Dân Việt

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội: Báo chí "chuyển đổi số hay là chết"

Phạm Hiệp 24/12/2021 11:22 GMT+7
Tham luận tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 sáng 24/12, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh đã nhận định, báo chí cần có sự chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để thích ứng với xu thế hiện tại.

Chúng ta hình như đang "đi chậm"

Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị ở điểm cầu Trung ương tại Hà Nội cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí…

Thạm luận tại hội nghị, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, trong bối cảnh xã hội đang bị thừa thông tin với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, các nền tảng truyền thông và ai cũng có thể trở thành một nguồn phát hành, độc giả sẽ có xu hướng tìm về với những nội dung mình quan tâm và nền tảng mình tin tưởng.

Cả hai yếu tố này đều là những thách thức vô cùng lớn với bất kỳ tờ báo nào.

Tổng Giám đốc Lê Quang Minh: "Chuyển đổi số hay là chết" - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh nhận định, nếu không chuyển đổi số, cơ quan báo chí sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: PH

Theo Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam, trong bối cảnh báo chí bị tác động mạnh mẽ bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc sản xuất chương trình như thế nào mới chỉ là điều kiện cần. Xây dựng hệ thống phân phối để tiếp cận nhanh nhất tới tệp khán giả của mình mới là điều kiện đủ để trả lời câu hỏi mà tham luận này đề cập.

"Đây cũng là vấn đề cốt tử của nhiều tờ báo hiện nay, rất vất vả để nâng cao chất lượng chương trình, bài viết, nhưng lại quên mất tầm quan trọng của phân phối để rơi vào cảnh "áo gấm đi đêm"" - ông Lê Quang Minh tham luận.

Vị lãnh đạo Truyền hình Quốc hội Việt Nam viện dẫn số liệu, mỗi ngày người Việt đang dành tới 70 phút để xem video trên Youtube.

Phạm vi tiếp cận của Youtube với người Việt đã đạt trên 45 triệu (từ 18 tuổi trở lên). Không chỉ trên màn hình máy tính và điện thoại thông minh, Youtube đã tiếp cận tới 25 triệu người Việt trên màn hình smartTV. (Youtube Brandcast Delivery, tháng 10/2021).

Bên cạnh Youtube, người dùng Việt Nam còn dành nhiều thời gian xem video trên Facebook Watch, TikTok, các ứng dụng xem truyền hình Internet (VTVGo, FPT Play, TV360...) hay còn gọi là các OTT.

Thậm chí Báo cáo "Tương lai của Truyền hình" được The Trade Desk công bố năm ngoái còn lần đầu tiên dùng từ "Tạm biệt Truyền hình, Xin chào OTT". Trong bản Báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, cùng với Philippines với 36 triệu người xem OTT.

Trong số này, 70% số người được hỏi cho biết, thời gian yêu thích của họ để xem OTT là từ 8h tối đến 12h đêm, tức là cạnh tranh trực tiếp với khung giờ vàng của các đài truyền hình truyền thống.

Theo ông Lê Quang Minh, Digital là một sân chơi mới nơi tòa soạn và các tờ báo có thể tương tác trực tiếp với khán giả, độc giả, hiểu khán giả của mình là ai và đo lường được chính xác hiệu quả tuyên truyền của tờ báo.

"Có những công cụ để làm được điều đó, chỉ có điều, ngày hôm nay, các tòa soạn không chỉ phải giỏi nghề, họ còn phải giỏi cả công nghệ để tối ưu hóa quá trình phân phối này" - ông Lê Quang Minh nói.

"Thực sự là ở đây chúng ta không có một giải pháp nào khác bởi chuyển đổi số đã va vào nhiều thứ, đòi hỏi sự đột phá… Tôi cũng mạnh dạn dùng từ với cơ quan báo chí trong thời điểm hiện nay, đó là "chuyển đổi số hay là chết".

Trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta không có từ nào khác. Tiến trình đang đi quá nhanh, chúng ta có vẻ hình như đang đi quá chậm" - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh nhận định.

Không hợp nhất cơ học

Là địa phương thứ hai trong cả nước thực hiện mô hình hợp nhất cơ quan báo chí cấp tỉnh sau Quảng Ninh, trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện ở địa phương, Đài PTTH và Báo Bình Phước đã tạo ra được những mô hình mới, cách làm mới.

Tổng Giám đốc Lê Quang Minh: "Chuyển đổi số hay là chết" - Ảnh 2.

Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PTTH và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm cho biết, đơn vị này không hợp nhất một cách cơ học. Ảnh: PH

Tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Nhâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PTTH và Báo Bình Phước chia sẻ, đơn vị hiện có khoảng hơn 80% phóng viên, biên tập viên ra hiện trường có thể tác nghiệp cho cả 4 loại hình báo chí; có sự đột phá, mới lạ, không còn lối mòn, có sự cạnh tranh giữa các loại hình báo chí và từng phóng viên, biên tập viên; số lượng tin bài cũng tăng lên 40%, tăng thời lượng tự sản xuất 2 giờ 30 phút so với trước khi hợp nhất.

Bên cạnh đó, thu nhập của viên chức, người lao động tăng lên, thế mạnh, năng lực, sở trưởng công tác được thể hiện, phát huy. Tài nguyên thông tin được khai thác tối đa khi nguồn tư liệu phóng viên thu thập được sẽ sử dụng sản xuất cho cả 4 loại hình báo chí, các hạ tầng số, được sử dụng cho nhiều chương trình. 

Những thông tin quan trọng, sự kiện lớn được cập nhật liên tục và có sự tham gia tổng lực của 4 loại hình báo chí và mạng xã hội, tăng sự tương tác với công chúng, nên thông tin lan tỏa sâu rộng, có hiệu ứng tốt, cùng một định hướng, theo sát dòng sự kiện, bám sát xu hướng và dòng chủ lưu.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, Đài PTTH và Báo Bình Phước đã thực hiện đúng chủ trương không phải hợp nhất cơ học, cộng dồn các cơ quan báo chí, mà hòa trộn tất cả các nhiệm vụ chính trị, cách thức hoạt động của các loại hình báo chí và công tác tổ chức cán bộ.

"Hợp nhất để tổng hợp sức mạnh, để tạo ra mô hình mới, cách làm mới, đem lại hiệu quả truyền thông, không đơn thuần chỉ là việc tinh gọn bộ máy tổ chức. Việc hợp nhất đã tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và con người, nâng cao được hiệu quả đầu tư, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài nguyên thông tin" - lãnh đạo Đài PTTH và Báo Bình Phước tham luận.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 (Quy hoạch) là chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm sắp xếp lại hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm tốt sứ mệnh bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, về việc sắp xếp các cơ quan báo chí, với quyết tâm chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc sắp xếp theo đúng phương án của Quy hoạch.

Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.

Khối phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình) đã hoàn thành việc sắp xếp. Đối với việc xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân định hướng, cùng xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện với những cách tiếp cận khác nhau.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử. Có một số trường hợp tạp chí đã hết thời hạn của giấy phép hoạt động báo chí nhưng chưa được xem xét cấp phép lại vì quá trình xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan báo chí cho thấy nhiều vấn đề không đảm bảo đủ điều kiện có thể cấp phép hoạt động tiếp tục.