Thạc sĩ Việt kể về nơi giảng viên không đọc bài cho sinh viên chép, sẵn sàng nói: "Tôi không biết"

Tào Nga Thứ ba, ngày 07/12/2021 13:20 PM (GMT+7)
Giảng viên nơi đây rất giỏi nhưng luôn khiêm tốn và tạo không gian cho sinh viên trao đổi. Vậy nên họ sẵn sàng nói với sinh viên: "Tôi không biết".
Bình luận 0

Thạc sĩ Marketing Lê Thiên Tâm là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang. Chị có khoảng 1 năm theo học tại ĐH Sư Phạm TP.HCM và ĐH Ngoại Thương TP.HCM sau đó du học sinh ở thành phố Melbourne, Australia với bằng Cử nhân Kinh tế - trường ĐH La Trobe, chuyên ngành Tài Chính và Kinh Doanh Quốc tế; Thạc sĩ Thương Mại Ứng Dụng - trường ĐH Melbourne, chuyên ngành Marketing với học bổng toàn phần của Chính phủ Australia.

Cách đây gần 4 năm, chị du học ở thành phố Dunedin, New Zealand với chương trình Thạc sĩ Trường ĐH Otago, chuyên ngành Quản trị - Marketing. Hiện tại chị đang làm việc tại ĐH Otago.

Thạc sĩ Việt kể về 1 nơi giảng viên không đọc bài cho chép, sẵn sàng nói với sinh viên "Tôi không biết" - Ảnh 1.

Thạc sĩ Marketing Lê Thiên Tâm, hiện làm việc tại ĐH Otago. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Lê Thiên Tâm có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực marketing ở các thương hiệu lớn như Dutch Lady Vietnam, Unilever Vietnam; Diageo Vietnam; SEA Regional; Education New Zealand...

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Tâm cho hay: "Điều mình ấn tượng nhất về giáo dục ở New Zealand là yếu tố con người, môi trường học tập tích cực và tư duy mở. Học sinh tốt nghiệp cấp 3 là đủ để ra đi làm các công việc cơ bản vì chương trình phổ thông đã dạy các bạn đủ kỹ năng mềm, tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề, hình thành thái độ sống, và các môn cơ bản về kinh tế, khoa học, kế toán, vi tính".

Chia sẻ thêm về việc học ở bậc đại học, Thạc sĩ Tâm kể: "Nhiều người nghĩ rằng học bằng tiếng Anh ở một quốc gia không có văn hóa giống mình và không có ngữ cảnh giống mình thì việc học sẽ khó, và sau này ra trường rồi nếu muốn về nước thì cũng không biết áp dụng như thế nào. Mình thấy điều này không đáng lo ngại, trừ khi mục tiêu của bạn phải đứng nhất nhì lớp hoặc thủ khoa trường.

Ở đây, người học là trung tâm và là người quyết định mình học cái gì, học như thế nào. Giảng viên chỉ là người định hướng và chỉ dẫn thêm khi mình cần, chứ giảng viên không đọc bài cho chép và không "cầm tay chỉ việc". Giảng viên chủ yếu dạy cái HOW (như thế nào) và cách dùng HOW để đi tìm WHAT (cái gì) cho nên đòi hỏi sinh viên phải có tư duy phản biện và kỹ năng phân tích rất cao. Vậy nên khi tốt nghiệp xong thì làm việc ở môi trường nào cũng được, vì ở đâu thì cũng phải dùng các kỹ năng này để học hỏi, thích nghi và tạo ra giá trị.

Đừng ngạc nhiên khi giảng viên không thể trả lời mọi câu hỏi của sinh viên, mà họ cũng không ngần ngại nói rằng họ không biết. Ở đây thầy và trò đều bình đẳng, có thể trao đổi thoải mái trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng "bể học". Cho nên vào lớp học không có không khí trên nói dưới im phăng phắc nghe rồi ghi chép mà luôn là 2 chiều.

Cơ sở vật chất và các dịch vụ ở trường nhiều vô kể và có vai trò quan trọng không kém giảng viên. Từ thư viện đến phòng thí nghiệm, phòng tự học, phòng học nhóm, từ hội sinh viên đến câu lạc bộ/nhóm sinh hoạt, trung tâm thể thao... Tất cả đều hướng mục đích học tập của sinh viên, để sinh viên hoàn thành việc học của mình một cách tốt nhất.

Trung tâm hỗ trợ, phát triển sinh viên là nơi giúp các bạn về kỹ năng học thuật. Nhiều sinh viên bản xứ vẫn dùng các dịch vụ ở đây như kỹ năng ghi chú trên lớp, kỹ năng đọc sách giáo khoa, đọc các bài nghiên cứu khoa học, cách viết tiểu luận, cách trích dẫn, thuyết trình, mindmap, phương pháp phân tích đề bài tiểu luận... Đáng kể nhất là dịch vụ dịch thuật giúp sinh viên trước khi nộp bài cho giảng viên (để đảm bảo bài viết không sai lỗi chính tả, lỗi văn phạm, câu cú rõ nghĩa và cấu trúc bài chặt chẽ - tuyệt đối không có chuyện viết bài hoặc làm bài giúp). Tất cả các dịch vụ này đều miễn phí và tùy theo dịch vụ, sinh viên có thể chọn được tư vấn bởi các chuyên gia của trường (đa số đều có bằng tiến sĩ) hoặc bởi các sinh viên giỏi đã hoàn thành môn học tương tự trước đó.

Thạc sĩ Việt kể về 1 nơi giảng viên không đọc bài cho chép, sẵn sàng nói với sinh viên "Tôi không biết" - Ảnh 2.

Thạc sĩ Tâm tại thư viên của trường. Ảnh: NVCC

Trường Đại học Otago có 7 thư viện, thư viện chính mở cửa từ 7h sáng đến 11h đêm, suốt tuần kể cả thứ 7 và chủ nhật. Sách giấy thường được mượn 12 tuần và có thể gia hạn thêm (trừ các sách đang được dùng để làm giáo trình chính của các môn học), ebook được tải miễn phí, có máy tính để sinh viên dùng, có chỗ để cho sinh viên tự học, cả ở không gian chung lẫn phòng riêng. Mỗi khoa có một nhóm thủ thư riêng để hỗ trợ sinh viên từng khoa trong việc tìm kiếm sách vở, thông tin. Thư viện cũng có một nhóm sinh viên IT giúp hỗ trợ với các vấn đề về máy tính, email, in ấn... Và thư viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi hỗ trợ sinh viên trong việc tra cứu, nghiên cứu, cách sử dụng cơ sở dữ liệu.

Mỗi sinh viên được cấp 1 "chìa khóa điện tử" để truy cập vào Student Portal/ Student Account, email, giáo án điện tử, thư viện, và các phần mềm cần thiết như MS Office, Endnote, Onedrive... Mỗi sinh viên có được một Student Desktop, có thể truy cập được từ bất cứ máy tính nào kết nối internet, một tài khoản OneDrive dung lượng 1T, một bản quyền sử dụng MS Office (Word, Excel, PowerPoint, Outlook vv). Và wifi được phủ miễn phí cho sinh viên trên toàn bộ khuôn viên trường.

Ở đây giảng viên không dạy để sinh viên thi rớt - mà dạy để sinh viên có tinh thần học tập/ khả năng học tập suốt đời. Đề thi không bao giờ có yếu tố bất ngờ bởi vì dạy gì thì cho thi cái nấy, sinh viên luôn được biết trước phạm vi ra đề, đề thi của những năm trước cũng có sẵn trên thư viện để sinh viên tham khảo.

Sau khi nhận được điểm bài tập hoặc bài thi, sinh viên luôn có quyền gặp giảng viên hoặc trợ giảng để hỏi kỹ hơn về bài làm của mình, thậm chí có quyền khiếu nại điểm nếu không cảm thấy thỏa đáng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem