Bạn muốn con trở thành phiên bản nào?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 19/12/2021 09:07 AM (GMT+7)
Cha mẹ thường mong muốn điều tốt nhất cho con nhưng lại không trả lời được câu hỏi "Con mình là phiên bản nào khi con 20 tuổi?". Nếu không biết đích đến của cuộc hành trình thì làm sao chúng ta biết cách đi.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Giáo dục Chu Thị Vân Anh, tốt nghiệp Đại học Birmingham, Vương Quốc Anh; sáng lập và điều hành Tổ chức GDĐT Active Skills, cho hay: "Đại dịch đột ngột xảy đến, tốc độ phát triển quá nhanh, con người phụ thuộc vào công nghệ quá nhiều mà không nhận ra chúng ta đang mất dần tương tác thực.

Trẻ em cũng không nằm ngoài vòng quay ấy. Kiến thức trên giấy ở trường học ngày càng không đáp ứng được nhu cầu ứng dụng thực tiễn hoặc hiểu biết thực sự có trong đầu mà giúp chúng tự tin chia sẻ lại cho người khác nghe. Hai năm đại dịch quay cuồng càng giúp chúng ra nhận thức rõ ràng hơn giá trị sống và điều gì mới quan trọng với bọn trẻ. Chúng sẽ là phiên bản nào trong trận đại dịch này, và sau khi chúng trưởng thành?

Bạn muốn con trở thành phiên bản nào? - Ảnh 1.

Thạc sĩ Giáo dục Chu Thị Vân Anh. Ảnh: NVCC

Có một tình huống giả định tôi khảo sát những đứa trẻ từ 14-17 tuổi. Bạn muốn trở thành ai trong số 3 phiên bản sau trong một tình huống cụ thể này.

Nếu coi trận đại dịch là cơn sóng thần quét qua thành phố chúng ta ở khiến thành phố bị tàn phá nặng nề, thì bạn sẽ trở thành phiên bản nào trong số 3 phiên bản sau?

Một là màu vàng - người sống trong sợ hãi và đầu hàng số phận, không biết cần phải làm gì để sống.

Hai là màu xanh - người biết mình cần phải sống, biết phải đứng dậy khỏi đống đổ nát nhưng đi đến đâu kiếm việc làm và cơm ăn đến đó.

Ba là màu đỏ -  người có tâm thế phải đứng dậy xây dựng lại thành phố, dọn dẹp đống đổ nát, biết mình cần phải làm gì và với ai.

Điều thú vị ở câu trả lời số 3 lại nằm ở những đứa trẻ phá cách, dám chịu trách nhiệm cho chọn lựa và quyết định của mình, có hiểu biết thực tiễn, kỹ năng sống và rất hay bất đồng quan điểm với bố mẹ khi tranh luận để bảo vệ chính kiến của chúng. 

Những bạn chọn số 1 và 2 thì có đặc điểm rất ngoan ngoãn nghe theo mọi điều của cha mẹ, thực hiện việc ăn, ngủ, học tập như không hề có gì xảy ra, chúng thậm chí còn không có nhu cầu hay mong muốn gì, và có khi còn không cảm nhận được niềm vui sống mỗi ngày.

Câu hỏi thứ hai tôi hỏi bọn trẻ "Hôm nay con có gì vui?". Chúng thường nói không có nhiều niềm vui để chia sẻ. Nếu một đứa trẻ không còn cảm nhận được niềm vui sống của mình, không nhận diện được bản thân, không còn có nhu cầu hay mong muốn gì ngoài cơm ăn 3 bữa và hoàn thành bài học trên giấy thì điều gì sẽ giúp chúng vững vàng trên đôi chân của chính mình khi xã hội thực tế cần những tố chất mà robot không thể thay thế con người trong tương lai cùng với những biến động không lường trước được.

Dạy con thế nào để đứa trẻ tự tin là phiên bản của chính mình?

Cha mẹ thường mong muốn điều tốt nhất cho con nhưng lại không trả lời được câu hỏi "Con mình là phiên bản nào khi con 20 tuổi?". Nếu không biết đích đến của cuộc hành trình thì làm sao chúng ta biết cách đi? 

Chúng ta, những người làm cha mẹ, thường vô tình quên, đứa trẻ thừa hưởng gen của mình, quan điểm giáo dục và tiến bộ của mình, thì khi ra ngoài đời chúng cũng sẽ phản ánh phần nào phiên bản của cha mẹ. 

98% con người học qua quan sát và bắt chước thì không lý do gì 18 - 22 năm quan sát cha mẹ mình, bọn trẻ lại không học được gì từ chúng ta. Và chúng ta thường không tin bọn trẻ sẽ giỏi hơn mình, thích ứng với xã hội nhanh hơn mình, vận dụng và sáng tạo tốt hơn mình. 

Một đứa trẻ nếu luôn là một phiên bản lỗi và kém trong mắt cha mẹ thì chúng sẽ không bao giờ có cảm giác được tự tin là chính mình, chưa kể hiểu biết của cha mẹ cũng chỉ hạn chế ở trải nghiệm quá khứ của mỗi cá nhân mà thôi.

Bạn muốn con trở thành phiên bản nào? - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ tham gia chương trình Hỗ trợ cộng đồng tại HTX Vụn Art do Active Skills tổ chức. Ảnh: NVCC

Nếu chúng ta muốn bọn trẻ được tự lập thì hãy nhớ đến những nguyên tắc dạy con sau:

- Yêu thương vô điều kiện là khi chúng ta trao cho bọn trẻ tình yêu không bao gồm lòng vị kỷ của chính mình, không cần điều kiện con phải thế này thế kia, không phải áp đặt con theo cách nghĩ của hiểu biết tư duy chủ quan của mình. Tình yêu là điều gì đó thiêng liêng và tự nhiên từ trái tim, không bởi vì con phải thế này thế kia mới là yêu cha mẹ. 

Một khi chúng hiểu tình yêu đi với lòng thương, không phải sự tham lam, ích kỉ, và đáp ứng hay đòi hỏi từ nhu cầu của cha mẹ thì nhất định bọn trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương đúng nghĩa.Yêu thương bọn trẻ là khi để chúng được là chính mình, yêu cả bóng tối, ánh sáng, những yếu điểm và vấp ngã của các bạn ấy chứ không phải chỉ nâng niu những kết quả con phải đạt được theo nguyện vọng của cha mẹ.

- Bóng cây cha mẹ càng lớn, càng che phủ bóng cây con bao nhiêu thì cây con càng bóng nắng bấy nhiêu. Chúng sẽ không thể lớn nếu không có cơ hội đón nắng gió, bão táp, mưa sa, cũng như được tự do nghĩ, tự do ra quyết định và chịu trách nhiệm cho những vấp ngã của mình. 

Vậy điều cha mẹ làm tốt nhất là trao cho chúng cơ hội trải nghiệm thực tiễn, và cùng trò chuyện với chúng. Chăm một cái cây đòi hỏi chúng ta có quá nhiều kiến thức để chăm bộ rễ (thứ chìm sâu dưới đất) và chờ ngày hái quả (không thể biết trước), trong khi chỉ nhìn thấy cành và lá mỗi ngày. Hãy cho con được tự nghĩ, tự ra quyết định và tự vấp ngã, chúng sẽ biết cách tự đi bằng đôi chân của chính mình tự tin hơn.

- Mối quan hệ giữa bố mẹ và con là một mối quan hệ bình đẳng như bất cứ một mối quan hệ xã hội nào khác. Cách cha mẹ đối xử hay xây dựng mối quan hệ với cha mẹ mình, anh em, họ hàng, bạn bè, cộng sự thế nào thì nhất định cũng có những nguyên tắc nhất định được áp dụng trong việc xây dựng mối quan hệ với bọn trẻ khi chúng trưởng thành. 

Đừng dành cho chúng những cách kiểm soát, cách trút giận, cách áp đặt, cách trò chuyện hay giao tiếp mà chúng ta chưa từng dành cho ai. Một khi đứa trẻ bắt đầu tuổi vị thành niên đến trưởng thành, chúng sẽ biết lựa chọn cách chúng xây dựng mối quan hệ với cha mẹ, chúng cũng sẽ từ chối tiếp nhận mối quan hệ 1 chiều chỉ có nhắc nhở và khuyên bảo hay định hướng của cha mẹ.

Mong những đứa trẻ có cơ hội được tự cảm nhận chính mình, tự ra quyết định, tự biết chăm sóc bản thân, tự rèn luyện trí lực, trải nghiệm và khám phá đời sống, phát triển bản thân mình mỗi ngày, biết chịu trách nhiệm cho những chọn lựa của mình dù hậu quả thế nào đi nữa cũng sẽ biết tự mình đứng dậy và tiếp tục bước đi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem