Quy hoạch báo chí: Có thể dừng hoạt động một số báo điện tử

T.A Thứ tư, ngày 03/04/2019 16:10 PM (GMT+7)
Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ còn 1 báo in; TP.Hà Nội và TP.HCM, đến hết năm 2020, tối đa được có 5 cơ quan báo in; đến 2025, mỗi tổ chức chính trị - xã hội còn 1 báo in.
Bình luận 0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (quy hoạch báo chí), vào chiều 2.4.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải gương mẫu thực hiện Quy hoạch báo chí này ở Bộ và ngành mình trong sắp xếp lại các cơ quan báo chí để báo chí tạo niềm tin cho xã hội và khát vọng trong nhân dân về phát triển và xây dựng đất nước. Đi cùng với đó, báo chí phải là kênh quan trọng để phản bác lại các thông tin giả, cũng như các luận điệu bôi xấu và chống chế độ làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Hà Nội và TP.HCM tối đa 5 báo in

Theo quyết định được Thủ tướng phê duyệt, trong định hướng quy hoạch nêu rõ phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện.

Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban Đảng Trung ương có không quá 1 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử. 

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Sau năm 2020, trên cơ sở và lấy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Trong khi đó, Văn phòng Quốc hội, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Báo Quân đội Nhân dân và Báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí in. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo in hoặc 1 cơ quan tạp chí in. Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan tạp chí in.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch đến năm 2020. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội Trung ương, các doanh nghiệp, đến hết năm 2020 được có tối đa 2 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thành ấn phẩm của Báo Công an Nhân dân trong năm 2020.

img

Tính đến tháng 11.2018, cả nước có khoảng 19.000 nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo; số lượng Hội viên Hội Nhà báo là 23.893. Cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Còn với địa phương, theo quy hoạch này, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo chí in.

Lộ trình thực hiện cụ thể là đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. 

Đặc biệt, TP.Hà Nội và TP.HCM, đến hết năm 2020, tối đa được có 5 cơ quan báo in (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội Trung ương còn 1 báo in

Theo quy hoạch, mỗi tổ chức chính trị - xã hội Trung ương có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo in trực thuộc liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. 

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội Trung ương có 1 cơ quan tạp chí in.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020, tối đa được có 3 cơ quan báo in; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đến hết năm 2020, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện đang có báo phải chuyển thành tạp chí hoặc ngừng hoạt động; nếu giữ báo thì phải thay đổi cơ quan chủ quản theo quy định. Các tạp chí của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động theo giấy phép đã được cấp; khi giấy phép hết hiệu lực thì thực hiện theo Luật Báo chí.

Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước nếu có thay đổi mô hình tổ chức mà nhà nước không còn nắm quyền chi phối thì cơ quan báo chí trực thuộc phải chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc ngừng hoạt động.

Có thể dừng hoạt động một số báo điện tử

Cũng theo quy hoạch, các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản, chuyển thành tạp chí cho phù hợp với quy hoạch hoặc ngừng hoạt động.

Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

Lộ trình thực hiện báo điện tử và tạp chí điện tử như theo lộ trình như đối với báo in, tạp chí in.

Mục tiêu của quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội.

Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem