Người trồng cà chua trong tỉnh Nam Định thì đang tiếc của vì không có sản phẩm để bán.
Được xem như “vựa” cà chua của miền Bắc với nhiều vùng sản xuất lớn như Nam Điền, thị trấn Quỹ Nhất, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); Hải Xuân, Hải Toàn, Hải Quang, Hải Phúc (Hải Hậu); Nam Cường, Nam Giang, Nam Dương (Nam Trực) và các huyện Vụ Bản, Ý Yên…nhưng đợt này cà chua lại có hiện tượng khan hiếm và người tiêu dùng vẫn phải mua với giá đắt gấp 10 lần so với mọi năm và gấp 2-3 lần so với các tháng trước.
Tại thời điểm này ở hầu hết chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn tỉnh Nam Định thấy giá cà chua đang dao động quanh mức 45.000-50.000 đồng/kg, cá biệt có một số nơi lên tới 60.000 đồng/kg. Không chỉ tăng giá, lượng cà chua trên thị trường cũng khan hiếm hơn trước ở cả chợ đầu mối và chợ dân sinh.
Bà Trần Thị Hà, tiểu thương kinh doanh cà chua lâu năm ở chợ đầu mối rau, củ, quả Phạm Ngũ Lão (thành phố Nam Định) cho biết: khoảng 2 tuần nay, giá cà chua tăng đột biến. Cách đây khoảng 1 tuần là đỉnh điểm, đạt mức 60.000 đồng/kg với cà chua Đà Lạt và khoảng 50.000 đồng/kg cà chua trồng ở các tỉnh phía Bắc.
Đặc biệt cà chua Trung Quốc không mấy xuất hiện trên thị trường. Không chỉ nguồn cung hiếm, giá cà chua tăng từng ngày mà chất lượng cà chua cũng không ổn định do người trồng hái sớm khi vẫn còn xanh để tranh thủ lúc giá cao khi thị trường khan hàng.
Cầm quả cà chua trên tay, chị Lê Thúy Hằng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: Bình thường với 20.000-25.000 đồng tôi mua được cả cân cà, nhưng nay cùng với số tiền đó chỉ mua được 2-3 quả cà chua. Gia đình tôi có cả người già và trẻ nhỏ, món thịt sốt cà chua được ưa chuộng. Mùa hanh này món canh cá hay riêu cua cũng dễ ăn thì không thể thiếu cà chua.
Giá 1kg cà chua bằng 1kg cá trắm, cá chép và gần bằng 1kg thịt lợn. Tôi lại phải tính toán chuyển sang những loại rau củ, thực phẩm khác cho bữa ăn hàng ngày. Chưa bao giờ cà chua - một loại rau quả lại khiến người nội trợ nói chung và các quán ăn phải tính toán cân nhắc thêm bớt như hiện nay bởi trước đây cà chua được coi là gia vị làm đẹp và là món “độn” trong mỗi bát bún riêu, suất bánh mì bít tết hay khay mỳ Ý…
Bà Trần Thị Hồng, xã Yên Cường (Ý Yên) người trồng cà chua lâu năm cho biết: Chưa bao giờ cà chua đắt như năm nay mà chúng tôi lại không có sản phẩm để bán. 1kg cà chua thời điểm này có thể đổi bằng 2 giành cà chua 40kg của thời điểm đầu năm.
Thị trường khan hiếm nên cà chua chín ép cũng được mang ra cung ứng mặc dù quả khô, không có bột, cũng chẳng có hương vị chỉ một màu đỏ hồng bắt mắt khiến người trồng rau chúng tôi không khỏi xót xa tiếc và lo cho sức khỏe người tiêu dùng.
Lý giải nguyên nhân của việc giá cà chua tăng cao, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của đợt mưa bão số 7 kéo dài vào trung tuần tháng 10 đúng vào thời điểm trồng cà chua gây úng lụt làm cho cà chua giống chết hàng loạt; các cơ sở sản xuất cây giống không kịp làm giống mới cung ứng cho vùng trồng nên diện tích trồng cà chua bị thu hẹp.
Hơn thế nữa người trồng vẫn bị ảnh hưởng tâm lý giá cà chua quá thấp, đứt gẫy chuỗi cung ứng, cà chua không tiêu thụ được do dịch bệnh COVID-19 vào thời điểm cuối vụ năm trước cộng với giá vật tư phân bón, giống cây, nhân công tăng cao, người trồng không có lãi nên không mặn mà mở rộng trồng đầu vụ.
Diện tích trồng cà chua được phục hồi sau đợt mưa lớn cũng chậm phát triển lại gặp thời tiết sương muối lúc giao mùa nên quả đậu không đồng đều và muộn hơn mọi năm khoảng nửa tháng. Trong khi sản xuất tại chỗ gặp khó thì nguồn cà chua nhập khẩu từ Trung Quốc sang cũng hạn chế.
Đặc biệt từ cuối tháng 11 Trung Quốc tạm dừng việc xuất nhập khẩu một số loại nông sản sang nước ta để hạn chế dịch bệnh lây lan. Hiện tại cà chua trên địa bàn chủ yếu là cà chua Mộc Châu, Sơn La, Đà Lạt, Lâm Đồng và cà chua nội tỉnh của một số vùng chuyên canh rau màu có trình độ thâm canh cao và điều kiện hạ tầng kỹ thuật tốt như HTX Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên), Nam Dương, Nam Hồng (Nam Trực); Nghĩa Hồng, Nam Điền, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng)… nhưng sản lượng cũng không nhiều.
2 nguồn cung chính cho thị trường cà chua đều gặp khó khăn nên đã chi phối tình hình cung ứng cà chua không chỉ trên địa bàn tỉnh Nam Định mà còn ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, hiện tại giá cà chua đang ở mức cao kỷ lục, song từ nay đến cuối năm, dự báo thời tiết ổn định và chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cây vụ đông, sản lượng cà chua cung cấp cho thị trường sẽ tăng lên vì thế giá bán sẽ có cơ hội giảm dần trở về mức giá ổn định.
Do đó người tiêu dùng nên điều chỉnh cơ cấu chủng loại rau xanh sử dụng cho bữa ăn, không cố mua loại cà chua xanh chín ép bằng đất đèn hoặc các chất tạo màu, chất kích thích tăng trưởng để tránh bị ngộ độc thực phẩm; góp phần giảm áp lực khan hiếm hàng trên thị trường.