12 hộ dân tại xã Hiệp Thanh (huyện Đức Trọng) đang rất bức xúc với cách làm thu hồi đất, phân lô rồi giao đất cho người dân "trên giấy" của chính quyền địa phương.
Việc thu hồi đất người dân đã sinh sống hơn 30 năm nhưng không hỗ trợ tái định cư sẽ khiến cho hàng chục hộ dân, thương binh, cựu chiến binh lâm cảnh "khốn cùng".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hiệp (76 tuổi, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, nguyên Giám đốc Xí nghiệp hóa chất Lâm Đồng) cho biết: Năm 1976, Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng (trước đây là Xí nghiệp hóa chất Lâm Đồng) được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Lâm Đồng giao 2 khu đất đất để xây dựng nhà máy và khu tập thể để cán bộ, công nhân viên của nhà máy sinh sống.
Clip: Nhiều hộ dân tại Lâm Đồng có thể lâm cảnh “màn trời chiếu đất” vì không được bố trí tái định cư khi thu hồi đất.
Tại khu đất làm nhà tập thể, Công ty Bình Điền đã bố trí cho cán bộ, công nhân viên xây dựng nhà ở tập thể độc thân, nhà tập thể gia đình, bếp ăn tập thể và khu nhà trẻ. Một số công nhân viên khác được bố trí tự dựng nhà trên lô đất trong khu vực này để sinh sống.
Đến năm 1999, thực hiện Luật đất đai (năm 1993) UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho công ty thuê đất theo hiện trạng với diện tích lô 1 là 17.480m2 và lô 2 là 28.468m2, thời hạn 30 năm kể từ 1/1/1996.
"Năm 2013, Công ty Bình Điền đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng và trả lại chính quyền hơn 5.000m2 đất. Diện tích đất trên dùng để phân lô rồi giao cho cán bộ, công nhân viên tại khu tập thể. Đảm bảo mỗi hộ được 1 lô với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng.
Tháng 8/2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng cũng đã tiến hành làm việc với Công ty Bình Điền và đề nghị công ty lập lại danh sách các hộ dân để đề nghị được giao đất. Thế nhưng, sau đó huyện Đức Trọng lại yêu cầu chúng tôi mua lại đất với giá tiền cao hơn so với thị trường. Việc này khiến cán bộ, công nhân viên như chúng tôi lâm cảnh "khốn cùng", không có đủ tiền để mua lại chính mảnh đất mà mình đã sinh sống hơn 30 năm", ông Nguyễn Quang Hiệp, đại diện cho 12 hộ dân tại khu tập thể bức xúc cho biết.
Bà Nguyễn Thị Chính (sống trong khu tập thể từ năm 1986) chia sẻ: "Hiện tại đời sống chúng tôi rất khó khăn. Đến nay, cả khu tập thể chỉ có 4 hộ dân nộp đủ tiền với mong muốn nhận được đất và cấp sổ. Dù 4 hộ đã nộp đủ tiền nhưng đến nay đã 5 năm mới chỉ có 2 hộ nhận được sổ đỏ. 2 hộ còn lại thì chưa được cấp sổ và cũng chưa nhận được đất".
Trong khi đó, ông Nguyễn Thuận cho hay, gia đình ông đã nộp 385 triệu đồng và được UBND huyện Đức Trọng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2016, ông Thuận được cấp "sổ đỏ" với diện tích 153m2 đất ở nông thôn. Tuy nhiên, 5 năm nay, ông Thuận chỉ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chính quyền giao đất.
Chưa hết, đến năm 2018, Công ty Bình Điền tiếp tục trả thêm 23.444m2 phần đất thuê còn lại ở khu tập thể cho Nhà nước. Với mong muốn cơ quan chức năng huyện Đức Trọng xem xét cấp lại đất tái định cư cho các hộ công nhân đang sinh sống ổn định hàng chục năm qua. Đến ngày 5/4/2021, UBND huyện Đức Trọng có thông báo thu hồi phần diện tích đất trên để thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ Phi Nôm.
Qua thông báo này, huyện Đức Trọng nêu rõ "Các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư".
Quá bức xúc với cách làm của UBND huyện Đức Trọng, 12 hộ dân đã có nhiều đơn kiến nghị, kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền để mong cấp đất tái định cư, ổn định cuộc sống.
Cho tới tháng 7/2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đức Trọng đã mời các hộ dân trong khu tập thể đến xã Hiệp Thạnh làm việc, yêu cầu kê khai toàn bộ tài sản trên đất. Bảng kê khai người dân nhận được thể hiện rõ việc người dân không được phép nhận tiền hỗ trợ về đất khi bị thu hồi dù đã sinh sống từ 30-40 năm trước. Số tiền bồi thường của các hộ dân chỉ từ 30 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng.
Theo UBND huyện Đức Trọng, diện tích đất ông Nguyễn Quang Hiệp và các hộ dân liên quan là đất công do nhà nước quản lý, UBND tỉnh cho Xí nghiệp hóa chất Lâm Đồng thuê nên không đủ điều kiện được bồi thường về đất.
Do đó, yêu cầu bố trí tái định cư của ông Hiệp là không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Hơn nữa, việc chia đất của Xí nghiệp hóa chất Lâm Đồng cho các hộ dân theo tình bày của ông Hiệp là không đúng quy định.
Trong khi đó, các hộ dân trong khu tập thể trên mong muốn được tái định cư tại chỗ hoặc hỗ trợ di dời, cấp đất giao đất có thu tiền sử dụng đất theo đơn giá năm 2014 như một số hộ dân đã được giao trước đó để ổn định cuộc sống. Với mức bồi thường thấp như trên thì người dân không biết đi đâu, ở đâu là sống ra sao.
Theo luật sư Ngô Thanh Hùng – Đoàn Luật sư TPHCM, việc coi đất của các hộ dân ở là đất công và là đất thuê trả tiền hàng năm từ năm 1999 nên không hỗ trợ bồi thường về đất và tái định cư là có dấu hiệu không đúng pháp luật.
"Cụ thể, việc nhà nước buộc Công ty Bình Điền – Lâm Đồng ký kết hợp đồng thuê đất diễn ra vào năm 1999 nhưng các hộ dân đã được phân bổ và sinh sống trên đất từ năm 1976. Hơn nữa, theo khoản 7, Điều 1, Luật Đất đai năm 1998 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai năm 1993 quy định các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối do Nhà nước giao trước ngày luật này có hiệu lực thì không phải chuyển sang thuê đất. Trong khi đó, luật đất đai năm 1993 có hiệu lực từ ngày 15/10/1993.
Ngoài ra, loại đất mà các hộ dân sống trong khu tập thể phải được xác định theo theo Điều 3 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng. Như vậy, phần đất người dân xây dựng nhà ở từ năm 1976 đến nay phải xác định là đất ở, phần đất các hộ dân dùng trồng hoa màu, sản xuất nông nghiệp phải xác định là đất nông nghiệp", luật sư Ngô Thanh Hùng giải thích.