Dân Việt

GS.TS Nguyễn Văn Bộ: Đừng coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp bé nhỏ thế đỡ được cho ai?

Minh Ngọc 23/12/2021 07:06 GMT+7
Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông không đồng tình với quan điểm "lấy nông nghiệp làm trụ đỡ của nền kinh tế".

Nêu quan điểm tại Tọa đàm "Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022" do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức sáng 22/12, GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho biết, ông không đồng tình với quan điểm "lấy nông nghiệp làm trụ đỡ của nền kinh tế".

CLIP: GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam không đồng tình với quan điểm "lấy nông nghiệp làm trụ đỡ của nền kinh tế". Thực hiện: Minh Ngọc

Nông nghiệp nhỏ bé thế, yếu thế thì đỡ cái gì?

Ông Bộ ví von: "1 năm nông nghiệp chỉ đóng góp 14,6% vào GDP của cả nước. Cái nhà nó yếu như thế, muốn nhà vững thì cái trụ nó phải vững. Trong khi đầu tư cho nông nghiệp thì rất hạn chế".

"Bây giờ nông nghiệp có thể coi là 1 cái van an toàn trong các đợt khủng hoảng kinh tế. Chứ còn nói nông nghiệp là trụ đỡ tôi thấy chưa hợp lý", ông Bộ nói.

Theo quan điểm của ông Bộ, chúng ta cứ coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thì sẽ không đúng.

"Nếu muốn đỡ thì anh phải thật khỏe, tức là nông nghiệp phải đóng góp trên 50% GDP, cho nên phải thay đổi tư duy này" - ông Bộ nói.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ: "Nói nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thì rất phản cảm" - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm "Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022", sáng 22/12. Ảnh: Phạm Hưng

Về vấn đề an ninh lương thực, theo ông Bộ, thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 61/113 quốc gia, nếu đảm bảo an ninh lương thực thì phải đảm bảo có đủ nguồn cung về số lượng, chất lượng và đáp ứng tại mọi thời điểm. Mọi người dân đều có khả năng để tiếp cận với lương thực.

"Tại sao Singapore xếp thứ 2 thế giới về chỉ số an ninh lương thực trong khi họ không sản xuất lương thực. Cho nên cần thay đổi về tư duy an ninh lương thực, chuyển tư duy an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng", ông Bộ cho hay.

Nhầm lẫn giữ thu nhập của cư dân nông thôn với thu nhập của nông dân

Nói về thu nhập của người nông dân, GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho rằng, gần đây có những thông tin thu nhập của nông dân tăng lên nhiều lần. Nhưng ông cho rằng, có lẽ chúng ta "đang nhầm" giữa thu nhập của cư dân ở nông thôn chứ không phải thu nhập của người nông dân. 

Chẳng hạn, lấy cả lương một ông Đại tá về hưu sống ở nông thôn cộng vào thu nhập chung của người nông dân là không chính xác. Bởi có khi lương của một ông Đại tá "đánh ngã" thu nhập của cả mấy người nông dân cộng lại.

Theo ông Bộ, chúng ta phải tách để hiểu thực chất thu nhập của nông dân như thế nào trong chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp.

Một vấn đề nữa ông Bộ cũng nêu, đó là trong xuất khẩu chúng ta được cái gì và thực chất xuất khẩu bao nhiêu?

Ông lấy ví dụ: Chúng ta xuất khẩu hạt điều rất nhiều nhưng không thấy nói đến nhập khẩu là bao nhiêu? hạt điều 2021 chúng ta nhập khẩu từ Camphuchia cỡ trên 1 tỷ USD. Gạo chưa có con số. 

"Vậy thì hãy nói thật con số để có chính sách cho phù hợp với chiến lược về mặt xuất khẩu", ông Bộ nêu quan điểm.