Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một năm 2021 ngoạn mục với nhiều kỷ lục mới được xác lập.
Về chỉ số, VN-Index chinh phục đỉnh mới ở mức hơn 1500 điểm vào ngày 25/11/2021. Tính đến hết tháng 11, chỉ số VN-Index tăng 31,94% nhờ sức bứt phá dẫn dắt thị trường của các cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản... Riêng sàn Hà Nội, chỉ số chứng khoán tăng tới 90%.
11 tháng đầu năm 2021 đã có 1,2 triệu nhà đầu tư mới nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước vượt 4 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số, tăng 47% so với cùng kỳ.
Thanh khoản thị trường đạt kỷ lục, vượt qua mọi dự báo. Theo thống kê của VCBS, tính tới khoảng hết tháng 11, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên ước đạt 972 triệu cổ phiếu/phiên, tăng trưởng hơn 126% so với bình quân năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên cũng tăng gấp hơn 3,5 lần so với năm 2020 và đạt khoảng 25.750 tỷ đồng. Cá biệt có những phiên giá trị giao dịch khoảng 50.000 tỷ.
Đến hết tháng 11/2021, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt xấp xỉ 148% GDP đạt 9,2 triệu tỷ đồng.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm kinh tế 2022: "Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) thừa nhận, thị trường chứng khoán "nóng" trong 2 năm vừa qua khi giá trị vốn hóa tăng từ 70%GDP lên tới 140% GDP, tức là tăng gần gấp đôi trong 2 năm vừa qua.
Số tài khoản mới trên thị trường tăng trưởng đột biến, đặc biệt số tài khoản cá nhân mở mới năm 2021 bằng với số tài khoản cá nhân mở trong 4 giai đoạn 2017,2018, 2019, 2020 (1,04 triệu tài khoản).
Theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư không chuyên (F0) gia nhập thị trường rất lớn và chính họ là lực lượng tạo ra thị trường còn người nước ngoài lại bán ròng. Theo thống kê của ông Nghĩa, hiện tại F0 chiếm gần 75% thanh khoản thị trường.
Còn theo thống kê của VCBS, khối ngoại bán ròng gần 60.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân với mức mua ròng hơn 84.000 tỷ trở thành động lực chính duy trì thanh khoản thị trường và đưa VN-Index liên tục lập đỉnh.
"Thị trường được đỡ bởi lực lượng F0. Và lực lượng F0 này "tiền như điên". Thế mới có câu chuyện, Chủ tịch tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị bắt nhưng cổ phiếu vẫn tăng như thường. Có 40 công ty báo cáo tài chính lỗ 5 quý liên tiếp giá chứng khoán vẫn tăng, cao nhất lên tới 250%. Ở thời điểm khủng hoảng này báo cáo tài chính lỗ không quan trọng mà trong khủng hoảng báo cáo dòng tiền mới quan trọng, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi kể từ năm 2011 đến nay, báo cáo dòng tiền âm kể cả những tập đoàn lớn nhất đều âm, thế nhưng chứng khoán vẫn tăng kinh khủng", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Từ đó, vị chuyên gia này khẳng định, lòng tham đang "phủ một lớp băng mỏng" lên nỗi sợ hãi và hàng vạn nhà đầu tư đang lướt tìm lợi nhuận trên đó. Các chuyên gia và các nhà quản lý đã có cảnh báo về hiện tượng này. Thị trường cũng đang có dấu hiệu điều chỉnh, tuy nhiên dòng "tiền điên" vẫn tiếp tục gia tăng.
Nói về dòng "tiền điên" trên thị trường chứng khoán, ông Trương Thanh Đức - luật sư Điều hành Công ty Luật Anvi, hài hước chia sẻ: "Vợ con tôi, chưa bao giờ biết đến chứng khoán vừa rồi cũng vào, mới đây lãi 100 triệu, những rủi ro đến bất cứ lúc nào".
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, tham gia thị trường chứng khoán vừa qua "ai cũng được" - hiện tượng này rất giống với năm 2008, tại thời điểm đó người môi giới chứng khoán thu nhập 1 ngày thậm chí còn bằng 3 – 4 tháng lương làm việc tại các văn phòng luật sư. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo nhà đầu tư có thể sẽ "chết bất cứ lúc nào" bởi những rủi ro tiềm ẩn rất lớn khi thị trường gặp các cú sốc và được sàng lọc trong năm 2022.