Chia sẻ tại Toạ đàm Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 22/12, bà Nguyễn Thị Thành Thực- Doanh nhân, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bagico đã có những phát biểu thẳng thắn khi nói về tình trạng ùn ứ gần 5.000 container nông sản tại các cửa khẩu với Trung Quốc.
Bà Thực nói: Với kinh nghiệm từng giao thương với các thương lái Trung Quốc, tôi cho rằng Trung Quốc họ cũng không hề thích việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch như hiện nay. Họ mong muốn cách làm chuyên nghiệp hơn từ phía chúng ta nên không thể đổ lỗi hoàn toàn phía nước bạn.
"Còn nếu để tránh việc ùn ứ, thì tại sao UBND tỉnh Lạng Sơn không chặn xe ngay từ đầu tỉnh, không cho các xe hàng tiếp tục lên cửa khẩu. Hoặc có thông báo sớm từ đầu để các lái xe, chủ hàng nắm được thông tin, không đưa hàng lên nữa.
Tôi đưa ra vài ví dụ nhỏ để thấy, việc chúng ta gặp khó trong tiêu thụ nông sản là do lỗi từ nhiều phía, nhiều bên, và chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc để tháo gỡ và thay đổi triệt để" - bà Thực nói.
Về vấn đề này, ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cho biết: Trước đây ùn tắc nhiều lắm cũng chỉ 400-500 container. Đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất, là điều cảnh tỉnh đến chuỗi cung ứng nông sản của nước ta. Tính đến ngày 19/12, vẫn còn khoảng 4.500 container vận chuyển nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu.
Cũng tại buổi toạ đàm này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, từ vấn đề này, chúng ta phải điều chỉnh lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, thay đổi tư duy win-win, tức là cùng có lợi.
"Hiện, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về chính sách tiêu thụ nông sản, không chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, mà còn xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua đường biển… Chúng ta cần nhận diện rõ vấn đề này và thay đổi, nếu không thay đổi thì tình trạng nông sản ùn ứ sẽ còn tiếp diễn" - ông Tiến cảnh báo.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đề xuất giải pháp: "Đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua trung gian, đường bộ như thế này nữa".
"Trước đây thường chỉ xảy ra ùn tắc với thanh long, dưa hấu, hoặc chuối, nhưng giờ thì tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới. Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, họ không chỉ đưa ra lí do chống dịch Covid mà đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Họ không còn là thị trường dễ tính như trước nữa, cho thấy chúng ta cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản" - TS Đặng Kim Sơn phân tích.
Về tình trạng ùn ứ nông sản nghiêm trọng tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới nhấn mạnh thêm: Năm nay là năm ùn ứ nông sản nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Theo tôi, thị trường nông sản có 4 yếu tố là: Thị trường, bao trùm, độc lập và chính trị. Chính vì vậy, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật: Đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn ứ nông sản? Nếu không nhận dạng được rõ vấn đề này, tình trạng ùn ứ nông sản còn sẽ diễn ra.