Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ thủy sản Ông Muộn (Cà Mau)cho biết, thông thường, đến giai đoạn này đã có nhiều doanh nghiệp đặt cọc thu mua sản phẩm, nhưng hiện nay chưa thấy.
"Trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao so với mọi năm; như chi phí phân bón đã tăng từ 50% trở lên. Ở những năm trước, giá phân đạm chỉ từ 370.000 đồng thì nay lên gần 1 triệu đồng, thậm chí 1,4 triệu đồng/bao, tuỳ loại. Đó là chưa kể chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển cũng đều tăng" - ông Toàn nói.
Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho hay, qua tính toán sơ bộ, từ đầu năm đến nay, giá trị của ngành nông nghiệp giảm gần 2.000 tỷ đồng, trong đó giảm mạnh nhất là lĩnh vực thủy sản.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương sẽ chủ động tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh tăng cường hoạt động thương mại điện tử, vận hành và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử.
Theo kế hoạch, giá trị ngành nông nghiệp trong năm 2021 là hơn 13.800 tỷ đồng.
Trong đó, sản lượng có thể đạt được nhưng giá trị thì khó. Hiện ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành để tìm giải pháp nâng cao sản lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh để bù đắp lại giá trị dự kiến thiếu hụt; phấn đấu quyết liệt để đạt thấp nhất 98% so với kế hoạch.
Việc thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau thời gian qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo UBND tỉnh Cà Mau, việc mua bán, cung ứng giống, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao do phát sinh thêm chi phí xét nghiệm, vận chuyển, trong khi giá cả tiêu thụ nông sản giảm.
Điều này khiến ngành nông nghiệp đối diện với nhiều khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm ở thời điểm cuối 2021.
Theo đó, đối với lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, người dân chưa tiếp cận hiệu quả với chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy sản; nhiều loại hình sản xuất đạt hiệu quả về sản lượng, chất lượng nhưng không mang lại giá trị lợi nhuận như mong muốn; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao...
Đối với lĩnh vực trồng trọt, do tình hình thời tiết diễn biến khó lường dự báo ảnh hưởng đến sản xuất, nguy cơ thiệt hại do triều cường, hạn hán xâm nhập mặn có thể xảy ra.
Vụ mùa (lúa tôm, lúa mùa), vụ đông xuân 2021 - 2022, nông dân bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá phân bón tăng gấp 2 - 3 lần...
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các hoạt động kết nối, giao thương truyền thống gần như "đóng băng".
Nhằm tháo gỡ vấn đề này, tỉnh Cà Mau đang quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển sản xuất phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng số.
Theo đó, Cà Mau đã ban hành kế hoạch về truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2021.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, HTX lên sàn thương mại điện tử.
Từ đó thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, tăng tính kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường nhằm nâng tầm giá trị nông sản Việt nói chung, nông sản của tỉnh Cà Mau nói riêng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, trong Kế hoạch triển khai thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm 2021, Sở đã chỉ đạo Phòng Quản lý thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hỗ trợ xây dựng 3 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP và 5 cửa hàng tiện lợi, phát triển các kênh phân phối kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hỗ trợ website thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất.
Mục tiêu đến cuối năm, hỗ trợ ít nhất 70 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến, đảm bảo lưu thông, cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa; gắn kết lưu thông với sản xuất, không để đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối và xúc tiến xuất khẩu…