Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm xuyên quốc gia (Bài 1): Đổi mạng sống lấy miếng ăn!

Nhóm PV Điều tra Thứ hai, ngày 20/12/2021 09:37 AM (GMT+7)
Những câu chuyện đau lòng về "phu tìm trầm" đánh cược mạng sống xuyên quốc gia lần đầu được kể trên Dân Việt.
Bình luận 0

LTS: Họ bị cây đổ, đá đè, rắn cắn, hổ vồ, gấu tát, bị bỏ tù, rồi đạo tặc bắn giết. Trọng thương và mất mạng vì đi tìm trầm, kỳ (trầm hương và kỳ nam). Bị bắn chết, bị bắt tù ở vài quốc gia, bán nhà đi mà chuộc người thân.

Một trong những vụ việc kinh khủng nhất được biết đến là nhóm tìm trầm người Quảng Bình bị kẻ cướp chặn đường, cướp hết tải sản gì, bắt trói ở miệng hố rồi đập chết 5 người cùng lúc. Một người được thả về lấy tiền "chuộc" mạng sống của 6 người bị bắt trói. Duy nhất một người trốn thoát và băng cướp "dã nhân" với thành viên đến từ hai quốc gia Việt - Lào đã hiện nguyên hình sau nhiều ngày cơ quan điều tra vào cuộc. 

Cơ quan chức năng đã khuyến cáo, răn đe nhưng những phận người "ngậm ngải tìm trầm" vẫn tìm cách lao vào hiểm nguy. 

Bài 1: Những "lão nông" đi nước ngoài đổi mạng sống lấy miếng ăn!

Khi mà trầm và lâm thổ sản ở Việt Nam khan hiếm dần, các đoàn phu "ngậm ngải" đánh cược cả mạng sống cho giấc mộng giàu sang tìm "linh khí của trời đất" (trầm, kỳ) đã cất bước đến các cánh rừng nguyên sinh của nhiều quốc gia lân cận như: Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei, thậm chí cả Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ...

Một trang sử bi thiết đã và đang mở ra: rừng, muông thú bị sát hại trên diện rộng, kẻ trúng đậm giàu sang, kẻ tù tội hoặc xương trắng xứ người. Toàn những chuyện khó tin nhưng có thật!

Xuyên quốc gia, cược mạng sống, ngậm ngải tìm trầm... - Ảnh 1.

Ông H.V.C ở xã Hàm Ninh, huyện Võ Ninh, tỉnh Quảng Bình và những cuốn hộ chiếu du lịch tìm trầm xuyên biên giới. Ảnh chụp tháng 11/2021 - PV

 "Tôi từng đi tù ở cả 3 nước: Lào, Malaysia và Trung Quốc"

Trước, đi rừng xanh núi đỏ, sơn lam chướng khí, hổ báo nhiều, người đi tìm trầm trong rừng sâu họ hay phải "ngậm ngải". Chuyện này vừa huyền thoại rợn người lại vừa rất dễ hiểu: họ ngậm vài thứ thảo dược truyền thống, với bí kíp hơi lạ lùng để tăng sức khỏe, thêm minh mẫn và có mùi khá nồng để dã thú tránh xa. Thế mới thành cụm từ bất hủ "ngậm ngải tìm trầm".

Bây giờ thì khác, lão nông (thường người không quá trẻ mới đủ lão luyện để ra nước ngoài làm "phu trầm") đi máy bay, có hộ chiếu "du lịch" đàng hoàng, dùng điện thoại thông minh, đi theo các đầu mối "gửi định vị" (google map) để vào rừng già xứ người. 

Ra Hà Nội, vào TP HCM, từ sân bay quốc tế sang chảnh mà đi đường trời, đến các thành phố đôi khi quá hoa lệ của các quốc gia ở vùng nhiệt đới gió mùa, lập tức có xe ô tô đón đi "giải ngố". Rồi theo dẫn đường qua internet mà đi tìm trầm, đi bẫy hổ, bẫy gấu.

Video: Ông H.V.C kể về quá trình tìm trầm, bắt thú ở bên kia biên giới

Giữa mùa dịch thủ tục khai báo phức tạp, chúng tôi thận trọng, nhờ người địa phương dẫn đến làm quen với ông H. V. C. Ông này là người họ hàng của một lãnh đạo xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Được vị này giới thiệu, nên ông C. rất thoải mái với chúng tôi. Ông gầy và hiền hơn những gì tôi hình dung về một phu trầm đi xuyên nhiều quốc gia bằng… chân trần. Ý là, đến rừng là ông đi bộ, rồi sống, vật vã, đào bới xới lộn cả 6 tháng ròng trong rừng già nguyên sinh.

Đúng là đánh cược mạng sống đổi lấy miếng ăn và lấy giấc mộng giàu sang theo đúng nghĩa đen. Vợ ông, bà T., dựa đầu vào bờ tường, rơm rớm nước mắt: "Ông ấy đi "Tây" tìm trầm, tôi ở nhà không đêm nào ngủ được. Cái sống và cái chết cách nhau một tí tẹo thôi".

Xuyên quốc gia, cược mạng sống ngậm ngải tìm trầm... - Ảnh 2.

Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ông H.V.C không đi "du lịch nước ngoài" tìm trầm được nên ở nhà đi làm thuê soi trầm ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Hai vợ chồng ông C. mang ra cả chồng… hộ chiếu của ông C, ý bảo: Đấy, tôi đi nước ngoài như đi chợ. 

Người đàn ông tiếp lời: "Có năm, 6 tháng liền tôi ở trong rừng sâu. Suốt 6 năm liền, tôi đi nước ngoài liên tục, mỗi năm chỉ về thăm nhà đúng có một lần. Xóm này, có 13 người đi trầm ở Brunei vừa về do dịch Covid-19 đang cách ly tại nhà bên kia.

Suốt hàng trăm ngày ở rừng hoang núi thẳm, chẳng trông thấy mặt người nào ngoài cái nhóm 6-7 người chúng tôi. Các nhóm đi tìm trầm, đặt bẫy bắt thú quý hiếm, bao giờ cũng chỉ ngần ấy người, không nên nhiều cũng chẳng nên ít hơn. Phân công trưởng nhóm và quy chế ăn chia khi tìm được kỳ/trầm rất rõ ràng".

"Tôi đi tù ở đủ 3 quốc gia rồi. Lào, Malaysia, Trung Quốc", ông C. kể. Tù vì đi vào rừng già của người ta mà đẵn cây, mà đặt bẫy bắt hổ, giết gấu. Vì quá hạn visa. Vì xâm nhập trái phép rừng cấm.

Xuyên quốc gia, cược mạng sống ngậm ngải tìm trầm... - Ảnh 3.

Cùng với trầm, kỳ là nhiều lâm thổ sản quý hiếm, bị cấm khai thác khác được các phu trầm mang từ nước ngoài về bán. Trong đó có da hổ, cao hổ, xương hổ; mật, tay và xương gấu được một số người rao bán ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đưa về sử dụng hoặc bán. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Nếu chưa từng lăn lộn đóng giả người mua cao hổ, tay gấu, trầm hương và các sản phẩm sản xuất từ cây gỗ có trầm (như đồ mỹ nghệ, đồ trang sức, đồ thờ) để điều tra từ trước; nếu không có cán bộ sở tại dẫn đi và xác nhận, thì có lẽ, chuyện ông C kể ở trên cứ như tiếu lâm.

Chúng tôi biết về các ông N "Phở"., ông Đ. "Thạo"., là những người chuyên gom phu trầm (gọi là tuyển quân) đem ra nước ngoài tìm trầm. Và các ông ấy cũng là "chủ" của ông Hà Văn C. đang tâm sự lúc này.

Báo chí nước ngoài từng viết về nhiều vi phạm dạng này và chúng tôi cũng có trong tay các thống kê về việc các phu trầm ở tỉnh Quảng Bình bị xử lý do đi tìm trầm ở nước ngoài ra sao.

Nhóm phóng viên điều tra cũng đã trao đổi với lãnh đạo các đơn vị liên quan về chủ đề này. Nên, chuyện ông C kể không còn là thứ "lạ lùng" nữa. Cái lạ nhất là sự sinh động và cái nhìn hồn nhiên của phu trầm này với cuộc mưu sinh không dễ hình dung tí nào.

Xuyên quốc gia, cược mạng sống ngậm ngải tìm trầm... - Ảnh 4.

Sau những lần bị bắt tù ở nước ngoài, sau những lần trốn chạy họng súng truy đuổi, họ mang về ít hàng rừng bán lẻ, tùng tiệm sống qua ngày. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Ông H.V. C. bảo: đoàn phu trầm bắt được con hổ, dùng gậy đánh mãi Chúa Sơn Lâm mới chết. Rồi mở điện thoại gửi định vị (xác định vị trí) của mình, gọi điện cho người ngoài cánh rừng, để họ mang nồi lớn vào… nấu cao trộm.

"Có khi, hổ nó kéo cả bầy giết chết con nai, con hươu. Giữa rừng già yên tĩnh lắm, vả lại mình xâm nhập và phá rừng tìm trầm trái phép nên cũng có ý giữ yên lặng để yên thân. Tôi từng đi rừng khắp miền Bắc, đi khắp dãy Trường Sơn để tìm trầm, nên cũng có kinh nghiệm ở trong rừng. Tĩnh lặng, thì có tiếng kêu của muông thú, lập tức biết là có chuyện. Ở đây rõ ràng là có con thú hiền bị thú ăn thịt tấn công rồi.

Chúng tôi vác dao, vác gậy đến đuổi đàn hổ đi, cướp con nai, con hươu về ăn. Anh em bảo nhau, đừng có lấy nửa to hơn, các Ông Hổ uất ức trả thù đấy. Chúng sẽ kéo đến lán trả thù, đòi lại miếng mồi".

Hai người Việt Nam săn trộm Động vật hoang dã chịu án phạt nặng nhất trong lịch sử Malaysia

Ngày 15/5/2019, Tòa án Malaysia tuyên án hai năm tù và phạt 1,56 triệu ringgit (tương đương 8,7 tỷ đồng) đối với hai công dân Việt Nam vì tội tàng trữ trái phép các bộ phận của những loài động vật nằm trong diện bị đe dọa, cần được bảo vệ như báo hoa mai, sơn dương và gấu chó. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiến pháp Malaysia, mức phạt hơn 1 triệu ringgit được đưa ra đối với tội phạm liên quan đến động phạt hoang dã.

img

Tang vật mà những người săn trộm dùng làm công cụ săn bắt. Ảnh: PERHILITAN

Theo cáo trạng, hai bị cáo đã bị lực lượng chức năng thuộc Cục Bảo vệ Động vật hoang dã và Công viên quốc gia Malaysia (PERHILITAN) bắt ngày 15/4 tại Vườn quốc gia Taman Negara, Bang Pahang phía đông bán đảo Malaysia. Ở thời điểm bị bắt, cả hai bị phát hiện đang mang theo 141 bộ phận của sơn dương Capricornis sumatrensis, báo hoa mai Panthera pardus, gấu chó Helarctos malayanus, lợn rừng Sus scrofa, heo vòi Tapirus indicus, báo lửa Catapuma temnickiiand và 22 chiếc bẫy. Hoàng Văn Việt (29 tuổi) và Nguyễn Văn Thiết (26 tuổi) đều đã nhận tội sử dụng bẫy trái phép và tàng trữ trái phép các loài động vật được bảo vệ.

Thẩm phán Azman Mustapha nhấn mạnh hai bị cáo sẽ đối mặt thêm 16 năm tù nếu không đóng tiền phạt. Nguồn Tổ chức TRAFFIC: https://www.traffic.org/vn/news/malaysia-slaps-highest-ever-fines-vn/

Đổi mạng sống lấy miếng ăn

Chuyện ông C. cứ đủng đỉnh. Vị lãnh đạo UBND xã đi cùng cũng xác nhận, ông C. từng đi tù ở nhiều quốc gia là đúng. 

Ông C. vẫn nhỏ nhẹ kể: "Con nai, có khi nó về gần lán, chúng tôi vác gậy quây bốn bề, dồn nó ra phía suối, hết đường chạy là bị chúng tôi giết thịt. Con trăn đất, nó hiền lắm, cứ coi như thịt tích trữ, thích là mổ. Chúng tôi vào rừng chỉ mang nồi và gạo, muối, và thịt thà thì đã có… thú hoang".

Dân tôi chủ yếu đi tìm trầm, chứ không giỏi bẫy thú như làng ngoài kia (ý nói một làng cũng xuất ngoại nhiều để tìm lâm thổ sản ở huyện Bố Trạch, cùng tỉnh Quảng Bình).

Đủ các loại hiểm họa, họ gánh chịu tất. Có ông ở xã Võ Ninh này, bị gấu tát máu me be bét, may mà anh em trong nhóm cứu được. 

Ám ảnh nhất là chuyện hai anh bị cây đổ, đá đè chết ở nước ngoài, khi cắt cây già để ánh sáng lọt vào tán rừng nguyên sinh, để trông tỏ các gốc gió bầu (cây có trầm) mà soi (tìm) "báu vật của trời đất" ("vựa trầm").

Ở Quảng Bình, đã có người bị bắn chết do xâm phạm rừng của các nước vùng Đông Nam Á. Như các phu trầm tử nạn người xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mà chúng tôi sẽ kể ở bài sau.

Ông C. không thể nào quên những lần bị cướp ập vào lán: "Hôm ấy, ở rừng già bên Thái Lan, cướp bất ngờ xuất hiện, nai nịt gọn gang, vũ khí đầy mình. Họ quây kín, bắn chỉ thiên vài phát rồi ra hiệu bắt chúng tôi giơ tay lên trời. Chúng trói tất cả mọi người ở bờ suối, lục soát lều trại, tư trang, ví tiền, quần dài áo cộc, lấy đi hết mọi thứ. Chỉ để mỗi người bộ quần áo mà tìm đường về quê mẹ".

Các vụ việc phu trầm bị bắn chết, bị cướp dùng gậy đập rồi thả xuống hố lấp đất (như các nạn nhân ở Quảng Trạch, Quảng Bình) bị giết, không phải là hiếm.

Xuyên quốc gia, cược mạng sống ngậm ngải tìm trầm... - Ảnh 8.

Xuyên quốc gia, tìm lâm thổ sản về chế tác và bán, một cái nghề đầy hiểm họa mà nhiều người dân thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã làm. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Nguyễn Văn O. (xã Võ Ninh, Quảng Bình), một phu trầm từng bị tù 5 tháng ở Malaysia kể về hành trình vật vạ ngủ ngồi, 50 người bị "nhốt" trong một căn nhà chờ đầu nậu đánh xe đến đón, thả vào rừng, với cây dao cây dựa đi tìm trầm. 

Thế rồi cảnh sát sở tại ập đến, O. vào tù. Mãn hạn tù, bà mẹ nghèo vay mượn được 500 đô la (hơn 10 triệu đồng) mua vé máy bay cho vị "khách du lịch" đặc biệt trong rừng có cây gió bầu hồi hương.

Lúc cao điểm, theo một thống kê chính thức, chỉ trong 2 năm, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có tới 16 phu trầm tử nạn xứ người. Có thôn, đầu năm 2 người bị đá đè, hổ tát, gấu vồ - chết; tháng 8 cùng năm đó, lại thêm 2 người bị bắn chết ở Thái Lan do vi phạm.

Các cái tên như Bùi Văn Q (SN 1976); Ngyễn Văn Tr (SN 1982)… lần lượt thêm vào danh sách tử nạn do ngậm ngải tìm trầm. Bà Phạm Thị Ch. có cả chồng và con rể từng bị tù ở Thái Lan. Nhưng các thân nhân của bà Ch. còn may mắn hơn hai phu trầm hôm đó đã ù té chạy và bị bắn chết…

Đó, quả là hồi chương thống thiết nguyện hồn những con người xấu số đổi mạng để mưu sinh.

Nhiều phu trầm xuất ngoại vẫn chưa về nước được do Covid-19

Ông H., hơn 70 tuổi, một trong những người đầu tiên của làng trầm nổi tiếng Trúc Ly (Quảng Bình) kể: ông đi trực tiếp khai thác trầm hương khắp Việt Nam từ 40 năm trước. Gần đây ông chuyển sang buôn bán, sản xuất hương trầm tại gia. Bà con bây giờ đi Malaysia, Brunei và nhiều quốc gia để tìm trầm và lâm thổ sản. Họ đi bằng hộ chiếu du lịch.

Trầm tự nhiên mang về làm các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc, hương nhang, trầm đốt, bán khắp cả nước. Người ta thích mua trầm của làng, vì nó là hàng tự nhiên, không tẩm hóa chất, khi ngửi gây nhức đầu như một số vùng vẫn làm "hàng rởm". Lúc đi kiếm trầm, gặp con hổ, con gấu, họ giết, nấu cao rồi chuyển về nước.

Loại trầm quý, thậm chí giá từ 3 đến 7 tỷ đồng/kg. Tôi lấy hàng mỗi lần cả một, hai tỷ đồng. Hiện nay (cuối năm 2021), có nhiều người làng này vẫn "tắc" ở nước ngoài vì dịch, chưa thể về nước. Dù đi khắp các nước tìm trầm, song, vẫn thừa nhận là do khí hậu đặc trưng, do nhiều yếu tố, trầm ở Việt Nam là tốt nhất trong toàn bộ khu vực. Và đi tìm trầm ở Việt Nam là an toàn nhất. Nhưng khai thác mãi nó cũng hết, nên phải ra nước ngoài thôi.

Có dịp cao điểm, qua Tết là cả "nửa" thanh niên của làng này… xuất ngoại tìm trầm. Bắn được con gấu, cắt 4 cái tay chân, bóc túi mật. Phơi khô tất tật rồi chuyển về Việt Nam. Cũng nhiều người vào các khu rừng quý, rừng bảo tồn, phát triển du lịch của người ta để đốn cây tìm thứ "hội tụ linh khí của trời đất" trong các… thân cây giữa rừng. Và bị bắn chết.

Đón đọc Bài 2: Bát cơm cạnh bát máu!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem