Thạc sĩ Việt tiết lộ 11 điều chống sốc cho sinh viên muốn đi du học Mỹ
Thạc sĩ Việt tiết lộ 11 điều chống sốc cho sinh viên muốn đi du học Mỹ
Tào Nga
Thứ ba, ngày 30/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sự khác biệt trong giáo dục, văn hóa khiến nhiều bạn ngỡ ngàng khi mới bước chân sang Mỹ du học. Thạc sĩ Việt tiết lộ 11 điều hữu ích chống sốc cho sinh viên.
Hoàng Thu Trang từng giành học bổng thạc sĩ chuyên ngành Chuỗi cung ứng tại Mỹ và hiện đang bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Tennessee (Knoxville), bang Tennessee. Cô có 7 năm kinh nghiệm kết nối thương mại đầu tư quốc tế và khởi nghiệp tại Việt Nam, 4 năm quản lý trong chuỗi cung ứng tại Mỹ và Trung Quốc. Trang cũng đang chuẩn bị ứng cử cho vị trí giáo sư dự khuyết tại các trường nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, Thu Trang rất nhiệt tình trong việc tư vấn cho học sinh Việt Nam tìm kiếm học bổng du học. Mới đây, thạc sĩ người Việt này tiết lộ 11 kỹ năng hữu ích chống sốc cho sinh viên nếu có ý định sang Mỹ.
Kỹ năng 1: Giáo dục giới tính
Chuyện quan hệ tình cảm ở phương Tây khác rất nhiều so với việc cầm tay cũng đỏ mặt lên ở Việt Nam, du học sinh phải chuẩn bị tâm lý và thích nghi với điều đó. Có thể 2 bạn ở chung phòng nhưng vào một ngày cửa phòng đóng kín lại không cho mình vào hoặc nửa đêm thấy giường rung lên... là chuyện không hiếm.
Theo chị Trang, nếu là người Mỹ, có người nhà trong khu vực thì có thể có ý kiến với trường để chuyển phòng khác hoặc cảnh cáo bạn sinh viên kia. Cho nên phụ huynh nào đã cho con đi Mỹ, ở ký túc thì cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để giáo dục giới tính cho con (đặc biệt là con gái).
Kỹ năng 2: Nội quy trường
Trong 3 tuần hướng dẫn sinh viên, thường các trường sẽ phát cho mỗi sinh viên một quyển Student Book hay nội quy của trường. Rất nhiều sinh viên Việt Nam có thói quen bỏ qua không đọc, một phần vì tiếng Anh nghèo nàn, phần khác vì nghĩ nội quy cũng không có mấy phần quan trọng.Tuy nhiên, những quyển nội quy này thường có nội dung bao gồm cả trách nhiệm và quyền hạn của sinh viên. Các bạn nên đọc thật kỹ phần tính toán điểm số (grade calculation) và quyền được miễn các môn học (drop and add classes) để trong trường hợp khẩn cấp có thể trình báo lên Đơn vị phụ trách cụ thể trong trường, tránh tình trạng rơi vào thế bị động trong quá trình học tập.
Mọi người cũng đã biết qua một số thang điểm của Mỹ (A, B, C, D, F), nhưng một số trường tính điểm theo cả điểm trừ (A-) và điểm (B+), nên cần lưu ý. Thông thường thang điểm sẽ là:
Trên 93%: A, đổi sang hệ số 4 là 4.00/ 4.00
Trên 90% dưới 93%: A-, đổi sang là 3.66/4.00
Trên 88% dưới 90%: B+, đổi sang là 3.33/ 4.0
Trên 83% dưới 88%: B, đổi sang là 3.00/4.00
Trên 80% dưới 83%: B-, đổi sang là 2.85/4.00
Kỹ năng 3: Đăng ký môn
Về mặt kỹ thuật, thông thường các bạn sẽ được hướng dẫn về việc đăng nhập vào website của trường rồi đăng ký qua hệ thống ngay ở kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, các kỳ sau đó thì các bạn nên chủ động email hẹn gặp academic advisor (cố vấn học tập) để xếp lịch một cách hợp lý cho bản thân.
Lưu ý là kỳ đầu tiên thì không nên đăng ký 2 môn nặng tiếng Anh cùng một lúc. Ví dụ: English literature (Văn học Anh) và Journalism (Báo chí).
Kỹ năng 4: Đọc chương trình giảng dạy từng môn
Ở Việt Nam, giáo viên thường hay có những đầu điểm cố định nên học sinh/ sinh viên thường ít khi phải đọc cái này. Syllabus hay khung chương trình thường được gửi đến sinh viên khoảng 1 đến 3 tuần trước khi lớp học bắt đầu. Tùy theo giáo viên mà khung chương trình có thể dài ngắn hoặc có độ kỹ khác nhau. Nó đóng vai trò như một hợp đồng giữa giảng viên và sinh viên. Cả hai bên có quyền và trách nhiệm bám sát theo khung chương trình này. Sinh viên đã đăng ký vào lớp học và không hủy môn sau buổi học đầu tiên (thường buổi này để giới thiệu khung chương trình và giảng demo) thì mặc nhiên được coi là đồng ý với khung chương trình do giáo viên đề ra. Nếu giáo viên làm sai so với khung chương trình, sinh viên hoàn toàn có thể kiện lên trường.
Kỹ năng 5: Ngồi bàn đầu và nói to
Mặc dù ở Việt Nam bạn thuộc dạng cao, to của lớp nhưng sang Mỹ sẽ được yêu cầu ngồi bàn đầu vì người Mỹ to gấp... 4 lần. Thêm nữa là người Việt thường "đi nhẹ nói khẽ cười duyên" nên được cho là "lí nha lí nhí" không ai nghe thấy gì.
Thế nên bạn cứ nói thật to, sai ngữ pháp lung tung cũng được. Lúc đầu mọi người có thể không hiểu nhưng họ vẫn rất kiên trì, cố gắng hỏi mình có phải thế này, thế kia không. Sau nhiều lần như vậy mọi người sẽ hiểu mình hơn và khả năng ngôn ngữ cũng tốt lên.
Kỹ năng 6: Kéo đầu các bạn Mỹ xuống hoặc kiếm cái ghế đứng lên
"Nỗi nhục" nho nhỏ của mình là nói xong các bạn Mỹ cứ "Bạn nói gì? Bạn nói lại đi". Sau này mình phát hiện ra không phải giọng mình chưa to hay khả năng ngôn ngữ kém mà là mình... quá lùn. Mình nói chưa rơi vào tầm nghe của các bạn ấy.
Kỹ năng 7: Làm việc trước
Mình có thói quen sau khi đọc khung chương trình và có sách, sẽ dồn hết lực vào 4, 5 tuần đầu tiên để đọc và làm hết bài tập. Sau đấy đến lớp chỉ để ôn lại và chơi dài cho đến lúc thi. Đến bây giờ một số bạn vẫn tưởng mình chơi suốt ngày mà điểm vẫn cao.
Thực ra sẽ rất khó để dồn việc 5 tuần nhưng mình đề nghị các bạn dành khoảng vài tuần đầu tiên để làm việc trước khoảng 2-3 tuần. Như thế nếu chẳng may các tuần sau đó các bạn có việc các bạn sẽ không bị cuống.
Kỹ năng 8: Nói ngược
Kỹ năng này nghĩa là các bạn ở lớp nói gì thì mình nói ngược lại bằng một câu càng ngớ ngẩn càng tốt. Ví dụ: Các bạn đang mải mê nói rằng: Nhu cầu cắt tóc của các bạn nữ rất chi là đàn hồi (elastic), giảm giá một cái là thấy hàng loạt đi làm đầu ngay. Mình thủng thẳng phang một câu: "Mình chẳng cần biết giá thế nào miễn đứa cắt tóc đẹp trai là được". Cả lớp bò ra cười. Cách này không những gây sự chú ý của giáo viên mà còn nhận được sự ủng hộ từ các bạn bản xứ vì thấy: "Đôi khi bạn này cũng hài hước ra phết". Dần dà các bạn sẽ thích đi chơi với mình hơn.
Kỹ năng 9: Nghĩ ngược
Lúc ở nhà, em gái mình hay hỏi: "Làm sao để nghĩ ra ý tưởng cho bài viết TOEFL". Câu mình hay nói là: "Nếu bài TOEFL cho em hai lựa chọn A và B. Em ủng hộ A thì làm ơn nghĩ xem lý do gì sẽ khiến em chọn B cho chị".
Việc này có 3 tác dụng, một là giúp bản thân chúng ta hiểu rõ vấn đề về phương án mà chúng ta ủng hộ hơn. Hai là chúng ta sẽ có phương án đỡ đòn tốt hơn. Ba là khi ta thực sự "nghĩ ngược" ta sẽ thông cảm với đối phương hơn và đối phương sẽ cảm nhận được điều đó. Như vậy đến khi ta tranh luận thắng, đối phương sẽ tâm phục khẩu phục.
Kỹ năng 10: Không có ai ghét mình thì cũng sẽ chẳng có ai thích mình
Nhớ một điều, các bạn Mỹ nghĩ gì không quan trọng. Đôi khi chúng ta quá cẩn thận lời nói, không thể hiện quan điểm (đa phần là do từ bé được dạy như thế) khiến cho các bạn ấy thấy chúng ta mờ nhạt, không có chính kiến. Tốt nhất là cứ nghĩ gì nói nấy. Có những bạn sẽ không đồng ý với chúng ta nhưng có những bạn sẽ thích ý kiến đó. Vì vậy nên mặc kệ các bạn kia nghĩ gì, khi mình thể hiện quan điểm, những bạn có ý kiến tương đồng mình sẽ nhìn thấy và dần dần trở thành bạn. Còn nếu bạn không thích thể hiện quan điểm, tùy thôi, không ai yêu cũng chẳng ai ghét bạn. Một mình bạn cứ sống thế giới của riêng bạn là được.
Kỹ năng 11: Tự hào vì những câu chuyện rất con người
Có một lần mình "đến tháng" mà đột xuất không chuẩn bị gì. Đang không biết làm thế nào thì có một bạn trai hỏi: "Mày đang bị chứ gì" rồi kéo mình sang một cô bạn khác để mượn đồ. Mình có hỏi bạn trai đó "Không xấu hổ à?" thì nhận câu trả lời: "Có gì mà xấu hổ. Con gái thiệt thòi vì tháng nào cũng có nên những ngày đó con trai nên biết điều hơn thôi".
Mình khá bất ngờ vì thường ở Việt Nam, con gái được dạy phải giữ ý tứ, còn con trai mặc định trêu ghẹo, coi đó là đáng kinh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.