Dân Việt

Tiến sĩ 9x với 3 lần nhận bằng tốt nghiệp sớm, trở thành "hiện tượng" của ĐH Thuỷ Lợi

Tào Nga 21/12/2021 06:25 GMT+7
Nhận bằng kỹ sư và thạc sĩ sớm tại ĐH Bách khoa Hà Nội, giảng viên Lê Xuân Lực tiếp tục gây bất ngờ khi nhận bằng tiến sĩ sớm tại Hàn Quốc chỉ trong 2,5 năm.

Nhận bằng tiến sĩ chỉ trong 2,5 năm

Giảng viên Lê Xuân Lực, sinh năm 1990, bộ môn Kỹ thuật Cơ điện tử, khoa Cơ khí vừa trở thành "hiện tượng" của Trường Đại học Thủy lợi khi hoàn thành sớm và bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ ngành Nano IT Fusion chỉ trong 2,5 năm tại Hàn Quốc. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về niềm vui này, Tiến sĩ Lực cho biết: "Sau thời gian rất khó khăn ban đầu khi mới nghiên cứu theo dạng học bổng giáo sư, tôi cũng hy vọng sẽ tốt nghiệp tiến sĩ trong 4 năm khi đủ các điều kiện về báo chí, công trình nghiên cứu, môn học… Nhưng sau đó làm việc với áp lực lớn, tham gia nhiều dự án cùng lúc, có nhiều kết quả tốt để báo cáo và viết báo thì tôi nghĩ mình có thể cố gắng tốt nghiệp sớm hơn dự kiến". 

Tiến sĩ 9x với 3 lần nhận bằng tốt nghiệp sớm, trở thành "hiện tượng" của trường ĐH Thuỷ Lợi - Ảnh 1.

Tiến sĩ 9x Lê Xuân Lực. Ảnh: NVCC

Do đó anh đã cố gắng sắp xếp vừa làm 7 dự án nghiên cứu theo đặt hàng của Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, vừa hoàn thành 3 bài báo SCIE đứng tên đầu, 1 bài báo KCI; tham gia báo cáo tại 13 hội nghị quốc tế và Hàn Quốc chuyên đề về Vi điện tử và đóng gói bán dẫn; đạt 1 Giải thưởng báo cáo xuất sắc nhất tại hội nghị Vi điện tử và đóng gói bán dẫn tại Hàn Quốc; 1 Giải thưởng bài báo tốt nhất tại hội nghị quốc tế chuyên đề về vi điện tử và đóng gói bán dẫn; 2 năm đạt học bổng sinh viên xuất sắc của khoa Nano IT Fusion (2020, 2021). 

"Đó là những điều kiện giúp tôi tự tin để nghĩ rằng mình có thể tốt nghiệp sớm. Nhưng cú sốc bị đánh trượt 2/3 môn thi tốt nghiệp làm tôi cũng có chút băn khoăn. Đến kỳ thứ 5 với sự công nhận thành quả của giáo sư thì tôi vừa thi tốt nghiệp vừa hoàn thành luận văn, bảo vệ trước hội đồng. Một thời gian vô cùng bận rộn và áp lực với tôi để có thể hoàn thành tiến sĩ trong 2,5 năm. Thực sự một nghiên cứu sinh có thể ra trường sớm có một áp lực lớn hơn rất nhiều so với thời đại học", Tiến sĩ Lực cho hay.

Không chỉ nhận bằng tiến sĩ trong 2,5 năm, trước đó, Tiến sĩ Lực cũng đã có kinh nghiệm hoàn thành sớm 2 bậc học Kỹ sư và Thạc sĩ tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nói về lý do quyết định chọn Hàn Quốc du học, Tiến sĩ 9x tiết lộ: "Ngày xưa khi xem các bộ phim Hàn Quốc tôi đã rất thích cảnh đẹp và văn hóa Hàn Quốc. Hơn nữa khi làm quản lý một thời gian dài trong tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của người Hàn, tôi nhận thấy đây là quốc gia phát triển theo hướng khoa học và công nghệ ứng dụng khá tốt trên thế giới. Theo cá nhân tôi, đó là điều mà các sinh viên  cần học tập và mang về phát triển cho đất nước Việt Nam".

Nhu cầu về chip hiện rất cao

Trước khi lên đường đi du học, Tiến sĩ Lực từng được đề bạt lên nhân viên cấp cao, phó phòng nghiên cứu và phát triển ở Samsung Việt Nam. 5 năm làm việc tại đây, anh cùng các đồng nghiệp, nghiên cứu và phát triển các model trọng điểm của các dòng điện thoại và máy tính bảng Samsung. 

Tiến sĩ Lực cho biết: "Cuộc cách mạng 4.0 và đại dịch đang làm thay đổi thế giới hàng ngày. Công nghệ đang len lỏi để giúp ích và nâng cao đời sống cho con người rất nhiều. Để công nghệ phát triển thì không thể thiếu yếu tố cốt lõi là chip. Việc thiếu chip trầm trọng trong 2 năm đại dịch đã làm cho các nước và các công ty lớn trên thế giới đang đổ nhiều tiền vào việc phát triển và sản xuất chip. Việt Nam là một nước đang phát triển, việc phát triển công nghệ chip còn khá mới mẻ nhưng với xu hướng chung của thế giới thì trong thời gian tới sẽ không thể đứng ngoài cuộc. 

Tiến sĩ 9x với 3 lần nhận bằng tốt nghiệp sớm, trở thành "hiện tượng" của trường ĐH Thuỷ Lợi - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lực đang nghiên cứu tại Khoa Nano IT Fusion Engineering, Đại học Khoa học và Công Nghệ Quốc gia Seoul (SeoulTech). Ảnh: NVCC

Trong công nghệ sản xuất chip, ngoài sản xuất lõi chip còn có rất nhiều ngành phụ trợ mà không kém phần quan trọng như đóng gói bao bì chip, tích hợp chip, hay một số mảng tương tự như sản xuất vi cảm biến và thiết bị vi cơ điện tử.

Đây là các lĩnh vực mà Việt Nam nếu cố gắng thì có thể tham gia cùng thế giới trong thời gian tới. Việc tham gia ngay vào chuỗi sản xuất chip là khó khả thi, nhưng chúng ta có thể lên kế hoạch tham gia dần vào các mảng sản xuất phụ trợ cho ngành chip".

Theo Tiến sĩ Lực, việc đào tạo cơ khí cũng như các ngành khoa học và kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay đã bớt phần nặng nề về lý thuyết và đang tiến tới đào tạo thực hành nhiều hơn, đó là hướng đi đúng đắn. Việc này góp phần định hình tốt hơn cho sinh viên khi bước ra khỏi môi trường đào tạo và thực chiến tại doanh nghiệp.

Hiện tại Tiến sĩ Lực đang nghiên cứu tại Khoa Nano IT Fusion Engineering, Đại học Khoa học và Công Nghệ Quốc gia Seoul (SeoulTech). Công việc của anh là hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu, tìm và viết các định hướng nghiên cứu mới để cùng giáo sư xin dự án, thực hiện các dự án nghiên cứu đang còn dang dở và viết báo.

"Kế hoặc tiếp theo của tôi là học hỏi và trao dồi thêm kiến thức trước khi về Việt Nam làm việc. Hơn nữa gia đình tôi ở Việt Nam do đó tôi cũng sẽ sớm quay về để tìm lối đi riêng cho mình và đóng góp phần nào đó vào phát triển công nghệ trong nước", Tiến sĩ Lực chia sẻ.