Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, TP.HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh khu vực ĐBSCL nhưng chưa bao giờ có liên kết với toàn vùng.
Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác…
Theo ông Hoan, TP.HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Chính ông ngày xưa cũng từng cùng Đoàn Doanh nghiệp lên TP.HCM ký kết hợp tác.
Rồi ông giới thiệu và đề nghị hợp tác với một doanh nghiệp Australia – hiện cũng là đại diện các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam – nhưng là chỗ thân quen nên vị đại diện này nói thẳng: "Người Australia chả ai biết Đồng Tháp, An Giang hay Cần Thơ là nơi nào. Nhưng nếu nói khu vực ĐBSCL – khu vực Mekong có lẽ có nhiều người biết. Vì vậy tại sao chúng ta không tạo thành liên kết vùng để thế giới đều biết?".
"Nói thẳng, về tư duy liên kết vùng, chúng ta vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác. Sao mình không hợp tác cả đồng bằng với TP.HCM và miền Đông. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia", ông Hoan nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lãnh đạo các Sở NNPTNT cần có cách tiếp cận mới, về những xu thế mới.
Biết cách tiếp cận đôi khi còn quan trọng hơn là chuyên môn, vì chuyên môn thì có thể có bộ phận chuyên môn đảm trách. Còn người làm quản lý thì cần tiếp cận thông tin, bổ sung kiến thức nhiều hơn. Tiếp cận cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và cách thế giới họ vận động như thế nào...
Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới "hợp tác và liên kết".
Tại sao doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp dù có nhiều chính sách?
Phải chăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp rủi ro nhiều, phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh…?
Phải chăng thu lợi nhuận chậm so với các ngành khác?
Phải chăng bản chất các ngành hàng nông sản không tạo được niềm tin để doanh nghiệp có thể đầu tư bền vững (quy mô nhỏ, mối liên kết thiếu bền chặt, vùng nguyên liệu không ổn định, chuỗi liên kết không ổn định)?
Ông Hoan đặt vấn đề và chỉ ra: "Chính sách chính là do doanh nghiệp tạo ra. Tôi có ngồi với đại diện nhiều doanh nghiệp, có người than thiếu chính sách".
"Tôi nói thẳng, các doanh nghiệp cứ làm đi, làm thành công thì sẽ tạo ra chính sách và ngành nông nghiệp sẵn lòng ủng hộ", ông Hoan khẳng định.
Theo ông Hoan, về phía địa phương, bên cạnh các báo cáo về diện tích, sản lượng, cần đánh giá tác động như thế nào, giá trị gia tăng, có sáng kiến gì mới, đột phá, giá trị cộng hưởng... Cần ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội hơn là các số liệu báo cáo đơn thuần.
Đặc biệt, theo tư lệnh ngành nông nghiệp, cần chuyển từ mục tiêu "đơn giá trị" sang mục tiêu "tích hợp đa giá trị". Tích hợp giá trị tài nguyên bản địa để làm ra giá trị cao hơn. Giới thiệu cả phần hồn của vùng đất chứ không chỉ là bán một trái quýt, trái cam. Yếu tố hữu hình cần tích hợp với giá trị vô hình (văn hóa, lịch sử của cả một vùng đất).
Cần gửi gắm "giá trị", chứ không phải bán vì "giá cả" như trước đây. Chúng ta đang theo đuổi giá trị thấp nhất (bán ở tầng đáy) của tầng giá trị, của nền kinh tế trải nghiệm.
Ngoài ra, các mô hình "Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp", du lịch nông nghiệp nông thôn cần được quan tâm.
Các địa phương đừng chỉ săn đón đại bàng mà quên chăm sóc, lót ổ cho chim sẻ. Phải biết rằng, Trung Quốc đi lên từ xí nghiệp nho nhỏ hương trấn rồi mới lên công ty lớn. Chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh mà không nhìn chiều sâu, xa hơn ở 5-10 năm nữa.
"Chúng ta không thiếu đất mà thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương", Bộ trưởng Bộ NNPTNT đúc kết.