Đấu thầu mua kit test Covid-19 từ Công ty Việt Á, thực hiện theo quy định nào, vi phạm xử lý ra sao?
Đấu thầu mua kit test Covid-19 từ Công ty Việt Á, thực hiện theo quy định nào, vi phạm xử lý ra sao?
Phi Long
Thứ hai, ngày 20/12/2021 16:11 PM (GMT+7)
Trước việc hàng loạt các địa phương mua kit test Covid–19 từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) không qua đấu thầu mà thực hiện chỉ định thầu, Dân Việt đã có trao đổi với chuyên gia, luật sư dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 17/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng thuộc Công ty Việt Á.
Quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm Kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều địa phương đã xác nhận mua kit test Covit- 19 của Công ty Việt Á với giá 470.000 đồng/bộ, thậm chí có nhiều tỉnh còn mua với giá cao hơn. Cụ thể, thông tin từ Báo Tuổi trẻ, một số tỉnh như Bắc Ninh phê duyệt mua 10.000 test PCR LightPower; Nam Định mua 13.536 bộ test tương tự của Việt Á, giá 509.250 đồng/bộ; Đà Nẵng cũng mua 70.000 kit LightPower, giá mua là 509.250 đồng/kit, trị giá trên 35,6 tỉ đồng…
Trong khi đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát mạnh và kéo dài, nhu cầu về kit test COVID-19 rất lớn. Theo Sở Y tế TP.HCM, ước tính thông qua việc đấu thầu mua sắm, tài trợ, đến nay TP.HCM đang sử dụng khoảng 23 triệu kit test nhanh các loại (trong đó có 15 triệu kit test được tài trợ, 8 triệu kit test mua) với tổng số tiền trên 540 tỉ đồng.
Số kit test nhanh này được mua từ 9 công ty, với giá từ 50.000 - 178.000 đồng/kit test. Mặc dù Công ty Việt Á có tham gia đấu thầu nhưng vì giá của Công ty Việt Á đưa ra thời điểm dịch bùng phát quá cao nên TP.HCM quyết định không mua.
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, rõ ràng là có việc lợi dụng dịch bệnh nên các địa phương đã lựa chọn hình thức chỉ định thầu rút gọn mà không thông qua đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, trong đó có kit test Covid-19.
Mặc dù quy định của Luật Đấu thầu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp mua sắm những thiết bị y tế trong trường hợp cấp bách nhưng vì sao TP. Hồ Chí Minh là địa phương có dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất họ vẫn cho biết có tổ chức đấu thầu và do thấy Công ty Việt Á đưa ra giá cao nên họ không lựa chọn mua?
"Thực tế, việc lựa chọn hình thức thức đấu thầu hay chỉ định thầu chỉ là cách rút gọn để dễ triển khai nhưng nếu chỉ định thầu cũng sẽ dẫn tới thiếu các đơn vị cùng cung cấp một dịch vụ để so sánh giá.
Tuy nhiên, nếu những người tham gia mua sắm thiết bị, vật tư y tế ở trong trường hợp này dù có lựa chọn hình thức chỉ định thầu nhưng triển khai công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật sẽ không xảy ra vi phạm pháp luật", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng các quy định của pháp luật về đấu thầu là đã có khá đầy đủ nhưng suốt thời gian qua vấn đề vi phạm pháp luật ở các hình thức mua sắm tài sản, vật tư thiết bị, đầu tư… thông qua đấu thầu, chỉ định thầu. Đặc biệt là lĩnh vực y tế nên cơ quan chức năng cần mở rộng làm rõ các đối tượng vi phạm trong vụ việc Công ty Việt Á để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Theo quy định tại các điều từ Điều 20 đến Điều 27 Luật Đấu thầu 2013, có 8 hình thức đấu thầu trong nước, trong đó có Chỉ định thầu: Chủ thầu lựa chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng nhu cầu của gói thầu để thương lượng và ký hợp đồng.
Hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách..
Do đó, việc lựa chọn hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu ở vụ việc của Công ty Việt Á là không quan trọng mà quan trọng là cách triển khai có đúng quy định pháp luật hay không.
"Thực tế cho thấy, hàng loạt các vụ việc mà Bộ Công an điều tra mở rộng về đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế trong thời gian qua cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm ở nhiều địa phương liên quan tới mời thầu, lựa chọn hồ sơ, lập và thẩm định giá, nâng khống giá…" - luật sư Tuấn Anh cho hay.
Cũng theo LS Trần Tuấn Anh phân tích, như vụ chỉ định thầu rút gọi của Công ty Việt Á, thậm chí Cơ quan điều tra còn chỉ ra đơn vị này ứng trước thiết bị cho các tỉnh sử dụng trước rồi mới trả tiền sau rõ ràng là việc chỉ định thầu sẽ không có được giá của các đơn vị cùng lĩnh vực để so sánh.
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng phân tích, trong vụ việc của Công ty Việt Á bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" thì mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra nếu nhận thấy có dấu hiệu về tội "tham ô" thì mức xử phạt về tội này cao nhất có thể là tử hình. Tất nhiên, mức án còn do hội đồng xét xử căn cứ và các tình tiết vi phạm của từng bị can, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra mức xử phạt cuối cùng.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỉ đồng.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít. Thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.