chậm.
"Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu địa phương báo cáo về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo thống kê nhanh thì con số đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các địa phương là rất ít. Số lao động được đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng chỉ khoảng 1,3 triệu lao động", ông Độ nói.
Để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tổng Cục GDNN (Bộ LĐTBXH) đã xây dựng "Chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”.
Dự thảo đã hoàn thiện lấy ý kiến các bộ ngành, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến dự thảo sẽ được phê duyệt sớm ban hành trong tháng 12/2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.