Nhiều điểm mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2030

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 05/12/2021 17:31 PM (GMT+7)
Bộ LĐTBXH đang trình dự thảo phê duyệt Chương trình Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030. Dự thảo có nhiều điểm mới, hướng tới đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình mới.
Bình luận 0


Đổi mới đào tạo nghề tận dụng cơ hội, đón đầu thách thức

Đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Tại tờ trình, Bộ LĐTBXH cho biết, trong 11 năm (2009-2020) thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề. Bình quân hằng năm có gần 1 triệu lao động nông thôn được học nghề. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3% so với giai đoạn 2020- 2015.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, có gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề. Trên 2,3 triệu lao động sau học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng từ 10-20%. 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo.

đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Lớp dạy nghề trồng lúa thơm cho nông dân tại Thanh Hóa. Ảnh: M.N

Với những kết quả trên Đề án đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 15 nghìn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh hiệu quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế như: Hiệu quả đào tạo nghề còn chưa bền vững, đặc biệt là ở những vùng khó khăn. Việc đào tạo mới tập trung chủ yếu vào đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, việc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng mới thực hiện thí điểm.

Chất lượng lao động trong khu vực kinh tế nông nghiệp được cải thiện rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu cách mạng công nghệ 4.0, kết nối thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Mỗi năm có hơn 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo

Mục tiêu cụ thể của đề án giai đoạn 2021-2025 là đào tạo cho khoảng hơn 5 triệu lao động nông thôn. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 1-1,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%.

Giai đoạn 2026-2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%.

Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định phê duyệt đề án trong tháng 12/2021".

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục GDNN)

Nguồn lực dành cho công tác đào tạo nghề còn thấp, việc đầu tư chỉ được thực hiện trong giai đoạn đầu. Từ năm 2016, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên không được đầu tư cơ sở vật chất, trong khi đây là lực lượng chính tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

3 điểm mới cơ bản trong đề án

Trong bối cảnh đó, việc dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng lao động nông thôn.

Để thực hiện đổi mới, dự thảo đưa ra 3 điểm tiếp cận dạy nghề. Đây cũng là điểm mới được nhấn mạnh trong đề án.

Một là đề án nhấn mạnh mục tiêu của việc đổi mới là nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại đáp ứng nhu cầu học nghề đa dạng và ngày một nâng cao của lao động nông thôn. Đồng thời gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân tiên tiến, hiện đại.

Hai là việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được chú trọng cả quy mô lẫn chất lượng đào tạo, nhấn mạnh hơn tới chất lượng. Song song với đó phải gắn với giải quyết việc làm bền vững, tăng thu nhập và phát triển bao trùm. Gắn đào tạo với thế mạnh của từng vùng, địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thí điểm đào tạo trình độ cao, trung cấp cao đẳng cho lao động nông thôn, gắn với doanh nghiệp. 

Ba là, đào tạo nghề phải tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho mọi người, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho lao động yếu thế. Đào tạo gắn với quá trình đô thị hóa, thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Nhiều điểm mới tại Dự thảo Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2030 - Ảnh 3.

Mường Lay (Điện Biên) Đào tạo nghề trồng trọt cho lao động nông thôn. Ảnh: T.H

Lao động tham gia học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Đồng thời lao động được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp.

Dự thảo cũng đề cập tới việc bồi dưỡng nhà giáo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, phương tiện cho cơ sở dạy nghề công lập để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường nội trú và trường chất lượng cao.

Dự thảo nhấn mạnh việc cao nhận thức của địa phương xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Dự thảo nêu rõ, kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ ngân sách Nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương hằng năm và bố trí từ các hoạt động đào tạo nghề trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra huy động thêm kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác cho các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem