Dân Việt

Nghi phạm tưới xăng đốt bạn gái có thể đối mặt mức phạt nào?

Quang Trung 21/12/2021 09:52 GMT+7
Các chuyên gia pháp lý đã phân tích xung quanh vụ nam thanh niên tưới xăng đốt bạn gái vì níu kéo tình cảm bất thành ở TP HCM.

Có thể đối mặt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 20/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hóc Môn, TP HCM đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Lê Anh Cường (22 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM) để điều tra về hành vi giết người.

Nghi phạm tưới xăng đốt bạn gái vì níu kéo tình cảm bất thành có thể đối mặt mức phạt nào? - Ảnh 1.

Theo luật sư, hành vi của nghi phạm Cường là rất côn đồ, manh động hoàn toàn có thể gây thiệt mạng cho nạn nhân. Ảnh minh họa.

Theo điều tra, Cường và chị N. (22 tuổi, ở huyện Hóc Môn) có quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau một thời gian quen nhau, chị N. chủ động chia tay, không muốn gặp Cường. Cường tìm cách níu kéo nhưng không được.

Tối 18/12, Cường hẹn gặp chị N. và có mua xăng thủ sẵn. Khi đến nhà, Cường và chị N. nói chuyện được một lúc thì chị N. cương quyết chia tay và bỏ vào nhà. Cường lấy chai xăng chạy theo đổ lên người chị N. và bật lửa đốt.

Những người xung quanh phát hiện, chạy đến dập lửa cứu, rồi đưa nạn nhân đi bệnh viện điều trị. Nạn nhân được xác định bị bỏng khoảng 50% diện tích cơ thể.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của nghi phạm Cường là rất côn đồ, manh động hoàn toàn có thể gây thiệt mạng cho nạn nhân.

Bởi vậy dù nạn nhân không chết nhưng cơ quan điều tra cũng vẫn có thể khởi tố người này về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt có thể tới 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo ông Cường, hành vi của nghi phạm cho thấy sự ích kỷ, bội bạc, coi thường tính mạng của người khác. Hành vi là nguy hiểm cho xã hội, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nghi phạm hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi của mình có thể tước đoạt tính mạng nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra. Hành vi này thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm của Tội giết người theo Điều 123.

Tiến sĩ Cường cho rằng, mặc dù nạn nhân không thiệt mạng nhưng hậu quả thương tích đến 50%, như vậy rõ ràng hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tinh thần của nạn nhân.

Nạn nhân sẽ phải sống quảng đời còn lại một cách rất khổ sở, thiệt thòi và mặc cảm. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh đối với đối tượng này để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Ngoài trách nhiệm hình sự, nghi phạm sẽ phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút trong quá trình điều trị, tiền phục hồi chức năng, tiền bồi dưỡng sức khỏe và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần.

Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường, tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật và các chứng cứ mà người bị hại cung cấp để quyết định cho phù hợp.

Bình luận về Tội giết người

Bình luận về tội danh, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.

Khách thể của tội giết người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Hành vi khách quan của tội giết người có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động.

Hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm.

Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.

Lỗi của người phạm tội giết người có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp, đây là mặt chủ quan của tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự 2015, lỗi cố ý trực tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhiều khả năng hoặc tất yếu làm nạn nhân chết nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết.

Lỗi cố ý gián tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.