Quy hoạch báo chí - làm từ dễ đến khó

Bảo Lâm Chủ nhật, ngày 21/06/2015 10:14 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son khẳng định quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được định hướng để báo chí ngày càng phát triển hơn, chất lượng tốt hơn và không để tư nhân núp bóng... 
Bình luận 0

Không để phát triển tràn lan

Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tầm quan trọng của đề án được thể hiện ở việc Bộ Chính trị đã 2 lần cho ý kiến và được đưa ra Hội nghị T.Ư bàn thảo.

img
 Bạn đọc chọn báo tại một sạp báo trên phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.   Ảnh: Đàm Duy

Ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ TTTT chia sẻ: “Quy hoạch báo chí là việc bình thường và là nhiệm vụ cần thiết, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng quy hoạch báo chí là nhiệm vụ rất phức tạp, nhạy cảm, nhất là trong tình hình hiện nay. Chính vì vậy, quy hoạch này nhận được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Đảng, Nhà nước”.

Bộ trưởng Son cho biết sau 3 lần cho ý kiến, Bộ Chính trị cũng khẳng định đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh quy hoạch để báo chí ngày càng phát triển tốt hơn, chất lượng tốt hơn, không để tư nhân núp bóng. Quy hoạch làm sao không cần nhiều về số lượng mà cần về chất lượng.

Ông Lưu Đình Phúc – Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết thêm: “Quy hoạch đã được đưa ra Hội nghị T.Ư bàn thảo. Trong Hội nghị T.Ư có 113 ý kiến phân tích thực trạng hệ thống báo chí, những tồn tại trong cơ chế chính sách, những tồn tại trong nội dung thông tin. Về cơ bản các đại biểu dự Hội nghị T.Ư đều nhất trí với những nội dung quy hoạch đưa ra”.

Lãnh đạo Cục Báo chí cho biết thêm, cách đây hơn 10 năm Bộ Chính trị đã xác định quản lý báo chí, không để phát triển một cách tràn lan, tự phát. Trong quy hoạch có đề án phát triển nguồn nhân lực của báo chí, cơ chế tài chính để cơ quan báo chí phát triển đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Điểm mấu chốt của quy hoạch là phải tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, nhất là với cơ chế tài chính của các báo. Quy hoạch đặt ra như vậy còn nội hàm thế nào sẽ do Chính phủ ban hành.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Trong thời gian tới, Thủ tướng, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ xem xét để ban hành đề án quy hoạch. Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ ban hành và khi ban hành sẽ có kế hoạch quán triệt triển khai việc này”.

Vì sao không lấy ý kiến cơ quan báo chí?

Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết: “Tháng 7.2013, Bộ TTTT đã trình dự thảo đề án quy hoạch lên Chính phủ. Tiếp đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp và cho ý kiến vào dự thảo, xác định đây là văn bản cá biệt. Thủ tướng đã chỉ đạo lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, các tỉnh, thành phố, thậm chí gửi cả văn bản để lấy ý kiến về các phương án. Tuy nhiên, đây là văn bản cá biệt nên không lấy ý kiến tất cả các cơ quan báo chí”.

Giải thích cụ thể hơn, ông Lưu Đình Phúc cho hay: “Dư luận nói rằng đề án không lấy ý kiến của báo chí, thực tế không hẳn vậy. Bởi đề án được bàn thảo rất kỹ, lấy ý kiến nhiều cơ quan chủ quản, nhiều cơ quan liên quan. Văn bản này theo hành chính là văn bản cá biệt của Thủ tướng. Nếu ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật thì đối tượng chịu tác động cần được lấy ý kiến rộng rãi. Còn là văn bản cá biệt chỉ đạo điều hành thì theo quy định không cần lấy ý kiến rộng rãi”.

Theo ông Phúc, Chính phủ đang xem xét dự thảo đề án trên cơ sở thực tiễn của đời sống báo chí. Để triển khai còn vướng nhiều vấn đề bởi liên quan đến quy hoạch hệ thống là phải cắt giảm về cơ học, cũng như đề ra những chính sách phù hợp với thực tiễn.

Hiện dự thảo quy hoạch chưa được phê duyệt nhưng đã có những bộ, ngành đã triển khai sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Như Bộ GTVT đã thực hiện dừng xuất bản một tờ báo và 5 tạp chí để còn lại một báo, một tạp chí của ngành.

“Một số bộ, ngành đã triển khai trước với quan điểm dễ làm trước, khó làm sau và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan đến quy hoạch này. Trong đó, có quy định phát triển báo điện tử là lực lượng chủ lực. Bởi thực tế hệ thống phát triển báo chí truyền thông nước ta cũng như xu hướng phát triển công nghệ thông tin, hội tụ thông tin thì truyền thông mạng đang là xu thế của tương lai” - ông Lưu Đình Phúc nói.

Thời điểm thích hợp để ban hành quy hoạch

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đánh giá: “Tôi thấy đây là thời điểm thích hợp. Trong khoảng 5 năm vừa qua, báo chí Việt Nam phát triển ồ ạt, nhất là báo điện tử. Tuy nhiên, việc phát triển theo kiểu tự phát đó không mang tính bền vững, nhất là các cơ quan báo chí chưa có dự báo một cách khoa học xu hướng thông tin, thị trường và chưa làm chủ nền tảng công nghệ của báo điện tử.
Nhiều tờ báo in sụt giảm số lượng liên tục mà chưa tìm ra đối sách. Đối với các bộ, ngành, số lượng cơ quan báo chí quá nhiều nhưng không hiệu quả, rất nhiều hội giao phó đầu báo cho việc liên kết, dẫn đến sai tôn chỉ mục đích.  Đây là một trong những nguyên nhân cần thiết để quy hoạch báo chí nhằm thúc đẩy sự phát triển đúng hướng tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước và xã hội. Vì thế, thực hiện Đề án quy hoạch báo chí ở thời điểm này là kịp thời và cần thiết”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem