Dân Việt

Du học sinh về nước: "Năng lực không có, lương không cao là chuyện bình thường"

Hà Trang - Phương Thảo 18/12/2021 08:08 GMT+7
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, không phải cứ đi du học về là “to”, vấn đề là đi du học nhưng học cái gì, khả năng tự học và ứng biến ra sao.

Câu chuyện của du học sinh và những kỳ vọng về thu nhập, đãi ngộ tại Việt Nam luôn được bàn luận khá nhiều trong thời gian qua. Với khả năng ngoại ngữ cùng bằng cấp tại môi trường giáo dục nước ngoài hiện đại, họ có tâm lý sẽ dễ dàng đạt được mức thu nhập tốt tại Việt Nam. Xong thực tế hiện nay, nhiều du học sinh tỏ ra thất vọng khi trở về nước nhận được mức lương không như kỳ vọng.

Chia sẻ về vấn đề này với Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những quan điểm riêng.

Du học về nước: "Năng lực không có, lương không cao là chuyện bình thường" - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

Hiện nay, một bộ phận du học sinh ở nước ngoài về nước nhận mức lương tương đương, đôi khi còn kém hơn ứng viên học tập trong nước. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Đến thời điểm hiện tại thì việc học không còn bị giới hạn bởi không gian vật lý. Không phải chỉ đi du học mới được những hưởng chế độ, chương trình học tốt nhất. Nhiều trường ở Việt Nam giờ còn tốt hơn rất nhiều và lọt các top 500, 800, 1000 các trường tốt nhất trên thế giới.

Nhiều trường hợp du học nhưng lại không biết tận dụng cơ hội, chỉ lãng phí thời gian vào những việc ngoài lề, nên năng lực là không có. Mà năng lực không có thì bạn phải nhận mức lương không cao là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, giờ ở Việt Nam, các bạn không cần đi du học cũng vẫn có thể lên mạng tự học thông qua các khóa học online bởi những thầy cô nổi tiếng trên thế giới, đó chính là du học tại chỗ. Và nếu có ý thức tự học, rèn được năng lực làm việc thực tế ở Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm tốt, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm thu nhập.

Nhìn ở phương diện khác, những bạn đi du học trở về nước, có một phần mức độ nào đó là do không thích nghi được với cuộc sống ở nước ngoài và nghĩ rằng trong nước sẽ phù hợp hơn. Nhưng ngay cả ở Việt Nam bây giờ môi trường làm việc đã là môi trường làm việc toàn cầu. Và nếu đã không thích ứng được ở nước ngoài, về Việt Nam bạn không dễ dàng hơn bao nhiêu. Các bạn du học sinh nếu không nhận ra được điều này thì việc có thể bị “lép vế” hơn so với những sinh viên chỉ học ở trong nước nhưng có sự nỗ lực, biết cách tự học, cũng là điều dễ hiểu. 

Theo ông, đâu là lý do khiến cho du học sinh khi trở về nước nhận được mức lương không như kỳ vọng?

- Trước tiên, vẫn phải hoan nghênh những bạn đi du học quay trở về nước làm việc, có rất nhiều người đã mang kiến thức “vàng” học được về đóng góp cho quê hương. 

Bạn nghĩ rằng đi du học về sẽ có lợi thế là tiếng Anh hơn, nhưng khi cơ hội học tập ngày càng được mở rộng, ai cũng có thể học ngoại ngữ. Việc đi ra nước ngoài học không phải còn là vấn đề quá to lớn, chưa chắc môi trường nước ngoài đã hơn môi trường học tập trong nước. Vì thực tế cái chúng ta cần là năng lực chuyển đổi, thích ứng một cách linh hoạt, giải quyết các vấn đề phức tạp. Những điều này mới làm nên giá trị của bản thân, để khi vào bất kỳ một môi trường nào, tổ chức nào cũng có thể thích ứng và chứng minh được năng lực của bản thân.

Bên cạnh đó, khả năng tự học của các du học sinh chưa chắc sẽ cao hơn các bạn học tập ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh 4.0 này. Nếu đi du học bằng tiền đầu tư của bố mẹ bỏ ra, nhưng sang bên đó lại không tận dụng khoảng thời gian quý báu để nâng cao năng lực trình độ, mà chỉ suy nghĩ học để lấy bằng thôi, khi về nước, chắc chắn  sẽ không cạnh tranh nổi. 

Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm, không phải cứ đi du học về là “to”. Nếu đi du học mà chỉ học được những lý thuyết “mau chóng”, kỹ năng thực tế không có thì không thể nào có mức thu nhập cao được.

"Cần phải nhìn nhận lại bản thân, hãy chấp nhận mức lương vừa phải khi quay trở về nước, vì mức sống ở Việt Nam khác với nước ngoài. Nên chọn cho mình bước khởi đầu khiêm tốn, chứng minh bản thân qua những đóng góp mà mình mang lại. Sau đó, lấy những minh chứng đó để thuyết phục cấp trên nâng lương cho bạn".

PGS.TS Trần Thành Nam

Tâm lý cứ du học nước ngoài là sẽ có được một mức lương tốt ở Việt Nam có phải là một suy nghĩ “thỏa đáng”, thưa ông?

- Đây là một tâm lý mà chúng ta cần phải thay đổi và mở rộng. Mức lương mà chúng ta được hưởng phụ thuộc vào giá trị và mức độ chúng ta cống hiến. Cái quan trọng nhất là năng lực thật chứ không phải là một tấm giấy thể hiện bằng cấp. 

Thực tế mức lương mà các bạn được hưởng sẽ phải trải qua quá trình phấn đấu dần dần, thể hiện qua năng lực mà bạn chứng minh cho công ty chủ quản. Nếu công việc ngoài tầm hiểu biết và kinh nghiệm, bạn cần phải có cách thức để ứng xử và giải quyết. Đó mới là điều kiện để họ xem xét và công nhận những cống hiến của các bạn. 

Ngay từ đầu, đừng lấy bằng cấp ra để “mặc cả” về mức độ lương. Bởi ở xã hội này không thiếu những người đi học nước ngoài về nhưng năng lực bằng “0”, luôn né tránh sự yếu kém của bản thân, đi phỏng vấn một cách liên tục, không có sự chuẩn bị kỹ càng, đến công ty nào cũng chê môi trường làm việc không có nhiều điều kiện phát triển, mức lương trả không thỏa đáng, không có chế độ đãi ngộ tốt.... 

Một bộ phận du học sinh mới về nước thường có xu hướng đánh giá bản thân cao, mà không hiểu rõ đâu là điều nhà tuyển dụng cần nhất. Vậy theo ông, họ cần phải thay đổi như thế nào về tư duy, nhận thức để khi quay về nước làm việc không phải thất vọng?

- Các bạn cần phải xác định mình đi du học là đang tìm kiếm các cơ hội để phát triển, nhưng thứ quyết định cuối cùng là năng lực thực của bản thân, năng lực mà có thể đóng góp cho cộng đồng.

Du học về nước: "Năng lực không có, lương không cao là chuyện bình thường" - Ảnh 3.

Cầm bằng “ngoại” trong tay không có nghĩa là cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở. Ảnh minh họa: Wisdom Education

Trước hết, những người đi du học đều đã trang bị cho mình những năng lực cơ bản của công dân toàn cầu: năng lực ngoại ngữ, nhận thức được sự khác biệt... Tuy nhiên, những điều đó không hẳn sẽ đảm bảo cho sự thành công, mà còn phải bổ sung nhiều kỹ năng khác như: năng lực tư duy, sáng tạo, cách thích ứng linh hoạt với môi trường mới, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực chuyển đổi số… Thực tế, nếu các bạn học ở nước ngoài nhưng không học được những phương pháp tự học, tự cập nhật một cách liên tục thì sẽ có một lúc nào đó kiến thức của bạn sẽ bị cũ, trở nên lỗi thời và không thể cạnh tranh được .

Thứ hai, cần xác định trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, học tập là một hệ sinh thái, chúng ta có thể ngồi học và tìm kiếm kiến thức ở bất cứ đâu. Quan trọng nhất là cần thay đổi thái độ với công việc, rằng học để tạo ra những giá trị mới hoặc đóng góp thêm sáng kiến hữu ích cho xã hội bằng tri thức của mình. Điều đó mới quyết định được giá trị bản thân và nhà tuyển dụng sẽ trả lương cho bạn mức nào.

Xin cảm ơn ông!